Cử tri Ai Cập đi bầu tổng thống vòng hai

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị tại Ai Cập ngày càng tăng khiến cử tri đi bỏ phiếu trong tâm trạng lo lắng

Hôm nay (16/6), khoảng 50 triệu cử tri Ai Cập đã tham gia vòng hai cuộc bầu cử để lựa chọn một giữa hai ứng cử viên là ông Ahmed Shafiq, cựu thủ tướng dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak và ông Mohamed Mursy thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo làm tổng thống. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị tại Ai Cập ngày càng tăng khiến cử tri đi bỏ phiếu trong tâm trạng lo lắng, trong khi cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình tại quốc gia Bắc Phi này.

Các hòm phiếu mở cửa từ 8h sáng (giờ địa phương) và dự kiến đóng cửa vào 20h cùng ngày. Quân đội đã triển khai 150.000 binh sĩ trên toàn quốc để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. Dự kiến, kết quả sẽ được công bố vào ngày 21/6 tới.

Cử tri Ai Cập chờ tới lượt mình bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Cairo hôm 16/6 (Ảnh: AP)
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị ở Ai Cập tiếp tục gia tăng, đặc biệt sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao ra phán quyết quốc hội, do Tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm đa số, là vi hiến.

Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang cầm quyền tại Ai Cập ngày 15/6 ra lệnh giải tán quốc hội theo phán quyết của tòa, tiếp quản việc nắm quyền lập pháp và kiểm soát ngân sách nhà nước. Các đảng chính trị Hồi giáo đã tố cáo Hội đồng Tối cao Các Lực lượng vũ trang Ai Cập tiến hành một cuộc đảo chính mới để duy trì quyền lực, kể cả sau khi cuộc bầu cử tổng thống kết thúc, do đó họ kêu gọi các cử tri bỏ phiếu trắng hoặc hủy phiếu.

Ông Ahmed Omar, một cử tri ở thủ đô Cairo bày tỏ: “Tôi không thích Tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhưng ngay lúc này họ là sự thay thế duy nhất cho ông Shafiq. Nếu ông Shafiq giành chiến thắng, Gamal Mubarak (con trai cựu Tổng thống Mubarak) sẽ tham gia vào cuộc bầu cử kế tiếp và điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi đã không làm được bất kỳ điều gì”.

Trong khi đó, Tiến sỹ Mohamed Fahmy nói rằng ông tham gia bỏ phiếu vì một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước mình: “Chúng tôi mong muốn an ninh và hy vọng về sự an toàn trong cuộc sống, về kinh tế và xã hội. Chúng tôi mong muốn sự an toàn cho tất cả mọi người, cho các tầng lớp người lao động hơn là các đối tượng được đặc quyền đặc lợi. Và tôi muốn nói rằng dù ai giành chiến thắng chúng tôi cũng sẽ hoan nghênh nhưng ông ấy phải làm việc cật lực”.

Với việc hai ứng cử viên Mursi và Shafiq lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống chứng tỏ sự phân hóa rõ rệt tại Ai Cập giữa một bên là những người lo ngại sự trở lại của chính quyền thời Mubarak và một bên là những người không muốn xứ sở “Kim Tự Tháp” trở thành một đất nước Thần quyền với luật Hồi giáo Sharia hà khắc đóng vai trò chủ đạo.

Cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử và diễn biến tình hình tại Ai Cập. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi Ai Cập tổ chức bầu cử tổng thống trong hòa bình. Ông nhấn mạnh cuộc bầu cử này là một phần rất quan trọng trong tiến trình tiến đến nền dân chủ của Ai Cập.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland kêu gọi Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo thắng cử.

Căng thẳng chính trị leo thang tại Ai Cập tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế của nước này. Kinh tế đình trệ kể từ khi chính quyền của ông Mubarak bị lật đổ, dự trữ ngoại tệ giảm một nửa khiến cho đồng tiền Ai Cập mất giá nghiêm trọng, nguồn viện trợ tiếp tục bị đóng băng và các nhà đầu tư không dám tiếp cận nền kinh tế này.

Với sự biến động đến chóng mặt trong đời sống chính trị thời gian qua, cho dù cử tri Ai Cập có tìm được người đứng đầu đất nước qua cuộc bầu cử lần này, căng thẳng chính trị và sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội vẫn chưa thể được giải quyết trong một sớm một chiều, người dân xứ sở các Pharaon vẫn phải đối mặt với một tương lai bất ổn./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên