Những điều thú vị về pháo phản lực Katyusha huyền thoại

VOV.VN - Pháo phản lực bắn loạt dã chiến Katyusha được đánh giá là vũ khí đáng sợ nhất của Thế chiến II.

Vũ khí tối mật

Katyusha đã được giới thiệu với quan chức cao nhất của Liên Xô ngay trước chiến tranh. Lúc đầu, một vài viên đạn được gắn trên một chiếc xe tải đơn giản không gây ấn tượng nhiều, nhưng khi nó bắn thì tất cả đều sững sờ. Người đầu tiên bị sốc là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Semyon Timoshenko - người đã giận dữ trách cấp phó của mình là tại sao không báo cáo với ông về việc có vũ khí như vậy.

Quyết định cuối cùng về sản xuất loạt Katyusha được nhà lãnh đạo Stalin đưa ra chỉ vài giờ trước khi quân đội Đức vượt qua biên giới Liên Xô - ngày 21/61941. Vũ khí mới này thuộc loại tuyệt mật, mỗi bệ phóng đều được gắn một thiết bị nổ để vũ khí có thể bị phá hủy trước khi người Đức có cơ hội thu nó. Các trung đoàn Katyusha được gọi là Trung đoàn Cối cận vệ để không bị lộ về các bệ phóng tên lửa. Cho đến hiện nay, các tài liệu về thiết kế Katyusha vẫn được bảo mật nghiêm ngặt.

Vũ khí chưa được biết đến

Tên chính thức của pháo phản lực bắn loạt dã chiến này là BM-13; BM là xe chiến đấu (Боевая Mашина) và số 13 lấy từ đường kính tên lửa (132mm) là giàn phóng tên lửa dã chiến đặt trên xe ZIS-6 (ЗИС-6). Đơn vị thử nghiệm đầu tiên gồm bảy chiếc BM-13 được sử dụng trong chiến đấu tại thành phố Orsha của Belarus (cách Moscow 500km về phía Tây) vào ngày 14/7/1941.

Các phiên bản Katyusha đầu tiên; Nguồn: gunmagazine.com.ua

Ngay lần sử dụng đầu tiên, Katyusha đã vượt quá mọi mong đợi của các nhà lãnh đạo quân sự Liên Xô - trung tâm Orsha đã bị tàn phá khủng khiếp. Các bệ phóng tên lửa đã tấn công và nhanh chóng rút lui. Người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu Đức Quốc xã đã viết trong nhật ký của mình về sự kiện này: “Người Nga đã sử dụng một loại vũ khí chưa được biết cho đến bây giờ. Một cơn bão đạn đã thiêu rụi nhà ga đường sắt Orsha, tất cả binh lính, công sự bị thiêu hủy; kim loại đã tan chảy, và đất đang cháy”.

Cấp tập và nguy hiểm

Gây sốc và tàn phá đối với kẻ thù chủ yếu là do khả năng của khẩu đội Katyusha chỉ trong vài giây tung mấy tấn thuốc nổ lên một khu vực rộng lớn - sức mạnh hỏa lực tương đương với 70 khẩu pháo hạng nặng. Tuy nhiên, không giống như pháo truyền thống, BM-13 là phương tiện cơ động, có thể di chuyển nhanh giữa các điểm bắn, làm cho địch khó theo dõi. Các tên lửa Katyusha cũng được thiết kế để khi bắn để lại ít dấu vết nhất, do đó, đối phương không thể xác định vị trí của khẩu đội để tấn công trả đũa.

Từ năm 1942, Katyushas được gắn trên các xe tải Studebaker khỏe và cơ động của Mỹ mà Liên Xô đã nhận được như một phần của chương trình vay-mượn. Sau khi vũ khí này chứng tỏ hiệu quả của nó trong chiến đấu, nhiều đơn vị mới trang bị các bệ phóng tên lửa đã được thành lập và gửi ra mặt trận. Katyusha trở thành vũ khí phổ biến của Liên Xô và là một trong những biểu tượng chính của Thế chiến II của người Nga.

Người Đức thất bại trong việc tạo ra một bản sao

Người Đức rất muốn tìm hiểu và háo hức để có được vũ khí mới của Nga nhưng trong một thời gian dài đã không thể chạm tay vào nó. Cuối cùng, khi Đức quốc xã thu được Katyusha, họ phát hiện ra rằng họ không thể sao chép chúng. Thứ mà người Đức thất bại trong việc copy là loại thuốc phóng bột đặc biệt được sử dụng trong các tên lửa của Liên Xô. Nó giúp tên lửa bay xa và ổn định và không để lại dấu vết. Katyusha được đánh giá là vũ khí đáng sợ nhất của Thế chiến II.

Xuất xứ của cái tên Katyusha

Tên của loại vũ khí trứ danh này có nhiều gia thoại. Katyusha là tên một bài hát nổi tiếng vào thời điểm đó, cũng là tên của cô gái – người luôn mong chờ người yêu đang làm nghĩa vụ quân sự ở chốn biên thùy. Bài hát Katyusha ra đời trước Chiến tranh Vệ Quốc và nhận được yêu thích của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Và khi BM-13 phát hỏa, tên lửa bay, âm thanh tạo ra cũng thay đổi theo độ cao và khoảng cánh, khác với các loạt bắn của pháo thường, và gợi nhớ giai điệu của của bài Katyusha.

Katyusha được đánh giá là vũ khí đáng sợ nhất của Thế chiến II; Nguồn: inosmi.ru

Cũng có truyền thuyết rằng ở trận ra quân đánh thành phố Orsha, giàn pháo được bắn từ bờ vực rất dốc, gợi nhớ các ca từ trong bài Katyusha. Một truyền thuyết khác nói do chữ cái “K” được in trên cánh cửa xe do nhà máy Komminar ("Коммунар") ở Voronezh sản xuất nên những người lính gắn cho nó cái tên đáng yêu Katyusha. Hay truyền thuyết một phi đội máy bay ném bom có kinh nghiệm trong các trận chiến tại Khalkhin Gol được trang bị tên lửa của RS-132. Những chiếc máy bay này đôi khi được gọi là "Katyushas" - một biệt danh chúng đã được nhận được trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha…

Dùng Katyusha tiêu diệt xe tăng địch

Trong thực tế, Katyusha không thể được sử dụng để chống lại xe tăng do quỹ đạo parabol mà các tên lửa bay về vị trí của kẻ thù. Tháng 6/1942, Đại úy Hồng quân Moskvin đề nghị sử dụng Katyushas chống lại xe tăng Đức, bằng cách “bắt” tên lửa "Katyusha" bay song song với mặt đất. Để làm việc đó, họ đào những hố nông để hạ thấp vị trí hai bánh trước của ô-tô sao cho giàn phóng song song với mặt đất. Kết quả thật đáng kinh ngạc, kết quả bắn thử nghiệm cho thấy, các mục tiêu làm bằng gỗ dán bị phá thành mảnh vụn.

Các hậu duệ của Katyusha phong phú về cỡ tên lửa cũng như chủng loại đầu đạn với tính năng và uy lực vượt trội; Nguồn: oruzhie.info

Kiểm nghiệm thực chiến được tổ chức vào ngày 22/7/1942, trong trận chiến Novocherkassky. Khẩu đội của Moskvin bằng hai loạt bắn trực tiếp đã phá hủy 11 xe tăng Đức. Với ứng dụng thành công của Katyusha như vậy, Tư lệnh Mặt trận Malinovsky đã ra lệnh thành lập một nhóm cơ giới hóa di động, trang bị BM-13 để chiến đấu với xe tăng địch theo cách đặc biệt này...

Vinh danh

Katyusha giành được sự mến mộ của tất cả các chiến sĩ Hồng quân, từ người lính Binh nhì cho đến vị Nguyên soái. Những loạt bắn của nó khiến Đức Quốc xã khiếp sợ và nâng cao tinh thần của cán bộ chiến sĩ. Ước tính, trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, khoảng 11 nghìn xe chiến đấu đã được sản xuất, từ chúng đã dội lên đội hình quân thù hơn bốn triệu tên lửa phản lực với kích cỡ khác nhau. Ngày nay, các hậu duệ của Katyusha phong phú về số ống phóng, cỡ tên lửa, cũng như chủng loại đầu đạn với tính năng và uy lực vượt trội…

“Vì đã tạo ra một loại vũ khí mới làm tăng sức mạnh chiến đấu của Hồng quân", tháng 7/1941, tập thể tác giả Katyusha gồm A. B. Kostikov - Kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu-Khoa học Phản lực RNII với vai trò là nhà tổ chức chính của công trình và trên thực tế là nhà thiết kế chính - đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa; I. I Guy, V. N. Galkovsky và Aborenkov đã được trao tặng Huân chương Lenin. Năm 1942, tất cả họ trở thành đồng tác giả Giải thưởng Stalin, và Viện RNII được trao tặng Huân chương Sao Đỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên