Điều gì xảy ra nếu quân đội Anh không còn xe tăng?

VOV.VN - Việc loại bỏ các chiến xa Challenger 2 lừng lẫy một thời làm dấy lên một viễn cảnh đáng lo ngại đối với những người ủng hộ nền quốc phòng hùng mạnh của xứ sở sương mù - một tương lai mà Vương quốc Anh hoàn toàn không có xe tăng.

Những tính toán

Kết hợp ba phẩm chất chính - khả năng cơ động chiến thuật trên các địa hình ít đường sá mà khó bị phát hiện; khả năng tiêu diệt bất kỳ phương tiện nào của đối phương nhờ pháo cỡ nòng lớn; và vỏ giáp chắc chắn bảo vệ khiến rất khó bị tiêu diệt trừ khi bị bắn trực tiếp bởi một xe tăng khác, bị trúng tên lửa chống tăng đột nóc hoặc bên sườn hay bởi một số loại bom, đạn tấn công từ trên không…, xe tăng là lực lượng quan trọng của quân đội hầu hết các quốc gia.

Việc Liên Xô tan rã từng làm giảm tính cấp thiết của việc thay thế xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Challenger 2 (CR2) và xe chiến đấu bộ binh (IFV) Warrior của Quân đội Anh. Các vấn đề tài chính, sự lơ là ở góc độ chính trị và sự phân tâm bởi các cuộc chiến tranh cường độ thấp đã tước đi nguồn lực cần thiết để nâng cấp hoặc thay thế các trang thiết bị hiện có của quân đội nước này. Đồng thời, các cuộc chiến tranh khu vực những năm 1990 - đặc biệt là tại Balkan - đã làm nổi bật sự cần thiết phải nhanh chóng triển khai lực lượng mặt đất cơ động, được bảo vệ tốt, như xe bọc thép hạng trung...

Xe tăng đắt đỏ, khó di chuyển và cần có cơ sở hạ tầng hậu cần để di chuyển chúng đến và rời khỏi vùng chiến sự cũng như duy trì hoạt động của chúng. Một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nặng 60 tấn có giá tới 10 triệu USD trong khi một chiếc xe chiến đấu bánh lốp 30 tấn có thể có giá bằng một nửa. Nếu một quân đội từ bỏ xe tăng vì lý do chi phí hoặc khả năng vận chuyển, họ có thể khôi phục một số khả năng đã mất bằng cách thay thế chúng bởi các phương tiện bánh lốp hạng trung, mặc dù không được bảo vệ tốt bằng, nhưng cơ động chiến lược hơn nhiều và về lý thuyết, có thể tích hợp hỏa lực tùy chọn.

Một công trình nghiên cứu cho thấy, rất ít phương tiện bánh lốp có thể tích hợp một khẩu pháo mạnh như pháo chính của xe tăng, và Centauro của Italy là một trong những ví dụ hiếm hoi. Nhưng tên lửa chống tăng có lái dẫn nhẹ hơn pháo và không kém về khả năng sát thương. Tên lửa chống tăng hiện đại cho phép một người lính nhắm mục tiêu và tiêu diệt ngay cả xe tăng chiến đấu chủ lực được bọc thép dày nhất với tỷ lệ hạ mục tiêu rất cao, ở cự li lớn và ít rủi ro nhất.

Tên lửa chống tăng TOW có thể mang một đầu đạn đi xa như 2,8 dặm-xấp xỉ cự li bắn hiệu quả của pháo xe tăng. Tên lửa Spike của Israel có khả năng tương tự nhưng bay xa hơn. Một lữ đoàn hạng trung trang bị xe bọc thép bánh lốp được vũ trang tên lửa chống tăng thuộc lớp TOW hoặc Spike, có hỏa lực tương đương với những gì một lữ đoàn hạng nặng sở hữu, mặc dù có những khác biệt quan trọng về tốc độ bắn, cơ số đạn, mục tiêu và vấn đề hậu cần.

Quân đội xứ sương mù từng khởi động một chương trình thay thế khoảng 7.000 phương tiện hiện có bằng một nhóm phương tiện hạng trung mới. Nhưng khi các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq kéo dài đã trở thành các hoạt động tác chiến chống lại những kẻ thù được trang bị rất nhẹ, người ta ít chú ý đến các khả năng cao siêu với tư duy thiết giáp hạng nặng đã lỗi thời. Một sự thật khác là quân đội Anh sẽ không bao giờ có số lượng lớn để sánh với sức mạnh thông thường của Nga hay Trung Quốc - vì vậy, cần phải chiến đấu theo kiểu thông minh hơn.

Và tương lai bất định

Giới hoạch định chiến lược Anh đã đưa ra một cơ cấu lực lượng sử dụng các phương tiện hạng trung mới với khả năng tấn công (“Strike”) và cơ động cao, theo đó, quân đội sẽ có hai lữ đoàn trang bị IFV Ajax và Boxer và hai lữ đoàn với tăng CR2 và IFV Warrior. Các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ và một lữ đoàn tấn công đường không với khoảng 100.000 quân cho phép thành lập hai sư đoàn. Nhưng đó là một lực lượng không đồng đều với một tương lai không chắc chắn - hiện số còn hoạt động chỉ còn 227 chiếc CR2 và 623 Warriors đã cũ, lỗi thời.

Hai chương trình xe mới với kinh phí 5 tỷ USD (589 xe Ajax có trọng lượng 38 tấn mỗi chiếc vừa mới hoàn thành) và 4 tỷ USD (528 chiếc xe Boxer bánh lốp nặng 18 tấn mỗi chiếc, sẽ gia nhập lực lượng sau một vài năm) không cứu vãn được tình trạng lỗi thời của đội xe gần 2.000 chiếc của Lục quân khi chương trình kéo dài tuổi thọ CR2 và chương trình duy trì tính năng Warrior đều èo ọt vì thiếu kinh phí. Số lượng xe tăng và lữ đoàn thiết giáp có thể giảm nữa sau cuộc Đánh giá Liên ngành bị trì hoãn nhiều của chính phủ nước này. Quân đội Anh còn đang tìm cách hủy hợp đồng mua xe Boxer trang bị cho hai lữ đoàn tấn công “Strike” hạng trung.

Vì vậy, theo một số chuyên gia, định dạng tương lai quân đội Anh là không rõ ràng là hão huyền nếu coi biên chế lý tưởng sẽ gồm ba sư đoàn - một sư đoàn tấn công, một sư đoàn thiết giáp và một sư đoàn phản ứng nhanh. Không khó để hình dung vào một thời điểm trong tương lai gần, Quân đội Anh chỉ có một sư đoàn với sự kết hợp của các lữ đoàn hạng trung và hạng nhẹ, khiến nó trở thành một trong số ít đội quân không sở hữu lực lượng thiết giáp hạng nặng.

Quân đội Lithuania, vốn thiếu xe tăng, trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển Spikes cho các IFV Boxer của họ, như quân đội Đức và Úc (có xe tăng) đã làm. Quân đội Anh trang bị cho bộ binh các bệ phóng Spike nhưng cho đến nay, vẫn chưa có ý định và kế hoạch tích hợp tên lửa này cho IFV Boxer của mình. Sự kết hợp này, mặc dù không phải là xe tăng, nhưng có thể cung cấp hỏa lực trực tiếp cho các lữ đoàn tấn công để chống lại đối phương được trang bị tốt.

Nhưng việc triển khai một lữ đoàn hạng trung trang bị tên lửa để đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi những thay đổi trong cách tư duy và huấn luyện của Quân đội Anh. Theo học thuyết hiện tại của Anh, trong xung đột cường độ cao, các đội hình có cơ cấu lực lượng trung bình hoạt động như một lực lượng trinh sát - phát hiện, thăm dò lực lượng và giao chiến với lực lượng trinh sát của chính đối phương nhằm mục đích thu hút các đơn vị hạng nặng của chúng trước khi xe tăng - "lực lượng quyết định" Anh - tham chiến. Nếu Quân đội Anh không còn xe tăng, bản thân các tiểu đoàn Boxer sẽ phải hoạt động như lực lượng trinh sát và lực lượng chiến đấu.

Thiếu vỏ giáp bảo vệ tốt, các tiểu đoàn này phải dựa nhiều hơn vào sự cơ động để tránh hỏa lực của đối phương và dựa vào pháo binh để đánh trả. Thờ ơ với xe tăng, Quân đội Anh cũng bỏ lơ pháo hạng nặng của mình - khoảng 100 pháo tự hành AS-90 của Anh cũ như những chiếc CR2 và kém về tầm bắn so với các hệ thống tương tự của Nga, trong khi để tư tưởng “Strike” thành hiện thực đòi hỏi đầu tư rộng hơn vào một loạt các thành phần hỗ trợ, bao gồm cả pháo binh. Nếu kinh phí là vấn đề cơ bản, thì không rõ Quân đội Anh với ngân sách hiện tại có đủ khả năng trang trải tất cả các nâng cấp cho các lữ đoàn hạng trung ít tốn kém hơn và các lực lượng hỗ trợ để thay thế hoàn toàn các xe tăng đắt tiền?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên