Dự đoán phổ điểm trung bình môn Lịch sử sẽ từ 3-5 điểm

Theo PGS.TS Lê Sỹ Giáo, số thí sinh đạt điểm 7, 8, 9 khoảng từ 10-15%; đạt điểm 0,1,2 cũng rơi vào khoảng từ 10-15%.  

Trong những năm gần đây, điểm thi môn lịch sử của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ rất thấp. Có những năm, phổ điểm môn lịch sử chỉ từ 0-3 điểm. Nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn Sử dưới điểm trung bình. Trong đó, số lượng học sinh bị điểm 0 tương đối nhiều.

Môn thi lịch sử của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vừa kết thúc nhưng đã có những nhận xét, dự đoán về điểm số của môn này. Công tác chấm thi chưa bắt đầu nhưng theo các giảng viên trường ĐH, đề thi có thể quyết định từ 30-40% điểm thi của thí sinh.

Thí sinh xem lại đề sau khi kết thúc môn thi

Để hiểu rõ hơn về đề thi lịch sử của khối C năm nay, phóng viên VOV online phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Lê Sỹ Giáo, thành viên Hội đồng chấm thi môn Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

PV: Thí sinh thi ĐH khối C vừa kết thúc môn thi lịch sử, Phó Giáo sư đánh giá như thế nào về đề thi môn lịch sử năm nay?

PGS. TS Lê Sỹ Giáo: Theo tôi, đề thi môn lịch sử năm nay là vừa tầm, không mang tính đánh đố thí sinh. Đây có thể là đề thi rõ ràng, cụ thể nhất trong vài năm trở lại đây. Vì thế, khả năng thí sinh làm bài sẽ tốt hơn so với mọi năm.

Câu 2 của đề thi hỏi về từ năm 1919-2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào? Khái quát nội dung chính của thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.

Theo tôi, câu hỏi này đã đề cập rõ đến thời điểm diễn ra sự kiện; đồng thời cũng yêu cầu thí sinh phải biết cách tổng hợp và khái quát các vấn đề.

Trong đề thi cũng có câu hỏi phân loại trình độ của thí sinh. Đó là câu “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Với câu hỏi này, thí sinh không những phải nhớ những sự kiện trong sách giáo khoa mà phải có kiến thức từ sự tự học, cập nhật qua đọc sách, báo, xem truyền hình…

PGS. TS Lê Sỹ Giáo

PV: Với cách ra đề thi như vậy, Phó Giáo sư có thể dự đoán phổ điểm trung bình của thí sinh năm nay sẽ như thế nào?

PGS. TS Lê Sỹ Giáo:  Nếu như năm 2011, phổ điểm trung bình môn lịch sử chỉ khoảng 1,5 điểm thì năm nay, phổ điểm trung bình sẽ rơi vào khoảng từ 3-5 điểm. Số lượng học sinh đạt điểm 7, 8, 9 khoảng từ 10-15%; điểm 5,6 khoảng từ 15-20%; điểm 3,4,5 đạt khoảng 50%. Học sinh đạt điểm 0,1,2 rơi vào khoảng từ 10-15%.

Tuy nhiên, đề thi này vẫn còn loanh quanh trong khuôn khổ hỏi về lịch sử Việt Nam cận hiện đại, gắn với lịch sử Đảng nhiều hơn chứ chưa đề cập đến lịch sử dân tộc.

Cách ra đề theo lối mòn, chỉ tập trung vào lịch sử cận hiện đại đã có từ vài chục năm nay. Nguyên nhân của thực trạng này có lẽ là do triết lý giáo dục của chúng ta từ xưa đến nay vẫn đi theo một thói quen, khuôn khổ, chưa có sự bứt phá thay đổi.

Theo tôi, trong kỳ thi ĐH nên bao gồm những câu hỏi về lịch sử cổ đại, cận đại, hiện đại. Có như vậy, chúng ta mới giáo dục kiến thức lịch sử cho thí sinh một cách toàn diện được.

PV: Nếu đề thi bao gồm những câu hỏi về lịch sử cổ đại, cận đại, hiện đại thì đòi hỏi thí sinh phải học tập một cách bao quát, hiểu biết rộng kiến thức về lịch sử các thời kỳ. Liệu như vậy thí sinh có nhớ hết các sự kiện và sẽ gây khó khăn cho các em trong việc học tập, thi cử không, thưa Phó Giáo sư?

PGS. TS Lê Sỹ Giáo:  Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc có những sự kiện cụ thể, dễ nhớ như: Chiến thắng Bạch Đằng, kháng chiến chống Nguyên Mông, chống quân Minh, Khởi nghĩa Tây Sơn… Vì vậy, học sinh không đến nỗi là khó nhớ, khó học.

Thay đổi đề thi cũng là nhằm hướng tới cho thí sinh có một nền tảng kiến thức lịch sử một cách toàn diện, bao quát hơn. Để làm được điều này thì chúng ta phải thay đổi quan niệm ra đề, phương pháp giảng dạy, học tập.

PV: Trong những năm gần đây, học sinh gần như “quay lưng” lại với môn lịch sử nói riêng và ngành Khoa học xã hội nói chung. Ý kiến của Phó Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS. TS Lê Sỹ Giáo: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, như: Học sinh chưa hứng thú với môn lịch sử, sinh viên khoa Sử tốt nghiệp ĐH tìm việc làm rất khó khăn, thu nhập từ chính ngành học còn thấp so với các ngành nghề khác… Những nguyên nhân này đã được các giảng viên, chuyên gia nghiên cứu khoa học, lịch sử cảnh báo từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt dẫn đến thực trạng trên là tư duy của nhiều người từ trước đến nay vẫn đối xử chưa công bằng với môn lịch sử. Nhà trường cũng chỉ coi môn lịch sử như là một môn học phụ, năm tốt nghiệp THPT có lúc thi, lúc không, nên việc giảng dạy, học tập bị lãng quên.

Tôi nghĩ cần thay đổi tư duy về môn chính, môn phụ. Hãy coi môn lịch sử như là một môn không thể thiếu trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp. Điều này sẽ góp phần vào cải tiến việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

Còn nếu với tình trạng coi nhẹ môn lịch sử nói riêng và ngành Khoa học xã hội nói chung thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ “khủng hoảng” về nguồn nhân lực cho những ngành nghề này. Đến lúc đó, ngành Giáo dục mới “chữa cháy” thì nguồn nhân lực cho đất nước đối với ngành Sử nói riêng và Khoa học xã hội nói chung sẽ chỉ mang tính chắp vá mà thôi.

PV: Xin cảm ơn Phó Giáo sư!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên