Pháp đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực

Cuối ngày 16/5, Chính phủ mới của Pháp sẽ chính thức được công bố.

Ngày 10/5, sau khi Thủ tướng Francois Fillon chính thức đệ đơn từ chức, nước Pháp đã công bố lễ chuyển giao quyền lực cho Tổng thống mới được bầu Francois Hollande sẽ được tiến hành vào ngày 15/5 tới.

Trước nguyện vọng chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của đất nước cũng như tính cấp thiết của tình hình khủng hoảng, vị Tổng thống mới của nước Pháp đang nỗ lực tiếp quản nhanh quyền lực để có thể sớm có chương trình hành động.

Tổng thống mới của Pháp Francois Hollande
Trong chuyến thăm Thư viện quốc gia Pháp - công trình biểu tượng được xây dựng trong nhiệm kỳ của cố Tổng thống Francois Mitterand, ngày 10/5, Tổng thống mới đắc cử của Pháp Francois Hollande đã tuyên bố sẽ sang Đức ngay trong ngày thứ 3, sau khi nhận chuyển giao quyền lực và sau khi đã chỉ định Thủ tướng mới trong chính phủ. Cuối ngày 16/5, Chính phủ mới sẽ chính thức được công bố.

Rõ ràng câu chuyện quan hệ Pháp - Đức và cuộc khủng hoảng châu Âu được Tổng thống mới của Pháp ưu tiên giải quyết đầu tiên. Ông đã có cuộc làm việc sớm với Chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng euro Jean Claude Juncker và cho biết, hai bên đã cùng làm sáng tỏ một số vấn đề.

Về quan hệ Pháp - Đức, ông Hollande thừa nhận vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất trong quan điểm giữa ông với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và hai bên sẽ cần những cuộc đối thoại kéo dài nhiều tuần tiếp theo để cùng tìm giải pháp cho khủng hoảng châu Âu, đặc biệt là khủng hoảng của Hy Lạp.

Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm của Pháp Claude Blanchemaison, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam và Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo Pháp Đức sẽ thỏa hiệp thành công với nhau.

“Ông Hollande có nhiều quan điểm tích cực về hợp tác trong EU, ủng hộ mạnh mẽ tạo dựng tiến bộ trong xây dựng khối. Ngay tối ngày 6/5, khi kết quả được công bố, bà Merkel đã có cuộc điện đàm với ông Hollande và mời ông sang thăm Berlin. Do đó, tôi không lo lắng gì về quan hệ Pháp - Đức mà tin rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được thỏa thuận với nhau.

Dù ông Hollande đã tuyên bố muốn thương lượng lại hiệp ước chung châu Âu, nhưng dường như hai bên sẽ có thỏa thuận cho thêm một điều khoản về vào hiệp ước chứ không thương lượng lại. Bởi như thế, sẽ mở đường cho nhiều quốc gia khác nêu ra một loạt đòi hỏi thêm của họ, gây cản trở đến triển khai hiệp ước».

«Tôi nghĩ rằng, quan hệ Pháp Đức vẫn sẽ được duy trì tốt, còn chuyện thực hiện các biện pháp ra sao để đem lại thành công để châu Âu vượt qua khủng hoảng thì mới là việc khó hơn” - nhà ngoại giao Pháp Claude Blanchemaison nói.

Theo một cuộc điều tra mới nhất do hãng CSA tiến hành, 55% số người được hỏi cho biết, họ hài lòng với kết quả bầu cử Tổng thống vừa qua (cao hơn so với tỉ lệ 51% cho Tổng thống Sarkozy khi ông được bầu cách đây 5 năm).

Về những vấn đề cụ thể, người Pháp trông đợi những hành động sớm nhất của Tổng thống mới trong việc giảm giá nhiên liệu tăng vọt trong 3 tháng qua; thiết lập lại luật cho về hưu vào 60 tuổi với một số đối tượng đi làm sớm.

Ngoài ra, dự kiến các dự luật đầu tiên có chữ ký của vị tổng thống mới của Pháp sẽ là luật giảm 30% lương thưởng của Tổng thống và các thành viên chính phủ ; tăng trợ cấp để khuyến khích trẻ em quay trở lại trường học tùy từng lứa tuổi.

Cũng trong ngày 10/5, các đảng phái ở Pháp đã bắt đầu cuộc vận động cho các cuộc bầu cử lập pháp diễn ra từ ngày 10-17/6 tới. Cuộc đua sắp tới dự kiến sẽ không kém phần gay cấn so với cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, do thế cạnh tranh sát sao giữa các đảng, đặc biệt Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ, gây lo ngại cho không chỉ dư luận Pháp mà toàn Châu Âu về sự trỗi dậy của cực hữu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên