Hà Nội lấy lại vỉa hè cho người đi bộ: Cần có sự công bằng

VOV.VN - Sự công bằng cần thiết phải có để những người chấp hành nghiêm túc không bị thiệt thòi, người cố tính vi phạm lấn chiếm vỉa hè phải bị xử lý nghiêm.

Sau gần 1 tuần ra quân lấy lại vỉa hè cho người đi bộ và làm thông thoáng lòng đường theo chỉ thị số 08 của Thành ủy Hà Nội, tình hình trật tự giao thông, đô thị trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thách thức và khó khăn.

Được đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ, ông Phạm Vũ Hải, ở quận Hoàn Kiếm cho biết, sau hàng chục năm ở Thủ đô ông mới lại thấy vỉa hè thông thoáng, không còn lô nhô mái che, ô, dù.

Lòng đường đê Trần Khát Chân bị chiếm dụng làm chỗ để xe (ảnh chụp ngày 15/3/2017).  Ảnh: Nguyên Nhung.

Cũng sau hàng chục năm, ông mới có được những phút giây thanh thản tản bộ trên đúng phần đường dành cho người đi bộ: “Hà Nội nhiều năm rồi mới trả lại được vỉa hè để người ta đi thanh thản. Muốn để cho du lịch của Hà Nội được phát triển, cũng như cái nhìn về thành phố Hà Nội đối với người dân và tổ chức, hình ảnh của Hà Nội ra ngoài thế giới đẹp đẽ hơn, mang lại nhiều dấu ấn về Hà Nội cho du khách.”

Niềm vui tưởng đơn giản ấy của người dân đã trở thành xa xỉ khi nhiều năm qua hè phố thành điểm tập kết hàng kinh doanh, ăn uống, buôn bán, trông xe, thậm chí là nơi để bếp than đun nấu. Dưới lòng đường cũng lô nhô chỗ để xe máy, chỗ để ô tô.

Chính vì vậy mà bà Nguyễn Thanh Vân, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng vẫn phải hàng ngày đưa đón cháu đi học dù trường cách nhà chỉ 500 mét vì sợ cháu đi bộ dưới lòng đường dễ xảy ra tai nạn. Nay biết chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, bà Vân cũng như hầu hết người dân đều vui mừng và trông đợi. Tuy nhiên bà cũng lo lắng và thiếu tin tưởng vào kết quả đợt ra quân lần này, khi ngay trên đê Trần Khát Chân, vỉa hè chỉ tạm thông thoáng vào giờ hành chính, còn buổi trưa, buổi chiều, buổi tối nhiều hộ dân lại để xe cộ tràn xuống lòng đường, bầy đủ hàng hóa, bếp than..:

Một cửa hàng kinh doanh giải khát trên phố Quán Sứ vẫn bày bàn ghế, che ô ra vỉa hè đón khách (ảnh chụp ngày 15-03-2017).  Ảnh: Nguyên Nhung. 

“Không biết thế nào nhưng tôi thấy dư luận vẫn bảo chắc lại bắt cóc bỏ đĩa như mọi khi thôi. Không biết lần này thế nào, nếu duy trì được là tốt nhất”- Bà Vân nói.

Nhiều năm nay, năm nào thành phố Hà Nội cũng có hàng chục đợt ra quân để làm đường thông, hè thoáng, nhưng chỉ được ngày hôm trước, hôm sau đâu lại vào đó. Càng đáng lo ngại hơn khi bên cạnh sự lấn chiếm tự phát của một bộ phận người dân còn có tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường công khai theo kiểu lợi ích nhóm như Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng phát biểu thẳng thắn: “180 quán bia vỉa hè thì có đến 150 quán có công an đứng sau” .

Ông Vũ Thời Sự, phường Hàng Bột, quận Đống Đa cho rằng:“Làm sao dẹp được chuyện lợi ích nhóm thì vỉa hè sẽ đâu vào đó hết. Có mấy ông phường, mấy ông cấp dưới bảo kê những quán vỉa hè thì làm sao tránh được. Diệt hôm nay thì mai lại đâu vào đấy cả”.

Sau gần 1 tuần ra quân, đến nay cơ bản các tuyến phố ở 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Tại các tuyến phố, việc sắp xếp phương tiện đã đúng quy định, gọn gàng hơn, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông được tháo dỡ. Tuy nhiên theo quan sát, tình trạng tái chiếm vỉa hè kiểu lác đác, chỗ này chỗ kia vẫn còn xảy ra vào buổi trưa ở hầu hết các tuyến phố. Cụ thể như phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Hàm Long… Đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hàng cơm, quán cà phê, người bán hàng rong…

Mặc dù đây chỉ là hiện tượng nhưng đã tạo ra sự mất công bằng, trong khi hầu hết các hộ nghiêm túc chấp hành thì vài người không chấp hành vẫn ngang nhiên buôn bán. Hiện tượng này nếu không kịp thời xử lý, chắc chắn sẽ trở thành gương xấu dẫn tới trào lưu lấn chiếm vỉa hè, đường phố quay trở lại.

Đây là một điểm lấn chiếm vỉa hè trên phố Trần Hưng Đạo (trưa 15/3/2017).  Ảnh: Nguyên Nhung.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Thường vụ Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện diễn ra hôm qua 15/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, người dân đòi hỏi phải thực hiện công bằng, đồng thời ông cũng đề nghị các cấp quận, huyện và ngành chức năng: “Có một số ý kiến phản ảnh của người dân, người ta vì cái chung người ta sẽ chấp hành nhưng họ cũng đòi hỏi yêu cầu phải công bằng. Có nghĩa là dưới cơ sở vẫn còn những địa điểm mà người ta cho là của người này, của người kia vẫn còn tồn tại. Nên đề nghị các đồng chí cũng phải rà soát kỹ lưỡng, và phải thực hiện một cách nghiêm túc”.

Để đợt lập lại trật tự vỉa hè lần này mang lại kết quả bền vững, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra sát sao cũng cần có giải pháp đồng bộ. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết trước nguyện vọng của những hộ dân nghèo, thành phố sẽ rà soát để quy hoạch các phố, ngõ phù hợp để tổ chức cho người dân bán hàng ./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội: Nhiều người dân vẫn tái phạm lấn chiếm vỉa hè vì mưu sinh
Hà Nội: Nhiều người dân vẫn tái phạm lấn chiếm vỉa hè vì mưu sinh

VOV.VN - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đinh Văn Toản: Trong quá trình xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè một số người vì lợi nhuận, mưu sinh nên vẫn vi phạm.

Hà Nội: Nhiều người dân vẫn tái phạm lấn chiếm vỉa hè vì mưu sinh

Hà Nội: Nhiều người dân vẫn tái phạm lấn chiếm vỉa hè vì mưu sinh

VOV.VN - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đinh Văn Toản: Trong quá trình xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè một số người vì lợi nhuận, mưu sinh nên vẫn vi phạm.

Bí thư Hà Nội: Không chấp nhận “cá nhân hóa” vỉa hè
Bí thư Hà Nội: Không chấp nhận “cá nhân hóa” vỉa hè

VOV.VN - Bí thư Hà Nội cho rằng để người dân coi vỉa hè là của mình, “cá nhân hoá vỉa hè” thì không thể chấp nhận được”.

Bí thư Hà Nội: Không chấp nhận “cá nhân hóa” vỉa hè

Bí thư Hà Nội: Không chấp nhận “cá nhân hóa” vỉa hè

VOV.VN - Bí thư Hà Nội cho rằng để người dân coi vỉa hè là của mình, “cá nhân hoá vỉa hè” thì không thể chấp nhận được”.