Cảnh giác với những thủ đoạn lừa bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc

VOV.VN - Tham tán Nguyễn Văn Thịnh đưa ra một số thủ đoạn của bọn buôn bán người thường sử dụng để đưa người sang Trung Quốc.
 

Trước tình trạng phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Trung Quốc có cuộc trao đổi với Tham tán Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thịnh để tìm hiểu vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thực trạng về người nạn nhân Việt Nam bị buôn bán, lừa gạt sang Trung Quốc?

Tham tán Nguyễn Văn Thịnh: Có thể nói nạn buôn bán người đang là vấn để nổi cộm ở địa bàn Trung Quốc.

Trong năm 2015, trong 54 trường hợp sứ quán tiếp nhận thì đã giải cứu được 26 trường hợp.

Tham tán Nguyễn Văn Thịnh trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

Trong số 54 nạn nhân, có 24 người là phụ nữ dân tộc thiểu số phía Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang bị lừa bán. 20 phụ nữ là người thuộc các tỉnh ĐBSCL, chỉ một số ít là người các tỉnh khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, số trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc là 34 trường hợp và đã giải cứu được 18 trường hợp. Các trường hợp bị buôn bán, lừa gạt đa phần là phụ nữ.

PV: Ông có thể cho biết những thủ đoạn thường gặp của tội phạm buôn bán người?

Tham tán Nguyễn Văn Thịnh: Một số thủ đoạn mà tội phạm buôn bán người, buôn bán phụ nữ thường áp dụng như môi giới lao động vì thực tế nhu cầu lao động, kiếm việc làm của người Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa cũng rất nhiều. Họ có nhu cầu đi lao động để giúp đỡ gia đình, cải thiện điều kiện kinh tế, cải thiện điều kiện sống.

Các đối tượng nắm được tâm lý này và hứa sẽ giới thiệu sang Trung Quốc có công việc vừa kiếm được nhiều tiền lại không vất vả, và người dân thì dễ mắc lừa.

Ngoài ra có một bộ phận đàn ông Trung Quốc cũng thực sự có mong muốn đi kết hôn do chính sách một con của Trung Quốc trong thời gian dài dẫn đến mất cân bằng giới tính, các đường dây tội phạm buôn bán người bám vào đặc điểm này để đáp ứng nhu cầu.

Ngược lại ở Việt Nam cũng có những người mong muốn thông qua kết hôn để có thể ra nước ngoài đổi đời giống như kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan ... và họ nghĩ là sang Trung Quốc thì cũng có điều kiện tốt, có điều kiện để cải thiện kinh tế....

Bọn tội phạm nắm bắt nhu cầu này để lôi kéo người, sau khi sang Trung Quốc, chúng thu hết hộ chiếu, giấy thông hành của các nạn nhân và họ trở thành những người cư trú bất hợp pháp.

Ngoài ra còn thủ đoạn dẫn đi qua các đường mòn xuyên biên giới để tránh lực lượng biên phòng, và nạn nhân thì phải nghe theo hướng dẫn của bọn dắt mối.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn thường gặp trong công tác điều tra cũng như bảo hộ công dân trong những vụ án người Việt Nam bị buôn bán, lừa gạt sang Trung Quốc?

Tham tán Nguyễn Văn Thịnh: Trong công tác điều tra, xử lý các trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc có thể nói đến một số khó khăn thường gặp phải như sau:

Thứ nhất là sứ quán phải phụ trách, xử lý địa bàn rộng, xa, ngoài một số Tổng lãnh sự quán phụ trách địa bàn tại một số tỉnh phía Nam của Trung Quốc và TP.Thượng Hải, còn lại các vụ án tại hơn hai mươi tỉnh, thành khác của Trung Quốc là do sứ quán phụ trách giải quyết.

Trong khi đó phụ trách giải quyết vấn đề này chỉ có một hoặc hai cán bộ sứ quán kiêm nhiệm, điều kiện kinh phí có hạn nên đây cũng là một hạn chế rất lớn.

Tất cả những cuộc giải cứu khi có thông tin phần lớn phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan công an các địa phương. Hiệu quả của cuộc giải cứu cũng phụ thuộc vào độ nhiệt tình của công an địa phương.

Nhiều trường hợp giải cứu thuận lợi do có mối liên hệ chặt chẽ giữa sứ quán và địa phương, nhưng cũng có trường hợp do ở vùng sâu, vùng xa, kinh nghiệm giải quyết những sự vụ như thế này chưa nhiều cũng khiến các vụ án bị ảnh hưởng.

Hoặc khi quan hệ hai nước có thời điểm nhạy cảm thì độ nhiệt tình của bạn trong việc hỗ trợ giải quyết, giải cứu nạn nhân cũng giảm đi.

Thứ hai là khó khăn về ngôn ngữ, bởi đa phần phụ nữ Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa khi bị lừa bán sang Trung Quốc rất khó khăn trong giao tiếp do hầu hết không biết tiếng Trung Quốc.

Sứ quán muốn giải cứu được các nạn nhân bị bán ở đâu, ở khu vực nào thì phải biết được địa chỉ cụ thể, nhưng bản thân các nạn nhân không biết tiếng, không biết chữ nên không cung cấp cho sứ quán địa chỉ bằng tiếng Trung để thông báo cho công an.

Thứ ba là nhiều nạn nhân là người dân tộc thiểu số, thời gian qua có nhiều nạn nhân là người dân tộc H'Mông bị bắt cóc bán sang vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc.

Công an tại các khu vực đó không biết tiếng Việt và càng không biết tiếng H'Mông, và sứ quán thì không thể nghe hiểu được tiếng H'Mông để có thể xác định xem nạn nhân là người ở khu vực nào của Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết tình hình hợp tác ngăn ngừa tội phạm buôn bán người giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc với các cơ quan chức năng sở tại?

Tham tán Nguyễn Văn Thịnh: Về mặt nhà nước đã có các cơ chế hợp tác. Bộ Công an hai nước đã ký hiệp định về đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người.

Hai bên thường xuyên có những hội nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả theo từng giai đoạn. Cục Lãnh sự hai bên cũng cũng thường xuyên họp, gặp gỡ trao đổi về hợp tác trong bảo hộ công dân. 

Sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán cũng có quan hệ với các cơ quan ngoại vụ, xuất nhập cảnh tại các tỉnh của Trung Quốc như: Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây, Tứ Xuyên .... những địa phương hay xảy ra các vụ án lừa bán người Việt Nam.

Phía bạn cũng nhiệt tình phối hợp với sứ quán trong việc giải cứu các nạn nhân với điều kiện thông tin cung cấp phải chính xác.

PV: Ông có khuyến cáo gì để có thể ngăn chặn, giảm thiểu các vụ án phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc?

Tham tán Nguyễn Văn Thịnh: Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, ngoại giao thì công tác bảo hộ công dân được Đại sứ và Ban lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đặc biệt coi trọng.

Theo tôi có một số kiến nghị để ngăn chặn vấn nạn phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc như sau:

Các ban ngành xã hội, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền rộng rãi đến tận thôn, bản để chị em phụ nữ, cô gái trẻ không ảo tưởng rằng lấy chồng nước ngoài, lấy người Trung Quốc sẽ có cuộc sống sung sướng. Không nên cả tin nghe theo các đối tượng dụ dỗ bởi vì phần lớn những người đàn ông Trung Quốc do nghèo khổ, không đủ tiền cưới vợ người Trung Quốc mới phải lấy người Việt Nam.

Cô dâu Việt Nam sang Trung Quốc cũng phải tham gia lao động vất vả. Nhiều trường hợp đau lòng, ngoài việc tham gia lao động còn là nạn nhân tình dục cho cả gia đình.

Cho nên cơ quan truyền thông cũng phải tuyên truyền về thực trạng xã hội Trung Quốc tránh không cho chị em bị lừa gạt.

Xuất phát từ phương thức thủ đoạn của các đường dây buôn bán người, có thể thấy đây là những đường dây có liên kết chặt chẽ từ Việt Nam tới Trung Quốc, bao gồm cả những người trước đây đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Cơ quan pháp luật cần tấn công mạnh những đường dây này khi phát hiện thấy có dấu hiệu.

Cơ quan cấp giấy thông hành qua biên giới cần tìm hiểu kỹ mục đích xuất cảnh cũng như trình độ ngoại ngữ của đương sự trước khi cấp.

Các đơn vị biên phòng, xuất nhập cảnh cần tăng cường tuần tra tại những khu vực có nhiều lối mòn qua lại biên giới.

Sự phối hợp của chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng trong nước cũng cần nhanh chóng và chính xác để có thể giải cứu các nạn nhân.

Các cô gái khi đã là nạn nhân rồi cần tìm cách liên hệ với sứ quán để yêu cầu giải cứu. Khi đó cán bộ sứ quán sẽ hướng dẫn các cách thức cung cấp địa chỉ nơi ở, tên tuổi của đối tượng lừa gạt hoặc tìm cách chạy đến các đồn công an Trung Quốc yêu cầu thông báo cho Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để được bảo hộ công dân, đây là những cách tự giải cứu nhanh nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Số điện thoại bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc:

(0086) 18601342816 - Tham tán Nguyễn Văn Thịnh 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ đội Biên phòng bắt giữ 44 đối tượng buôn bán người
Bộ đội Biên phòng bắt giữ 44 đối tượng buôn bán người

VOV.VN -Theo thiếu tướng Ngô Thái Dũng, tình hình buôn người càng ngày càng diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn thì rất tinh vi.

Bộ đội Biên phòng bắt giữ 44 đối tượng buôn bán người

Bộ đội Biên phòng bắt giữ 44 đối tượng buôn bán người

VOV.VN -Theo thiếu tướng Ngô Thái Dũng, tình hình buôn người càng ngày càng diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn thì rất tinh vi.

Bắt hai đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc buôn bán người
Bắt hai đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc buôn bán người

VOV.VN - Các đối tượng đã mua S. từ một người phụ nữ với giá 30 triệu đồng để bán vào nhà chứa, hoặc gả bán làm vợ ở Trung Quốc.

Bắt hai đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc buôn bán người

Bắt hai đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc buôn bán người

VOV.VN - Các đối tượng đã mua S. từ một người phụ nữ với giá 30 triệu đồng để bán vào nhà chứa, hoặc gả bán làm vợ ở Trung Quốc.

Bộ đội Biên phòng triệt phá 62 vụ buôn bán người
Bộ đội Biên phòng triệt phá 62 vụ buôn bán người

VOV.VN - Thủ đoạn của tội phạm buôn bán người là dụ dỗ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên sang nước ngoài làm việc với thu nhập cao.

Bộ đội Biên phòng triệt phá 62 vụ buôn bán người

Bộ đội Biên phòng triệt phá 62 vụ buôn bán người

VOV.VN - Thủ đoạn của tội phạm buôn bán người là dụ dỗ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên sang nước ngoài làm việc với thu nhập cao.