VN trong tuần: Bộ Chính trị quy định cụ thể tiêu chuẩn cán bộ cấp cao

VOV.VN -Tuần qua, nhiều sự kiện gây chú ý đặc biệt như: quy định tiêu chuẩn cán bộ cấp cao,vấn đề trạm thu phí BOT,cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3...

Trong tuần qua (14-19/8), trên cả nước diễn ra nhiều sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, những sự kiện nổi bật như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp cao; Thủ tướng quyết định miễn nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; phản ứng đa chiều về trạm thu phí BOT; cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3...

Cán bộ cấp cao phải tuyệt đối không tham vọng quyền lực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Điểm gây chú ý nhất của quy định này là, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ. Chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm. Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi....

Đánh giá về quy định này, Đảng viên cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ cao cấp là cần thiết để chấm dứt một số "bệnh trầm kha" như bệnh thành tích, bệnh đổ lỗi. Đảng viên cũng tin tưởng quy định này được triển khai thực hiện thì chắc chắn sẽ đi vào lòng dân, đạt kết quả tốt đẹp, không còn tình trạng vàng thau lẫn lộn, trắng đen không rõ ràng.

Kỷ luật ông Võ Kim Cự, miễn nhiệm bà Hồ Thị Kim Thoa

Cũng trong tuần qua, liên quan đến việc kỷ luật cán bộ, có 2 sự kiện gây chú ý mạnh. Đó là Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thi hành kỷ luật 4 cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh do đã có những vi phạm liên quan đến Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố môi trường rất nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung.

Trong đó, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đồng thời, ông Võ Kim Cự, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Cùng trong tuần, Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Lùm xùm thu phí BOT

Sự việc lái xe phản ứng trạm thu phí BOT Cai Lậy (ở Tiền Giang) bằng cách dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc giao thông cũng là một điểm nóng thời sự tuần qua. 

Giải trình băn khoăn của các đại biểu Quốc hội xung quanh trạm Cai Lậy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng, "đề xuất của địa phương là giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng có thể nhà đầu tư sẵn sàng, nhưng suy cho cùng thì nó vẫn là số ấy thôi, chỉ là thay vì phương án thu gần 7 năm thì sẽ kéo dài tới khoảng 12 – 13 năm, vì tổng mức đầu tư của người ta như vậy rồi".

Nhưng dư luận càng trở nên bức xúc hơn về phản ứng của Bộ GTVT và chủ đầu tư. Giới chuyên gia đã có nhiều phân tích chỉ ra sự bất hợp lý của trạm Cai Lậy nói riêng và nhiều trạm BOT nói chung. Đặc biệt, GS.TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết ông đã rất nhiều lần lên tiếng đề cập đến vấn đề này. GS Võ Đại Lược cho rằng, thay vì là động lực, thì các dự án BOT lại đang kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Ì ạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cũng trong tuần, hội nghị toàn quốc về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tại Lâm Đồng cũng thu hút sự chú ý của cả nước. Thông tin tại hội nghị này cho thấy, mặc dù thời gian thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã 5 năm,  nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng, thậm chí có thể nói là vẫn rất ì ạch.

Trong số nhiều nguyên nhân của sự ì ạch, có nguyên nhân khó khăn về đất đai và vốn.

Sẽ quy định điểm sàn riêng với ngành sư phạm

Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế trong đào tạo sư phạm thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào. 

Đáng lưu ý là, trong số nhiều giải pháp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Liên quan vấn đề này, nhiều lãnh đạo trường đại học và chuyên gia giáo dục đã lên tiếng. Đặc biệt là, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý, từ mô hình của các nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển, chúng ta cần phải tính toán kỹ, siết chặt nguồn tuyển sinh vào các trường ĐH, chứ không phải là tuyển sinh bằng mọi giá.

VOV tổ chức cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3”

Một sự kiện đặc biệt nữa trong tuần qua là cuộc thi “Tiếng hát ASEAN+3” do Đài TNVN (VOV) tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Cuộc thi này diễn ra từ ngày 17 đến 21/8.

“Tiếng hát ASEAN+3” là một sân chơi, là nơi giao lưu văn hóa của các quốc gia, góp phần tăng cường mối quan hệ hòa bình, hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

“Tiếng hát ASEAN+3” có sự tham gia của 24 ca sĩ các nước ASEAN và 3 nước đối tác. Với các đại diện Việt Nam, việc chọn lựa ca khúc đảm bảo  xứng tầm một cuộc thi quốc tế, đồng thời lại thể hiện tốt đời sống âm nhạc, bản sắc văn hóa dân tộc là một lựa chọn khó khăn. Đặc biệt, khi “Tiếng hát ASEAN+3” mang sứ mệnh đem đến cho công chúng tiếng nói của khát vọng hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và quan trọng hơn cả là tăng cường liên kết trong nội khối ASEAN ngày càng bền chặt.

Lại thêm nhiều người chết vì... cưa đầu đạn

Sự kiện rất đáng buồn trong tuần qua là vụ nổ tại Khánh Hòa làm 6 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ nổ được xác định do người dân lại... cưa đầu đạn.

Vụ nổ này khiến toàn bộ nạn nhân đều là người trong cùng một gia đình. Và Thủ tướng đã yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ này.

Nạn nhân còn sống sau vụ nổ này khi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, mấy người trong nhà đã cưa đầu đạn gây ra vụ nổ. Trong số các nạn nhân của vụ nổ xảy ra ngày hôm qua (18/8), có 2 nạn nhân từng là cán bộ thị trấn.

Đại án Vinashinlines: Tử hình Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt

Sau 2 ngày xét xử, chiều 18/8, HĐXX của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cấp phúc thẩm đối với đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines).

Tòa khẳng định Giang Kim Đạt không oan sai, bị cáo đã thực hiện chỉ đạo của Trần Văn Liêm để thực hiện việc nhận “hoa hồng” mua 3 tàu và cho tiền gửi giá trong việc cho thuê 9 tàu để chiếm đoạt hàng trăm tỷ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên