Kinh tế Việt Nam gia tăng sự phụ thuộc vào khu vực FDI?

VOV.VN -Nhìn lại bức tranh kinh tế sau 2 quý đầu năm 2017 cho thấy, sự phụ thuộc vào khối FDI không giảm, thậm chí còn lộ rõ xu hướng tăng.

Rất nhiều chuyên gia đã khuyến cáo việc muốn tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào nội lực, phát triển nền sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào khu vực FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). 

DN nội của Việt Nam vẫn đang yếu thế hơn DN FDI (Ảnh minh họa: KT)

Nhìn lại bức tranh kinh tế sau 2 quý đầu năm 2017 cho thấy, sự phụ thuộc vào khối FDI không giảm, thậm chí còn lộ rõ xu hướng tăng. Chẳng hạn, ngay khi kết thúc quý 2/2017, theo Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), mặc dù đã có sự phục hồi, các chỉ báo lại đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI tăng mạnh

Biểu hiện sự phụ thuộc nêu trên là tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

VEPR dẫn chứng, nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nửa đầu năm 2017, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 60,59 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 60,3% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,22 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 8,66 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, nửa đầu năm nay, cả nước nhập siêu tới 2,7 tỷ USD.

Không những thế, với dòng FDI lớn, vốn đầu tư toàn xã hội khu vực này liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Dù suy giảm trong nửa cuối năm 2016, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. 

Tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế trong Quý 2 ước đạt 377,0 nghìn tỷ đồng, bằng 109,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 108,8% trong Quý 1. Sự phục hồi này chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đạt 91.000 tỷ đồng, tăng 11,1% (tính theo năm).

Khu vực ngoài nhà nước lại chứng kiến suy giảm trong tốc độ tăng trưởng. Vốn đầu tư khu vực này tăng 10,2% so với Quý 2/2016, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng nhanh 16,8% trong quý trước và 15,0% cùng kỳ năm ngoái.

Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng vốn giải ngân đã có dấu hiệu phục hồi trong Quý 2, đạt 4,1 tỷ USD và tăng 9,3% (tính theo năm). Mức tăng này cao hơn nhiều so với quý trước (3,4%), dù vẫn thấp hơn so với mức trung bình 10,1%/quý trong năm 2016. 

Trong bối cảnh đó, nửa đầu năm nay, vốn FDI đăng ký rót vào Việt Nam vẫn tăng mạnh mẽ, riêng Quý 2 đã vọt lên với 690 dự án đăng ký mới và tổng vốn đăng ký đạt 8,92 tỷ USD. Đây là mức vốn đăng ký cao nhất trong một quý kể từ năm 2015 (gấp lần lượt 3,1 lần và 1,9 lần so với Quý 1/2017 và Quý 2/2016). Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là lĩnh vực có vốn đăng ký đầu tư lớn nhất. Chỉ riêng trong Quý 2, đã có 234 dự án đăng ký mới và 204 dự án đăng ký bổ sung, với lượng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD.

Khu vực kinh tế trong nước yếu thế hơn khối FDI

Tất nhiên, dòng vốn FDI đang ngày càng mạnh lên kéo theo lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài nhà nước thậm chí đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2017. 

Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động giảm đáng kể trong cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước (lần lượt ở mức -0,9% và - 0,5% trong nửa đầu năm 2017), thấp nhất trong mấy năm trở lại đây. 

Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước chưa thực sự được cải thiện. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp có thể bắt nguồn từ khu vực FDI, đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Samsung. Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp trong Quý 1/2017, thời điểm Samsung sụt giảm sản lượng, và hồi phục tích cực trong Quý 2, khi Samsung tích cực thúc đẩy sản xuất. 

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của một số ít các doanh nghiệp FDI lớn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể cùng với sự suy giảm trong quy mô lao động hoạt động cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong việc cạnh tranh với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

"Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách rất thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không?"- TS. Nguyễn Đức Thành đặt câu hỏi.

Câu hỏi này rất đáng suy nghĩ đối với các nhà điều hành nền kinh tế. Bởi lẽ, sự phụ thuộc quá nhiều vào khối FDI khiến nền kinh tế dễ tổn thương khi trong khối FDI có bất ổn, thậm chí chỉ cần một vài doanh nghiệp lớn của khối FDI có "cú sốc" là tác động ngay đến tăng trưởng chung của Việt Nam. Câu chuyện về khủng hoảng của 1 dòng sản phẩm của Samsung vừa qua là một ví dụ. Vì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của Samsung hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đẩy doanh nghiệp nội mạnh lên là nhiệm vụ sống còn

Do vậy, nói như TS. Nguyễn Đức Thành, "để giảm sức ép đối với ngân sách và tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, việc thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn".

Hơn nữa, dù FDI đã đóng góp quan trọng giúpViệt Nam trở thành một quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực đối với các mặt hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại di động vốn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Vốn FDI tăng cũng kéo theo nhà máy xí nghiệp vốn FDI mọc lên nhiều nhưng giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế không nhiều khi tỉ lệ nội địa hóa và khả năng cung ứng nguyên liệu, linh phụ kiện của khu vực doanh nghiệp trong nước còn ở mức thấp. Lao động Việt Nam phục vụ khối FDI vẫn chủ yến bán sức lao động giá rẻ, làm gia công. 

Vì thế,  rất cần  trong chính sách thu hút vốn FDI của nhà nước phải có giải pháp ràng buộc chặt chẽ và thực thi nghiêm minh để tạo được sự kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI, để FDI vào Việt Nam là đối tác thực sự của khối doanh nghiệp nội, chứ không phải chỉ vào làm ông chủ nhằm hưởng lợi nhờ thuê nhân công giá rẻ và hưởng ưu đãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017
IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017

VOV.VN - IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 xuống còn 6,3%, thay vì mức dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 5.

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017

VOV.VN - IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 xuống còn 6,3%, thay vì mức dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 5.

Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017
Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

VOV.VN - Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.

Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

Thách thức lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

VOV.VN - Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.

Tăng trưởng tín dụng tích cực, dòng vốn vào bất động sản chậm lại
Tăng trưởng tín dụng tích cực, dòng vốn vào bất động sản chậm lại

VOV.VN - Tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% cao hơn cùng kỳ các năm trước, tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đã chậm lại.

Tăng trưởng tín dụng tích cực, dòng vốn vào bất động sản chậm lại

Tăng trưởng tín dụng tích cực, dòng vốn vào bất động sản chậm lại

VOV.VN - Tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% cao hơn cùng kỳ các năm trước, tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đã chậm lại.

VEPR: Cần cân nhắc cái giá phải trả để đạt tăng trưởng 6,7% năm 2017
VEPR: Cần cân nhắc cái giá phải trả để đạt tăng trưởng 6,7% năm 2017

VOV.VN - Báo cáo thường niên kinh tế 2017 nhận định, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước, nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6,37%.

VEPR: Cần cân nhắc cái giá phải trả để đạt tăng trưởng 6,7% năm 2017

VEPR: Cần cân nhắc cái giá phải trả để đạt tăng trưởng 6,7% năm 2017

VOV.VN - Báo cáo thường niên kinh tế 2017 nhận định, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước, nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6,37%.

Giải ngân đầu tư công chậm khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc
Giải ngân đầu tư công chậm khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch.

Giải ngân đầu tư công chậm khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Giải ngân đầu tư công chậm khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch.