Trung Quốc, Ấn Độ đối mặt nguy cơ xung đột quân sự lớn ở dãy Himalaya

VOV.VN - Các quân nhân Trung Quốc và Ấn Độ vừa ẩu đả với nhau ở dãy Himalaya. Nguy cơ xung đột quân sự được đánh giá là căng không kém ở bán đảo Triều Tiên.

Trong lúc thế giới chú ý tới tình thế căng thẳng hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ thì ở dãy núi Himalaya xa xôi có một xung đột yên lặng hơn đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Khu vực giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: Economist.

Trong 2 tháng qua, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã đối mặt căng thẳng trên một cao nguyên thuộc dãy Himalaya. Tranh chấp bùng phát khi quân đội Trung Quốc xúc tiến xây đường tiến vào lãnh thổ mà Bhutan (đồng minh thân cận của Ấn Độ) tuyên bố chủ quyền.

Ấn Độ đề xuất hai bên cùng rút quân. Ngoại trưởng Ấn Độ phát biểu tại quốc hội nước này rằng vụ tranh chấp có thể giải quyết bằng đối thoại.

Nhưng Trung Quốc đã cực lực bảo vệ cái mà họ gọi là quyền của họ trong việc xây một con đường ở khu vực Doklam mà nước này cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Kể từ khi tranh chấp bắt đầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các lời tố cáo Ấn Độ gần như là hàng ngày. Trung Quốc tố Ấn Độ “xâm nhập bất hợp pháp”, đồng thời yêu cầu New Delhi rút quân “nếu muốn duy trì hòa bình”.

Các vụ xâm lấn và ẩu đả giữa binh lính 2 nước đã diễn ra từ lâu dọc theo biên giới hơn 3.500km, mặc dầu quân đội hai bên chưa bắn phát đạn nào vào nhau trong một nửa thế kỷ qua. Nhiều đoạn thuộc biên giới Trung-Ấn vẫn trong tình trạng tranh chấp.

Nấc thang nguy hiểm mới

Các nhà phân tích nói rằng vụ tranh chấp gần đây nhất thực sự đáng sợ hơn do xảy ra vào thời điểm mà mối quan hệ giữa 2 cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang xuống thấp. Trung Quốc xem vấn đề này là mối đe dọa trực tiếp đối với toàn vẹn lãnh thổ của mình. Và, lần đầu tiên cuộc va chạm giữa đôi bên dính dáng đến một nước thứ ba là vương quốc Bhutan bé nhỏ ở dãy Himalaya.

Theo giới phân tích vẫn có nguy cơ rất cao bùng phát xung đột vũ trang nguy hiểm ở điểm nào đó dọc theo biên giới trên vùng núi hiểm trở giữa hai nước.

Báo chí địa phương cho hay, các đội tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc đã xô xát và đấm đá nhau vào sáng 15/8 gần một cái hồ ở khu vực Ladakh của bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ).

Shashank Joshi – một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Royal United Services Institute ở London (Anh) nói: “Bây giờ mà nói loại trừ leo thang căng thẳng thì đó quả là điều dễ dãi. Đây chính là khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc trong 30 năm qua”.

Cuộc đối đầu này cũng phản ánh một cuộc đấu địa chính trị đang lan rộng giữa hai quốc gia đông dân nhất châu Á.

Khi Trung Quốc củng cố các đảo (mà họ chiếm giữ trái phép) ở Biển Đông và gây ảnh hưởng trên khắp châu Á thông qua các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, thì vai trò áp đảo của họ trong các vấn đề của châu lục này ngày càng gia tăng. Trung Quốc đang tỏ rõ mình không muốn nhượng bộ bất cứ đối thủ nào. Một số người xem Ấn Độ như là đối trọng cuối cùng của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc trỗi dậy

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran phát biểu gần đây tại một sự kiện ở New Delhi: “Thách thức đáng kể nhất đối với Ấn Độ xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tôi không nghi ngờ gì chính Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp không gian chiến lược của Ấn Độ bằng cách thâm nhập vào chính các hàng xóm của Ấn Độ. Đó là những gì chúng tôi thấy đang diễn ra”.

Căng thẳng mới đây giữa hai nước bắt đầu vào giữa tháng 6/2017, khi một đơn vị thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến vào một cao nguyên xa xôi mà cư dân chủ yếu là những người chăn cừu Bhutan. Đơn vị quân đội trên mang theo các thiết bị xúc chở đất và các thiết bị khác nhằm “nỗ lực xây một con đường”, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Các binh sĩ Trung Quốc này đã đụng phải một toán tuần tra của quân đội Hoàng gia Bhutan. Lập tức, 2 ngày sau, binh sĩ Ấn Độ cắm trại tại đó. Ấn Độ và Bhutan (quốc gia chỉ có khoảng 800.000 dân) có mối quan hệ đặc biệt, trong đó Ấn Độ hỗ trợ quân sự và viện trợ 578 triệu USD cho Bhutan.

Ấn Độ nói rằng con đường này sẽ mang binh sĩ Trung Quốc sát tới hành lang Siliguri có tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ. Hành lang này, còn được gọi bằng cái tên Cổ Gà, là một dải đất hẹp chia tách vùng đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của quốc gia này.

Trung Quốc khẳng định rằng hơn 270 lính biên phòng Ấn Độ, mang theo vũ khí và lái 2 xe ủi, “trắng trợn vượt biên giới” và tiến khoảng 91m vào lãnh thổ Trung Quốc.

Sự nghi kỵ lẫn nhau giữa hai quốc gia châu Á này bắt nguồn từ quyết định của Ấn Độ cho phép nhân vật Đạt Lai Lạt Ma (lãnh đạo tinh thần của vùng Tây Tạng, Trung Quốc) tị nạn ở Ấn Độ vào năm 1959 sau khi xảy ra một cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, và từ cuộc chiến biên giới Trung-Ấn vào năm 1962.

Sau khi Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Mỹ vào năm 2005 và quan hệ Mỹ-Ấn nâng cao thì quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ xấu đi nhanh chóng.

Năm 2014, Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ - đây là vị Thủ tướng Ấn Độ thân Trung Quốc nhất kể từ năm 1962. Theo giới phân tích, ông Modi không chỉ muốn học tập bước phát triển kinh tế của Trung Quốc mà còn muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù thân Trung Quốc như vậy, ông Modi vẫn thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một đối tác thiếu tin cậy khi Trung Quốc cản trở việc Ấn Độ xin gia nhập Nhóm Các nhà cung cấp Hạt nhân, và ngăn nỗ lực của Ấn Độ tuyên bố chiến binh Pakistan Masood Azhar là một tên khủng bố tại Liên Hợp Quốc.

Đạn đã lên nòng?

Khi siêu dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tạo thêm một hành lang kinh tế xuyên qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (mà Ấn Độ cũng xem Kashmir là lãnh thổ của mình), căng thẳng giữa đôi bên đã gia tăng mạnh mẽ. Thủ tướng Modi đã phớt lờ hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến “Vành đai và Con đường”, được tổ chức ở Bắc Kinh vào năm nay.

Trong khi đó, Ấn Độ đã đáp trả Trung Quốc bằng việc cho phép Đạt Lai Lạt Ma thăm một cơ sở Phật giáo quan trọng ở bang Arunachal Pradesh nằm ở đông bắc Ấn Độ cũng vào năm nay. Bắc Kinh tuyên bố vùng này là một phần của Tây Tạng.

Long Xingchun, Giám đốc Trung tâm Ấn Độ học tại Đại học Sư phạm Tây Hoa ở Nam Sung, Tứ Xuyên, Trung Quốc, nói: “Ấn Độ đã dung thứ và hỗ trợ cho các phần tử ly khai Tây Tạng, cho phép các nhóm độc lập Tây Tạng lập ra một “chính phủ lưu vong” bên trong nước này”.

Sau hai tháng căng thẳng, quân nhân Trung Quốc và Ấn Độ vẫn bám chặt khu vực cao nguyên và do đó nguy cơ bạo lực vẫn hiện hữu.

Xu Guangyu – một tướng quân đội Trung Quốc về hưu, nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xua đuổi các binh sĩ Ấn Độ nếu như New Delhi không lùi bước.

Tướng này nói: “Chúng tôi sẽ không nổ súng đầu tiên. Chiến tranh xảy ra tùy thuộc vào phía Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu họ nổ phát súng đầu tiên, họ sẽ mất kiểm soát và thế chủ động”.

Nhà phân tích Joshi cho biết: Ấn Độ đã thực hiện một loạt biện pháp chuẩn bị nhằm đối phó với sự leo thang từ phía Trung Quốc. Trong các biện pháp này có việc nâng mức độ cảnh giác của một số đơn vị quân đội. Ấn Độ đã điều 2 sư đoàn sơn cước tới khu vực cao nguyên giữa 2 nước để các binh sĩ quen dần với độ cao mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn Độ nâng cảnh báo quân sự với Trung Quốc: Chuẩn bị cho giao tranh?
Ấn Độ nâng cảnh báo quân sự với Trung Quốc: Chuẩn bị cho giao tranh?

VOV.VN - Tranh chấp biên giới Trung-Ấn đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Ấn Độ nâng mức cảnh báo về quân sự tại khu vực Doklam.

Ấn Độ nâng cảnh báo quân sự với Trung Quốc: Chuẩn bị cho giao tranh?

Ấn Độ nâng cảnh báo quân sự với Trung Quốc: Chuẩn bị cho giao tranh?

VOV.VN - Tranh chấp biên giới Trung-Ấn đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Ấn Độ nâng mức cảnh báo về quân sự tại khu vực Doklam.

‘Ván bài’ Ấn Độ của Trung Quốc
‘Ván bài’ Ấn Độ của Trung Quốc

(VOV) - Thủ tướng Trung Quốc được cho là đã thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ đưa “nội dung” Biển Đông vào tuyên bố chung.

‘Ván bài’ Ấn Độ của Trung Quốc

‘Ván bài’ Ấn Độ của Trung Quốc

(VOV) - Thủ tướng Trung Quốc được cho là đã thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ đưa “nội dung” Biển Đông vào tuyên bố chung.

Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin
Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

VOV.VN - Nối tiếp thành công ở châu Phi, Trung Quốc đang tích cực mở rộng thế lực về mọi mặt ngay trên “sân sau” của siêu cường Mỹ.

Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

VOV.VN - Nối tiếp thành công ở châu Phi, Trung Quốc đang tích cực mở rộng thế lực về mọi mặt ngay trên “sân sau” của siêu cường Mỹ.

“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?
“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

VOV.VN - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án khổng lồ đầy tham vọng, hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhiều nước nếu thành công.

“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

“Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc là gì?

VOV.VN - Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là một dự án khổng lồ đầy tham vọng, hứa hẹn mang lại lợi ích cho nhiều nước nếu thành công.

Chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ trên báo?
Chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ trên báo?

VOV.VN - Căng thẳng âm ỉ bấy lâu nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là ở vùng biên giới trên bộ, đứng trước nguy cơ bùng phát thành chiến tranh tổng lực.

Chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ trên báo?

Chiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ trên báo?

VOV.VN - Căng thẳng âm ỉ bấy lâu nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là ở vùng biên giới trên bộ, đứng trước nguy cơ bùng phát thành chiến tranh tổng lực.