Phát triển điện ảnh và du lịch: Đường đã mở nhưng vẫn gập ghềnh

VOV.VN - Thời gian qua vẫn còn tồn tại những rào cản khiến không ít đoàn phim quốc tế chọn bối cảnh tại Việt Nam gặp khó khăn nên đành chuyển sang nước khác.

Mới đây, Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh (Viện phim Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm “Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất phim, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam và phát triển du lịch” tại TP HCM nhằm tìm ra những hướng đi cho việc phát triển ngành điện ảnh và du lịch Việt Nam.

Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề liên quan đến việc phát triển hoạt động hợp tác và tổ chức dịch vụ sản xuất phim quốc tế, giới thiệu khả năng cung ứng dịch vụ làm phim của điện ảnh Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, phục vụ phát triển du lịch từ điện ảnh.

Tham dự tọa đàm, nhiều đại biểu đều thống nhất ý kiến muốn ngành điện ảnh nước nhà phát triển, cần phải có vai trò đầu tàu của các đơn vị nhà nước trong các chính sách, chiến lược, quy định đối với công tác quản lý hợp tác, sản xuất phim trong và ngoài nước. Nhà nước cũng cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất cho ngành điện ảnh (phim trường, đạo cụ…), đầu tư đào tạo về con người bằng cách cho các bạn trẻ đi học tập ở các nước có ngành điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc…

Cảnh trong phim "Người tình".

Các đơn vị sản xuất phim, đơn vị cung ứng dịch vụ làm phim cũng cần chủ động bắt tay với nhà nước để có những đầu tư hợp lý ngành điện ảnh Việt Nam. Ngành điện ảnh cũng cần phối hợp hiệu quả với ngành du lịch để có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới…

Nhiều năm qua, Việt Nam đã từng là điểm đến của các dự án hợp tác làm phim quốc tế như: “Người tình”, “Đông Dương”, “Điện Biên Phủ”, “Người Mỹ trầm lặng”, … và gần đây nhất là bom tấn “Kong: Đảo đầu lâu”. Có thể thấy ngay sau khi những bộ phim nước ngoài có sử dụng các cảnh quay thiên nhiên tại Việt Nam này công chiếu đã ít nhiều gây được tiếng vang trên thế giới và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, đồng thời góp phần thu hút một lượng khách du lịch quốc tế tìm đến nước ta để tìm hiểu các địa điểm trong phim.

Thế nhưng thời gian qua vẫn còn tồn tại những rào cản khiến không ít đoàn phim quốc tế có ý định hợp tác, chọn bối cảnh quay tại Việt Nam gặp khó khăn nên đành chuyển điểm quay sang nước khác thay vì nước ta như dự kiến ban đầu, gây mất cơ hội quảng bá kém lợi nhuận kinh tế không nhỏ.

Cảnh trong phim “Kong: Đảo đầu lâu”.

PGS-TS Trần Luân Kim nhận định: “Một đất nước phát triển thì cần trải qua nhiều giai đoạn và chuyện khó khăn khi đoàn phim quốc tế xin quay tại Việt Nam là một giai đoạn đã qua rồi; hiện Việt Nam đã vô cùng thoải mái trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim quốc tế vào tác nghiệp. Điều quan trọng là họ có tìm được đối tác tốt phía Việt Nam để an tâm “chọn mặt gửi vàng” hay không?”

Ông Lưu Trọng Hồng (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh): “Đến nay cũng vậy thôi, việc hợp tác của chúng ta vẫn còn thụ động, chưa thực chất; chúng ta vẫn thiếu nhân sự và kỹ thuật ngang tầm quốc tế để có thể làm việc chung. Hơn nữa, nhiều người ở cấp trên vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng và tính tất yếu của việc hợp tác quốc tế trong sản xuất phim” -

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: “Một trong những nguyên nhân khiến các đoàn phim nước ngoài “nản” là việc “duyệt phim” cho các đoàn nước ngoài tại Việt Nam tốn rất nhiều thời gian do liên quan nhiều ban ngành (như ngoài cơ quan văn hóa còn phải thông qua ngoại giao, an ninh, tài nguyên môi trường…) nên nhiều khi chúng ta trả lời đồng ý thì họ đã chọn điểm quay ở nước khác rồi.

Đáng buồn nhất là tình trạng một số đối tác trong nước (nhận nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, hỗ trợ cho các đoàn làm phim nước ngoài) đã nâng giá, “ăn chặn” tiền của đoàn phim nước ngoài trả cho nhân viên, diễn viên người Việt (có mặt trong tác phẩm), làm mất uy tín về hình ảnh của những người làm điện ảnh Việt chân chính”.

NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn khẳng định: “Muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam trên phim ảnh quốc tế thì trước hết cần phải sửa chữa ngay lại hình ảnh của những người Việt Nam đầu tiên hợp tác với nước ngoài. Với cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, ranh ma, xảo trá của một số công ty dịch vụ làm phim, thử hỏi đoàn phim nước ngoài nào dám hợp tác Việt Nam nữa. Qua đây đề xuất Cục Điện ảnh nên có quy định về pháp lý những hãng phim làm dịch vụ với quốc tế thì phải đáp ứng những yếu tố gì?”

Nhà sản xuất - đạo diễn Charlie Nguyễn: “Việc thiếu cơ sở vật chất như các loại xe chuyên dụng trong có trang bị đầy đủ thiết bị như một căn hộ cao cấp cho các diễn viên nghỉ ngơi sau các cảnh quay, nhiều trang thiết bị kỹ thuật để quay các đại cảnh… nhiều đoàn phim nước ngoài đã từ chối vào Việt Nam”.

Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu: “Trình độ của những nhà làm phim Việt Nam không thua kém những nhà làm phim nước ngoài, thậm chí người nước ngoài rất ngưỡng mộ năng lực làm việc của các đạo diễn phim Việt Nam. Tuy nhiên, ngành điện ảnh vẫn chưa có cơ chế quy hoạch lại quần thể không gian phim trường.

Các phim trường không có sự đầu tư đúng mức. Nhiều đoàn làm phim mỗi lần quay phim lại loay hoay làm bối cảnh phim, dẫn đến tốn kém rất nhiều kinh phí. Nếu một nền điện ảnh không có nhiều những phim trường được đầu tư một cách chuyên nghiệp thì rất khó có thể phát triển”.

Không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt mà quan trọng còn chứng minh cho nhiều đoàn phim nổi tiếng trên thế giới thấy được lực lượng làm nghề của nước ta đủ sức để sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các siêu phẩm thế giới, góp phần mở đường cho những phim sau đến tác nghiệp.

Nhiều chuyên gia đề xuất không chỉ tạo điều kiện thật tốt, ưu đãi cho các đoàn phim nước ngoài như rút ngắn việc xét duyệt kịch bản, hoàn lại một phần chi phí thuế cho đoàn phim…, cơ quan chức năng còn phải có cơ chế để khuyến khích các đoàn phim sau khi quay sẽ để lại các bối cảnh để chúng ta tận dụng phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt nếu như có thể, Nhà nước, Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam hay phía tư nhân nên phối hợp thành lập một trung tâm hoặc công ty chuyên giới thiệu và cung ứng các dịch vụ thiết bị làm phim với nước ngoài hướng tới hoạt động một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Để khi quốc tế muốn hợp tác làm phim chỉ cần lên mạng tìm thông tin sẽ có ngay các dịch vụ cần tiếp cận. Tránh những việc làm manh mún, làm hình ảnh người VN xấu đi bởi những cá nhân, hãng phim không tốt...

Hiện việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua những sản phẩm hợp tác điện ảnh quốc tế, có thể ví như một “con đường” đã mở nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Bên cạnh việc các ban ngành chức năng đã và đang quan tâm, tạo điều kiện để dần khai thông, thì hơn hết rất cần sự chân thành, coi trọng uy tín của các hãng phim trong nước trong quá trình hợp tác, giúp đỡ các đoàn phim quốc tế.

Có như vậy hình ảnh tốt đẹp về đất nước chúng ta mới ngày một được vang xa, thu hút đông đảo du khách tìm đến để hiểu và yêu thiên nhiên, văn hóa, tâm hồn con người Việt…

Nếu Nhà nước có chủ trương, chính sách quảng bá điện ảnh Việt Nam một cách đầy đủ hơn, cùng với sự liên kết chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội để nền điện ảnh phát triển, góp phần quảng bá được hình ảnh, đất nước con người Việt Nam ra thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội không đồng tình đặt mô hình Kong ở Hồ Gươm
Hà Nội không đồng tình đặt mô hình Kong ở Hồ Gươm

VOV.VN -Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết, Sở đã họp với UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất xây dựng mô hình Kong ở một địa điểm khác ngoài khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Hà Nội không đồng tình đặt mô hình Kong ở Hồ Gươm

Hà Nội không đồng tình đặt mô hình Kong ở Hồ Gươm

VOV.VN -Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết, Sở đã họp với UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất xây dựng mô hình Kong ở một địa điểm khác ngoài khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Khỉ Kong không thể giúp nhiều cho du lịch Việt Nam
Khỉ Kong không thể giúp nhiều cho du lịch Việt Nam

VOV.VN - “Đừng kỳ vọng Hollywood quảng bá du lịch cho Việt Nam, họ chọn mình vì chi phí thấp mà thôi...".

Khỉ Kong không thể giúp nhiều cho du lịch Việt Nam

Khỉ Kong không thể giúp nhiều cho du lịch Việt Nam

VOV.VN - “Đừng kỳ vọng Hollywood quảng bá du lịch cho Việt Nam, họ chọn mình vì chi phí thấp mà thôi...".

“Mô hình Kong dự kiến dựng ở Hồ Gươm chỉ là tấm phông lớn”
“Mô hình Kong dự kiến dựng ở Hồ Gươm chỉ là tấm phông lớn”

VOV.VN - Trước nhiều ý kiến phản đối đề xuất dựng mô hình khỉ Kong ở Hồ Gươm, Bộ VHTT&DL cho biết, dự kiến đó chỉ là tấm phông lớn quảng bá phim.

“Mô hình Kong dự kiến dựng ở Hồ Gươm chỉ là tấm phông lớn”

“Mô hình Kong dự kiến dựng ở Hồ Gươm chỉ là tấm phông lớn”

VOV.VN - Trước nhiều ý kiến phản đối đề xuất dựng mô hình khỉ Kong ở Hồ Gươm, Bộ VHTT&DL cho biết, dự kiến đó chỉ là tấm phông lớn quảng bá phim.

Đạo diễn phim "Kong: Skull Island" trở lại vịnh Hạ Long
Đạo diễn phim "Kong: Skull Island" trở lại vịnh Hạ Long

VOV.VN -Đạo diễn phim "Kong: Skull Island" bày tỏ sự thân thiện khi trở lại vịnh Hạ Long sau một năm thực hiện cảnh quay tại đây.

Đạo diễn phim "Kong: Skull Island" trở lại vịnh Hạ Long

Đạo diễn phim "Kong: Skull Island" trở lại vịnh Hạ Long

VOV.VN -Đạo diễn phim "Kong: Skull Island" bày tỏ sự thân thiện khi trở lại vịnh Hạ Long sau một năm thực hiện cảnh quay tại đây.