Cán bộ y tế thiếu trầm trọng

Trung bình cả nước có 6,5 bác sỹ/10.000 dân; phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành thị.

Vừa thiếu, vừa yếu

Tại một cuộc hội thảo đánh giá thực trạng công tác giáo dục nhân lực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá: ở Việt Nam, nguồn nhân lực y tế đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trong khi đó cơ cấu phân bố lại không đồng đều giữa các vùng miền. Các trường ĐH, CĐ đào tạo nhân lực cho ngành y tế quy mô tuy tăng nhanh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội. Nhiều khoa nhân lực thiếu nghiêm trọng, đáng lo ngại là thiếu chuyên khoa pháp y, giải phẫu bệnh, khoa tâm thần…

Hiện nay, các trường ĐH, CĐ y tế cũng được thành lập tương đối nhiều, số trường mới tăng gấp 2 lần so với trước đây nhưng theo tôi phải gấp 3 lần mới đáp ứng được nhu cầu.

Mục tiêu nhân lực y tế đến năm 2020

* 8 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015 và 12 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020.

* 1,5 dược sĩ đại học/10.000 dân vào năm 2015 và 2 dược sĩ đại học/10.000 dân năm 2020.

20 điều dưỡng từ trung cấp trở lên/10.000 dân vào năm 2015 và 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2020.

Nghiên cứu “Nhân lực bác sỹ đa khoa, điều dưỡng và cử nhân y tế công cộng được thực hiện tại 11 trường đại học và 6 trường cao đẳng: đánh giá thực trạng và các chính sách hỗ trợ đào tạo” cũng chỉ ra, trung bình cả nước có 6,5 bác sỹ/10.000 dân; phân bố không đều với tỷ lệ 60% bác sỹ tập trung ở thành thị trong khi dân số thành thị chỉ chiếm 28,4% dân số cả nước; khoảng 25% có trình độ đại học trở lên… Qua đó cho thấy, nhân lực y tế Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nêu thực trạng, hiện nay, ngành y tế Thủ đô đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng để đáp ứng cho Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Quy hoạch đã được HĐND thành phố khóa XIV thông qua, trong giai đoạn từ năm 2011- 2020, TP Hà Nội sẽ xây mới 25 bệnh viện công lập, với tổng số 8.850 giường bệnh, ngoài ra còn xây mới 1 bệnh viện y học cổ truyền; 3 bệnh viện cấp cứu; 9 trạm cấp cứu "vệ tinh".

Sinh viên ngành y thực tập (Ảnh: KT)

Chỉ tính riêng nguồn nhân lực để đáp ứng cho 25 bệnh viện, ngành y tế còn thiếu tới 4.000 bác sỹ, 1.000 dược sỹ. Tổng số cán bộ nhân viên y tế còn thiếu là 18.000 người. Trong 10 năm để tuyển dụng đủ số nhân lực thiếu hụt này là cả một vấn đề nan giải với TP Hà Nội.

Hiện nay, nhiều bệnh viện ngoại thành Hà Nội cũng đang trong tình trạng thiếu bác sỹ, điển hình như Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện 09. Riêng Bệnh viện Thạch Thất nhiều năm nay không tuyển dụng được bác sỹ nào. Mặc dù hiện nay thành phố đã có cơ chế, nếu xin vào bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện chỉ cần thông qua xét tuyển song vẫn không đủ nguồn nhân lực.

Cần có chiến lược đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, một số trường mới chỉ đào tạo theo khả năng của mình và thị yếu của sinh viên mà không theo nhu cầu thực tiễn của xã hội. Cần xem xét nghiêm túc cách thức đào tạo như thế  nào cho phù hợp, sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Phương thức đào tạo và cơ cấu đào tạo phải làm rõ hơn để có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, cũng như lộ trình phát triển trong thời gian tới. Chất lượng đào tạo phải tương đương với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Sở Y tế Hà Nội đang cố gắng tìm mọi cách để thu hút nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sỹ cho các bệnh viện ngoại thành. Hiện Sở đã xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho quy hoạch này.

Ngành y tế Hà Nội đã có các đề án đào tạo nhân lực cho ngành y tế tại các trường Trung ương đóng trên địa bàn; đồng thời đang xin cơ chế hỗ trợ cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học y về công tác tại Hà Nội, đề xuất tuyển dụng bác sỹ cho ngành y tế Hà Nội không cần phải có hộ khẩu Hà Nội, bác sỹ làm việc ở ngoại thành không cần qua thi tuyển, được hỗ trợ kinh phí đi lại, chỗ ăn ở…

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã tính tới việc tận dụng nguồn cán bộ của các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn làm thêm tại các bệnh viện Hà Nội; làm việc với trường Đại học Y để đào tạo bác sỹ liên thông hệ bốn năm đáp ứng nguồn nhân lực trước mắt. Về lâu dài, trong quy hoạch sẽ đầu tư 5-6 trường trung cấp, cao đẳng, kỹ thuật và nâng cấp hai trường cao đẳng lên đại học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên