Chủ tịch Đại học FPT

Thu học phí bằng Bitcoin sẽ giúp sinh viên tăng khả năng công nghệ

VOV.VN - Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cho biết, việc sử dụng Bitcoin như một công cụ thanh toán góp phần tăng khả năng công nghệ của sinh viên. 

Mới đây, thông tin về việc Đại học FPT chấp nhận thu học phí bằng “tiền ảo” Bitcoin đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận cũng như nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số tỏ ra ủng hộ cho rằng, việc này sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên quốc tế khi đóng học phí, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc dùng Bitcoin có thể kích thích sinh viên đầu cơ mạo hiểm, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sau.

Đại học FPT khuyến khích đưa Bitcoin vào thanh toán học phí đối với sinh viên ngoại quốc. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT xác nhận trong thông báo tuyển sinh mới đây, trường Đại học FPT có đưa nội dung “sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam có thể dùng Bitcoin như một công cụ để thanh toán học phí”.

Theo ông Tùng, điều này có nghĩa là Bitcoin được sử dụng như một công cụ trung gian giúp các sinh viên ngoại quốc đang học tập tại Đại học FPT giải quyết những khó khăn về vấn đề chuyển ngoại tệ, chi phí chuyển tiền khi đóng học phí. “Bitcoin khác với các tài sản khác là có thể chuyển đổi cho nhau rất dễ dàng thông qua hệ thống mạng. Nếu không có phương tiện này, sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Phi sẽ rất khó khăn khi chuyển tiền sang Việt Nam. Nếu đến một thời điểm nhất định, mà sinh viên không thể đóng được học phí, chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định cho thôi học”, ông Tùng lý giải.

Ông Tùng cho biết, với những quy định như hiện nay, không thể coi Bitcoin như một phương tiện, một dạng tiền dùng để giao dịch, thanh toán, do chưa có sự đảm bảo phía Nhà nước, mà chỉ dùng như một công cụ, để từ đó chuyển đổi sang tiền mặt.

Hiện nay Bitcoin biến động, lên xuống khó lường. Đáng giá về mức độ rủi ro khi sử dụng Bitcoin, ông Tùng cho rằng từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã nhiều lần tăng giá, những ai sở hữu loại tiền này sẽ có khả năng thu lời lớn. Cũng do biến động không ngừng, nên rủi ro là điều không thể tránh khỏi, song mức độ rủi ro cũng chỉ tương đương với ngoại tệ hiện nay.

Chủ tịch Đại học FPT cho hay, thực tế hiện nay một số nước trên thế giới đã sử dụng Bitcoin như một phương tiện để thanh toán học phí. Còn tại Việt Nam, một số cửa hàng, nơi có nhiều khách nước ngoài cũng đã giao dịch bằng đồng tiền này.

“Bên cạnh việc tạo thuận lợi khi nộp học phí, đây cũng là một yếu tố  để nâng cao khả năng sử dụng công nghệ của sinh viên. Phải thừa nhận rằng những người sở hữu tài khoản Bitcoin đã có một trình độ về công nghệ thông tin rất tốt, là thành viên của cả một cộng đồng liên quan đến tài chính và công nghệ”, ông Tùng đánh giá.

Cũng theo Chủ tịch Đại học FPT, việc đưa Bitcoin vào thanh toán học phí là thí điểm bước đầu để từ đó nhận thấy rõ những vướng mắc cả về tài chính và luật pháp nếu như đưa đồng tiền này vào sử dụng chính thức.

Bàn về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Ths, Luật sư Lê Hồng Khanh, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Y dược Pasteur cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công nhận Bitcoin là tiền tệ, phương tiện thanh toán, do đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng đồng tiền này trong giao dịch là không hợp pháp.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam đồng được coi là phương tiện duy nhất để thanh toán học phí theo quy định của Nghị định 86 của Thủ tướng Chính Phủ quy định về cơ chế thu chi học phí với các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

“Hiện nay, đối với Bitcoin, Việt Nam chưa có quy định cấm mua bán, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến cáo các cơ quan, tổ chức người dân không tham gia vào những giao dịch, đầu cơ loại tiền này, vì đây không được coi là đồng tiền hợp pháp tại Việt Nam. Còn việc người nước ngoài giao dịch đồng Bitcoin trên thị trường quốc tế, là quyền của họ, Việt Nam không có quyền quản lý, và rất khó quản lý do không gian mạng là không biên giới”, ông Khanh cho biết.

Còn theo Luật sư Trần Thu Nam, đoàn Luật sư Hà Nội, việc Đại học FPT sử dụng công cụ thanh toán bằng Bitcoin - phương tiện chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận là bất hợp pháp.

“Khi đưa Bitcoin vào lưu hành như một công cụ thanh toán cũng như chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, câu hỏi đặt ra là trường sẽ dùng Bitcoin để tiêu đi đâu? Dùng để làm gì, khi chắc chắn rằng sẽ phải dùng để thanh toán cho việc gì đó. Đây là công cụ thanh toán chưa hợp pháp. Nếu Đại học FPT mở ra một tiền lệ, các đơn vị khác có thể học theo, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước khó kiểm soát”.

Ngoài ra, khi thanh toán thông qua Bitcoin, việc tính thuế sẽ được thực hiện như thế nào cũng là một vấn đề mà luật sư Nam đặt ra.

Theo luật sư Trần Thu Nam, mọi hoạt động thanh toán trong nước cũng như quốc tế đều phải thông qua sự giám sát của Nhà nước, Việt Nam đồng là phương tiện thanh toán hợp pháp duy nhất, các loại ngoại tệ và phương tiện khác đều phải quy đổi theo tỷ giá Việt Nam đồng. 

Trong Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ cũng quy định rõ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), chỉ bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nói về rủi ro có thể gặp phải khi giao dịch bằng Bitcoin, luật sư Trần Thu Nam cho biết trong trường hợp xảy ra tranh chấp, sẽ không có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết và đương nhiên những giao dịch thanh toán này là vô hiệu.

Từ góc độ kinh tế, giá của Bitcoin liên tục thay đổi theo giờ. Tại thời điểm bán ra, nếu Bitcoin rớt giá so với khi sinh viên đóng, trường sẽ phải gánh chịu thiệt hại. 

Trước đó, vào năm 2011, Đại học FPT cũng đã bị phạt 500 triệu đồng vì niêm yết học phí các khóa đào tạo theo chương trình liên kết với nước ngoài bằng USD, vi phạm quy định trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng./.

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở được tạo ra từ năm 2009.  Đến nay, loại tiền này đã trở nên phổ biến trên thế giới, là một loại tiền ảo đang thách thức các chính phủ và định chế tài chính. 

Bitcoin xuất hiện và được phân chia hoàn toàn tự động dựa trên các thuật toán, bất cứ ai cũng có thể sở hữu thông qua việc giải mã các phương trình toán học và đưa ra đáp án, hay còn gọi là "đào".

Tất cả người tham gia dùng tiền thật để đổi thành đồng Bitcoin. Và cả mạng lưới những người sở hữu Bitcoin tạo nên một “mỏ vàng”, sau đó những người tham gia cùng nhau “đào” vàng, người có “nguồn lực” mạnh (ở đây là hệ thống máy tính cực mạnh và kiến thức tin học) sẽ có cơ may “đào” được nhiều vàng hơn. Những người tham gia “đào” Bitcoin không cần định danh, chính vì thế Bitcoin không nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ hay ngân hàng trung ương nào.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Có nên quy định mức trần học phí với trường ngoài công lập?
Có nên quy định mức trần học phí với trường ngoài công lập?

VOV.VN- Việc một số trường phổ thông ngoài công lập bất ngờ tăng học phí đã khiến dư luận đặt vấn đề cần quy định mức trần học phí đối với những trường này.

Có nên quy định mức trần học phí với trường ngoài công lập?

Có nên quy định mức trần học phí với trường ngoài công lập?

VOV.VN- Việc một số trường phổ thông ngoài công lập bất ngờ tăng học phí đã khiến dư luận đặt vấn đề cần quy định mức trần học phí đối với những trường này.

Tăng học phí đại học công lập cần đánh giá tác động đa chiều
Tăng học phí đại học công lập cần đánh giá tác động đa chiều

VOV.VN - Khi tăng học phí ở các trường ĐH công lập, ngành Giáo dục nên có đánh giá, tác động một cách đầy đủ tới các đối tượng trong xã hội.

Tăng học phí đại học công lập cần đánh giá tác động đa chiều

Tăng học phí đại học công lập cần đánh giá tác động đa chiều

VOV.VN - Khi tăng học phí ở các trường ĐH công lập, ngành Giáo dục nên có đánh giá, tác động một cách đầy đủ tới các đối tượng trong xã hội.

Tăng học phí trường tư: Phụ huynh và học sinh giữ quyền tối thượng
Tăng học phí trường tư: Phụ huynh và học sinh giữ quyền tối thượng

VOV.VN - Các trường tư thục đang tham gia vào thị trường đặc biệt là thị trường giáo dục, nhưng ở đây không chỉ đơn giản là chuyện thuận mua vừa bán.

Tăng học phí trường tư: Phụ huynh và học sinh giữ quyền tối thượng

Tăng học phí trường tư: Phụ huynh và học sinh giữ quyền tối thượng

VOV.VN - Các trường tư thục đang tham gia vào thị trường đặc biệt là thị trường giáo dục, nhưng ở đây không chỉ đơn giản là chuyện thuận mua vừa bán.