Câu chuyện của người lính phi công “cha truyền con nối”

VOV.VN - Bên cạnh những chuyến bay, niềm tự hào của ông Văn Đức Huyên lại được nhân lên bội phần khi chính người con trai Văn Đức Huy đã nối nghiệp bố.

Ba mươi sáu năm gắn bó với bầu trời, với 5.860 giờ bay tích lũy, Thượng tá, Phi công cấp 1 Văn Đức Huyên, thuộc Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng), đã trải qua nhiều kỷ niệm không bao giờ quên: tham gia các trận đánh bảo vệ biên giới Tây Nam; làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia; cứu hộ, cứu nạn ở những vùng thiên tai bão lũ; các chuyến đi cơ mật theo nhiệm vụ quốc phòng….

Người phi công 57 tuổi kể cho chúng tôi nghe những gì mà ông đã trải qua với giọng đầy tự hào về những nhiệm vụ ông đã hoàn thành một cách xuất sắc. Niềm tự hào của ông Huyên lại được nhân lên bội phần khi chính người con trai Văn Đức Huy cũng nối nghiệp bố, trở thành một người phi công trẻ tài năng của hãng hàng không Vietjet Air. 

Ông Văn Đức Huyên và con trai Văn Đức Huy ở Campuchia năm 1989. 

Hai bố con đều đến với nghề phi công như một cơ duyên, mang trong mình giấc mơ được bay bổng, điều khiển chú “chim sắt” và chinh phục vùng trời mênh mông.

“Thi tuyển phi công vì thấy khoái”

Thượng tá Văn Đức Huyên sinh năm 1958 ở thủ đô Hà Nội. Nguyên quán của ông là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 18, tháng 10/1976, chàng trai Văn Đức Huyên nhập ngũ, khoác áo lính lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Trước khi nhập ngũ, ông Huyên từng 2 lần đăng ký khám tuyển phi công quân sự. Lần thứ nhất, ông khám tuyển lúc đang học lớp 10, nhưng bị loại vì ngoại hình có phần nhỏ bé. Không bỏ cuộc, ông quyết tâm khám tuyển lần nữa sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Khi được hỏi về lý do nào thôi thúc khiến ông muốn được vào không quân đến vậy, ông Huyên cười lớn và trả lời: “Đơn giản là vì tôi thấy khoái cái nghề này”.

Sau khi nhập ngũ vào đơn vị E184 của tỉnh đội Sơn La được 6 tháng, ông Huyên nhận được tin báo đã trúng tuyển phi công như mong ước. Ông chính thức chuyển sang lực lượng không quân nhân dân Việt Nam vào tháng 4/1977. 

Tháng 8/1977, ông Huyên vào Nha Trang huấn luyện khoảng 8 tháng. Năm 1978, ông vào thành phố Hồ Chí Minh học dẫn đường trên máy bay vận tải cánh quạt C-130, loại máy bay “chiến lợi phẩm” ta thu được của địch. Đến tháng 12/1979, ông Huyên lại được điều động ra huấn luyện lái trực thăng tại E 916- Đoàn không quân Ba Vì, Sơn Tây (Hà Tây cũ) và công tác ở đơn vị này cho đến năm 1996 thì được luân chuyển về Công ty Trực thăng miền Bắc, làm việc ở đó cho đến bây giờ.

Những chuyến bay thử thách bản lĩnh người lính

Có những chuyến bay, theo lời Thượng tá Văn Đức Huyên mô tả, đã đặt ra thử thách cam go đối với ông. Một trong số những chuyến bay ấy là chuyến bay cơ động từ miền Bắc vào cứu hộ lũ lụt ở miền Trung, tháng 11/1999.

Những ai đã từng phải trải qua trận “đại hồng thủy năm 1999” không thể nào quên được cảm giác kinh hoàng khi bà mẹ thiên nhiên nổi giận. Trận lụt lịch sử miền Trung vào cuối năm 1999 được xem là trận lụt lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Việt Nam. Lũ lụt đã làm ngập trắng 10 tỉnh, thành phố của miền Trung, trong đó 20 huyện, thị bị nhấn chìm. 

Trận “đại hồng thủy năm 1999” nước ngập trắng nhiều vùng Thừa Thiên Huế. (ảnh: Tuổi trẻ).

Bão lũ cũng đã khiến 595 người chết, 41.846 ngôi nhà bị cuốn trôi; 570 trường học bị cô lập và phá hủy, thiệt hại ước tính 3.773 tỷ đồng (tương đương với 488 triệu USD vào thời điểm năm 1999). Đây được xem là thảm họa thiên nhiên đã gây ra hậu quả rất nặng nề và về lâu dài đối với các mặt xã hội, kinh tế, môi trường ở các tỉnh nơi lũ tác động.

“Thời tiết rất nguy hiểm, nhưng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến việc cứu hộ cứu nạn bà con vùng bão lũ, nên tôi hết sức cố gắng”, ông Huyên kể lại.

Hành trình bay từ Hà Nội vào Nghệ An khá suôn sẻ. Sau khi máy bay tiếp dầu tại sân bay Vinh, ông Huyên cùng tổ bay cất cánh, tiếp tục hành trình vào Huế. Thời tiết mỗi lúc càng xấu hơn, gió giật mạnh, biển động dữ dội, mưa xối xả.

Khó khăn nhất là lúc vượt qua Đèo Ngang. Ông Huyên cho biết: “Nếu bay quá thấp sẽ bị mưa, mây che khuất tầm nhìn; song bay cao sẽ bị gió lớn “quật ngã”. Lúc ấy trực thăng phải bay ở độ cao khoảng từ 800- 1000m là thích hợp”.

Với bản lĩnh của người lính, và sự nhanh trí của phi công giàu kinh nghiệm, ông Huyên đã bình tĩnh xử lý tình huống hiểm nghèo: “Tôi buộc phải quyết định đi chéo vào phần rìa của cơn bão một chút, lấy mục tiêu là 1 đảo nhỏ cách Đèo Ngang khoảng 20km về phía Đông. Lúc đó sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiễu động gió”.

“Đi chéo vào cơn bão” - một quyết định tưởng như liều lĩnh, nhưng hết sức tỉnh táo, một quyết định nhanh trong hoàn cảnh lúc bấy giờ để kịp thời cứu hộ, cứu nạn cho bà con vùng lũ.

Ông Huyên chia sẻ: “Ở trong nghề mới hiểu được quyết định ấy, tránh được gió quật và chỉ còn gió 1 chiều thẳng, máy bay mới đủ sức đi tiếp được. Từ đảo đó, tôi đi chéo về Đồng Hới, Quảng Bình và đến Huế tránh được gió giật của Đèo Ngang. Cả chuyến bay mất 1 tiếng 40 phút (từ Vinh vào Huế)”.

Cho đến nay, dù đã 57 tuổi, nhưng Thượng tá Văn Đức Huyên vẫn rất vững vàng tay lái, và đều đặn thực hiện những chuyến bay cứu hộ, cứu nạn. 

Thượng tá Văn Đức Huyên bên chiếc trực thăng MI-172.

Chuyến bay cứu hộ gần đây nhất của ông Huyên là vào ngày 2/11 vừa qua, một tổ bay trực thăng MI của Công ty Trực thăng miền Bắc, trong đó có Thượng tá Huyên, vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, đưa Trung sĩ Lê Công Thủ, chiến sĩ Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Cồn Cỏ, vừa được mổ cấp cứu đau ruột thừa, về đất liền trong điều kiện thời tiết xấu và màn đêm dần buông trên biển...

Đang đợt gió mùa Đông Bắc, thời tiết khu vực miền Trung, đặc biệt từ Vinh đến Đèo Ngang rất xấu, tầm nhìn dưới 1,5km, có mưa giông, tổ bay phải bay trên mây ở độ cao 1.800 mét và bay bằng thiết bị. Sau khi hạ cánh, nạp dầu tại sân bay Đồng Hới, chiếc trực thăng hướng ra biển, men theo bờ biển ở độ cao 300m và khi đến Quảng Trị thì “bẻ lái”, hướng ra Cồn Cỏ ở độ cao 200 mét.

Cồn Cỏ là bãi hạ cánh mới hoàn toàn đối với tổ bay, nên các anh xác định phương vị bay dựa trên tọa độ do Quân khu 4 cung cấp. Khi đến gần Cồn Cỏ, thời tiết tốt hơn chút ít, tổ bay dần nhìn rõ khói bốc lên từ mặt đất do lực lượng bên dưới tạo ra để “chỉ thị” bãi hạ cánh.

Sau 10 phút làm công tác tiếp nhận bệnh nhân, đúng 16h50’, chiếc MI lại bốc lên khỏi mặt đất, hướng về đất liền. “Trên đường về, thời tiết tiếp tục xấu và đây là chuyến bay đêm bởi đã qua giờ mặt trời lặn. Chúng tôi đưa máy bay lên độ cao 1.800m, bay hoàn toàn bằng thiết bị, hướng về sân bay Vinh”, Thượng tá Văn Đức Huyên chia sẻ. Và khi chiếc máy bay MI hạ cánh xuống sân bay Vinh, đồng hồ đã chỉ 18h25’.

Truyền lửa cho con

Viết về bố của mình, anh Văn Đức Huy- con trai của Thượng tá Huyên, từng chia sẻ trên Facebook rằng: “As always, you are my hero and my inspiration. Being your son is my honor Sir” (Tạm dịch: Bố mãi là người hùng của con, niềm cảm hứng của con. Con tự hào là con của bố). 

Nối nghiệp bố, anh Văn Đức Huy (sinh năm 1985) cũng đã trở thành một phi công.  Anh hiện là cơ phó cho hãng hàng không Vietjet Air. Đến nay, anh Huy đã có tổng cộng khoảng 4.000 giờ bay bao gồm cả bay huấn luyện và bay thương mại.

Trước khi chuyển sang công tác tại Vietjet Air vào tháng 4/2014, anh Huy đã có 3 năm kinh nghiệm ở hãng hàng không Jetstar (2011- 2014). Sau gần 5 năm chính thức cầm lái, anh được cử đi tham dự một khóa huấn luyện ở Singapore để chuẩn bị trở thành cơ trưởng trong tương lai.

Tuy nhiên, để có những thành công như hiện tại, anh Huy đã phải mất tới 7 năm trời mới có thể hiện thực được hóa được giấc mơ “bay bổng” của mình.

Cơ duyên đến với nghề phi công của anh Huy có lẽ bắt đầu từ lúc anh… 4 tuổi. Năm đó, anh đi theo bố đến bãi đỗ trực thăng ở Campuchia và được ngồi trên buồng lái Mi-8. Trong trí nhớ của cậu bé Huy, đấy là cảm giác rất ấn tượng, phấn khích, khác hẳn với những gì mà mà cậu từng gặp. 

Cậu bé Văn Đức Huy ngồi trên chiếc MI-8 vào năm 4 tuổi ở Campuchia. 

Tuy nhiên, khái niệm “chú phi công” vẫn còn rất mơ hồ trong suy nghĩ của cậu bé. “Ngày xưa tôi cứ nghĩ rằng phi công phải là một điều gì đó xa vời, không bao giờ có thể với tới”, anh Huy chia sẻ.

Vào năm 2004, khi anh Huy đang học năm nhất tại Đại học Ngoại giao, bố anh đã đưa cho anh xem một mẩu tin tuyển phi công của Vietnam Airlines đăng trên báo Thanh niên.

Trải qua một kỳ thi ngặt nghèo với các phần thi như kiểm tra sức khỏe, toán, lý, định hướng không gian, ngoại ngữ … anh Huy có tên trong số 38 người được chọn trong số 4.000 thí sinh ứng tuyển.

Sau đó, anh Huy được nhận vào huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện bay (FTC) trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA). Năm 2006, qua nhiều kỳ phỏng vấn, anh cùng 19 người khác được cử đi học ở Australia.

Tuy nhiên, đến năm 2007, vì một vài lý do khách quan, anh Huy phải trở về nước khi việc học lái máy bay vẫn còn đang dở dang.

Việc học đột ngột dừng lại khi chàng trai Văn Đức Huy vẫn đang còn ấp ủ nhiều hy vọng, dự định khiến anh không khỏi thấy hụt hẫng.

Những tháng sau đấy, anh Huy cảm thấy rất hoang mang trước tương lai của mình. Anh cũng đã từng nghĩ đến chuyện quay lại học đại học, nhưng rồi “giấc mơ bay” lại âm ỉ cháy trong anh.

“Với những người đã quen bay liệng trên bầu trời, thì cảm giác ở mãi trên mặt đất rất tù túng. Tôi chỉ muốn được tiếp tục bay”, anh Huy cho hay.

Cuối cùng, anh Huy đã lựa chọn kiên định với “giấc mơ bay” của mình. Anh quyết tâm mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi Indochina, Air Mekong, Vietjet Air, Vietjet Air… Sau 1 năm rưỡi chờ đợi, anh trúng tuyển và được nhận học bổng của Jetstar.

Tháng 1/2010, anh Huy bắt đầu tham dự khóa huấn luyện bay tại trường CTC Wings ở New Zeland. Tiếp đó, tháng 4/2011, anh học lái máy bay dân dụng Airbus 320 ở Anh trong 3 tháng.

Trong những năm tháng huấn luyện, chờ đợi, rồi lại huấn luyện, có những lúc anh Huy cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc. Nhưng với sự động viên của bố, sự hỗ trợ của gia đình, anh Huy đã quyết tâm thực hiện điều mình mong muốn. 

Gia đình ông Văn Đức Huyên trong ngày Tết năm 1994. 

 “Còn nhớ lúc tôi học ở Trung tâm Huấn luyện bay trong thành phố Hồ Chí Minh, bố tôi đang thực hiện nhiệm vụ bay ở Đà Nẵng, bố đã nhắn tin cho tôi rằng: “Bố đang nhìn thấy một chiếc A320 đang cất cánh. Bố chỉ mong một ngày nào đó con được lái chiếc máy bay ấy”. Sau này mỗi khi nản lòng, tôi lại nhớ đến câu nói của bố… Bố mình cũng là phi công thì tại sao mình lại không bay được”, anh Huy tâm sự. 

Trên Facebook của mình, anh Huy từng viết: “Nếu cuộc đời là những bậc thang dài bất tận, thay vì nhìn lên và cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thì hãy cứ nhìn thấp thôi, bước từng bước một. Để đến lúc nhìn lại mình có thể tự hào nói: Đó là những nấc thang mà tôi đã bước đi bằng chính sức lực của đôi chân của mình. Không bắt đầu đi thì bao giờ mới đến?”.

Cầu nối cho mọi người

Vào những ngày lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, cũng là lúc bận rộn nhất đối với những phi công như anh Văn Đức Huy.

 “Mỗi ngày tôi bay 4 chặng, số khách một chặng tối đa là 180 người. Có thể họ đang trên đường trở về với gia đình, người thân sau những ngày công tác; cũng có thể họ đang trên hành trình đến với những miền đất mới, nơi có những người bạn mới đang chờ đợi. Bởi thế, tôi cảm thấy vui khi được làm cầu nối cho mỗi hành khách của mình”, Văn Đức Huy tâm sự. 

Anh Văn Đức Huy làm nhiệm vụ trên một chuyến bay. 

Mỗi lần thấy trẻ nhỏ bước lên máy bay, Huy lại nhớ khi mình còn bé, nhớ tới niềm phấn khích của cậu bé 4 tuổi lần đầu được nhìn thấy máy bay. Và vì thế, anh luôn muốn truyền cảm hứng về “tình yêu bầu trời”, về “giấc mơ phi công” cho các hành khách nhí kia. Anh Huy luôn sẵn lòng chụp hình lưu niệm với các hành khách nhỏ tuổi khi gia đình các em đề nghị.

Một trong những kỷ niệm về nghề bay khiến Huy nhớ nhất là một chuyến bay năm 2013, chặng từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh. Vì thời tiết xấu, gió giật mạnh nên máy bay phải bay vòng một hồi lâu mới hạ cánh được xuống sân bay.

Sau khi hạ cánh an toàn, tiếp viên đã cho Huy biết rằng hành khách trong khoang đã vỗ tay vui mừng. Đặc biệt, có 1 cậu bé nước ngoài đưa cho anh Huy một tờ giấy viết chữ rất đẹp rằng: Cảm ơn chú về chuyến bay và cú hạ cánh rất êm.

Anh Huy cho biết anh cũng rất mong 2 con gái của mình (bé đầu 2 tuổi rưỡi, bé thứ 2 gần 1 tuổi) cũng có thể nối nghiệp bố và ông nội trở thành phi công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 Chuyện của những phi công đi tìm  máy bay Malaysia mất tích
Chuyện của những phi công đi tìm máy bay Malaysia mất tích

VOV.VN -Công việc tuy vất vả nhưng tổ bay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.

 Chuyện của những phi công đi tìm  máy bay Malaysia mất tích

Chuyện của những phi công đi tìm máy bay Malaysia mất tích

VOV.VN -Công việc tuy vất vả nhưng tổ bay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.

 Chuyện tình kỳ lạ của chàng phi công cừ khôi biến thành nữ
Chuyện tình kỳ lạ của chàng phi công cừ khôi biến thành nữ

Chàng phi công cắt bỏ tinh hoàn để thành nữ. Tình yêu đơn phương của người đã phẫu thuật cho bà được coi là "kịch tính hơn tiểu thuyết".

 Chuyện tình kỳ lạ của chàng phi công cừ khôi biến thành nữ

Chuyện tình kỳ lạ của chàng phi công cừ khôi biến thành nữ

Chàng phi công cắt bỏ tinh hoàn để thành nữ. Tình yêu đơn phương của người đã phẫu thuật cho bà được coi là "kịch tính hơn tiểu thuyết".

Máy bay rơi ở Hòa Lạc: Phi công cố gắng tránh đâm xuống khu đông dân
Máy bay rơi ở Hòa Lạc: Phi công cố gắng tránh đâm xuống khu đông dân

VOV.VN - Người dân cho rằng, nếu phi công không cố xử lý để tránh đâm vào nhà dân thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn nhiều.

Máy bay rơi ở Hòa Lạc: Phi công cố gắng tránh đâm xuống khu đông dân

Máy bay rơi ở Hòa Lạc: Phi công cố gắng tránh đâm xuống khu đông dân

VOV.VN - Người dân cho rằng, nếu phi công không cố xử lý để tránh đâm vào nhà dân thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn nhiều.

Truy điệu 2 phi công hi sinh khi đang huấn luyện bay chiến đấu
Truy điệu 2 phi công hi sinh khi đang huấn luyện bay chiến đấu

VOV.VN - Hai 2 phi công này hi sinh khi tham gia diễn tập tại vùng biển Bình Thuận vào giữa tháng 4/2015 vừa qua.

Truy điệu 2 phi công hi sinh khi đang huấn luyện bay chiến đấu

Truy điệu 2 phi công hi sinh khi đang huấn luyện bay chiến đấu

VOV.VN - Hai 2 phi công này hi sinh khi tham gia diễn tập tại vùng biển Bình Thuận vào giữa tháng 4/2015 vừa qua.