Phương Tây: Triều Tiên đang tự cô lập

Mỹ và Hàn Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ đầu tiên với vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Sau khi Triều Tiên xác nhận vụ phóng vệ tinh của nước này diễn ra sáng nay đã bị thất bại, nhiều nước đã lên tiếng phản ứng với động thái này của Triều Tiên, đồng thời tổ chức họp khẩn cấp để đánh giá về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Triều Tiên chỉ ngày càng tự cô lập

Mỹ và Hàn Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ đầu tiên với vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Sáng 13/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Jay Carney cho rằng, “dù vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên thất bại nhưng hành động khiêu khích đó đã đe doạ an ninh khu vực, vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại những cam kết gần đây của chính nước này”.

Ông Carney nhấn mạnh, “Mỹ vẫn tiếp tục cảnh giác trước các hành động của CHDCND Triều Tiên và cam kết ở mức cao nhất với an ninh của các đồng minh trong khu vực”.

Người dân theo dõi hình ảnh tên lửa bắt đầu phóng lên (Ảnh: AFP)

Báo Mỹ USA Today cũng dẫn tuyên bố của ông Jay Carney rằng "CHDCND Triều Tiên chỉ ngày càng tự cô lập". Tuy nhiên, tuyên bố không nói về khả năng tìm kiếm các lệnh cấm vận mới của Liên Hợp Quốc chống lại CHDCND Triều Tiên, điều mà Mỹ đã cảnh báo nếu vụ phóng thử được tiến hành.

Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama nói Mỹ sẽ thực hiện việc hủy bỏ kế hoạch viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên. Quan chức này cũng cho rằng vụ phóng vệ tinh thất bại cho thấy sự hiệu quả của các lệnh cấm vận hiện giờ đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho biết, CHDCND Triều Tiên sẽ phải “chịu trách nhiệm” về vụ phóng tên lửa, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Được biết, Ngoại trưởng Kim Sung-hwan và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc điện đàm khẳng định sẽ có những hành động cứng rắn trước việc CHDCND Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa. Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ trước việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, khẳng định sẽ yêu cầu HĐBA ra nghị quyết lên án hành động đó của CHDCND Triều Tiên. Hàn- Mỹ cũng thống nhất quan điểm cộng đồng quốc tế cần đưa ra những thông điệp mạnh mẽ lên án hành động phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Nội các Nhật Bản sáng nay tổ chức hai cuộc họp khẩn cấp về an ninh sau khi Triều Tiên phóng tên lửa. Mặc dù vụ phóng tên lửa được cho là thất bại, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vẫn yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục cảnh giác, thu thập thông tin, đồng thời tăng cường phối hợp với các nước liên quan. Chính phủ Nhật Bản sẽ áp đặt thêm các biện pháp cấm vận chống CHDCND Triều Tiên, đồng thời thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án vụ phóng vệ tinh sáng nay. Dự kiến, chiều nay, Quốc hội Nhật Bản sẽ thông qua nghị quyết lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura coi vụ phóng là sự khiêu khích nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Cũng trong sáng nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân kêu gọi tất cả các bên "bình tĩnh" và "kiềm chế" sau vụ phóng tên lửa tầm xa thất bại của CHDNND Triều Tiên để không có những hành động gây phương hại cho hòa bình-ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague bày tỏ sự quan ngại về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Ông nhấn mạnh, vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, do đó là sự vi phạm nghiêm trọng nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng Anh đề nghị “CHDCND Triều Tiên ngừng tất cả các hoạt động tên lửa và hạt nhân, đồng thời cam kết nối lại đàm phán với cộng đồng quốc tế”.

Còn Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng cho biết sẽ đưa vụ việc này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Chúng tôi phản đối vụ phóng này của Triều Tiên. Vụ phóng này rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi đề nghị phải đưa vụ việc này lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để có câu trả lời rõ ràng về vụ việc này”.

Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao nước này nói rằng vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên diễn ra sáng cùng ngày đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Trước đó Moscow đã hối thúc Bình Nhưỡng không tiến hành vụ phóng này, nhấn mạnh rằng kế hoạch đó vi phạm các nghị quyết của HĐBA bất kể với mục đích gì, đồng thời làm phức tạp các nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình đàm phán sáu bên liên quan tới chương trình hạt nhân CHDCND Triều Tiên.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada John Baird tuyên bố nước này "lên án mạnh mẽ" vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, "kiểu hành xử đó hết sức tạo tợn và khiêu khích". Ông nhấn mạnh rằng Canada "hết sức quan ngại" trước những hành động gây hấn của Bình Nhưỡng, bao gồm các vụ thử tên lửa cũng như hoạt động phát triển vũ khí tên lửa của nước này.

Trong khi đó, Chính phủ Philippines đã hạ mức báo động từ đỏ xuống xanh sau vụ phóng vệ tinh bất thành của Bắc Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có cuộc họp dự kiến vào sáng 13/4 (giờ địa phương, tối cùng ngày giờ Việt Nam).

Tại cuộc họp cùng ngày, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, đồng thời tuyên bố họ đang cân nhắc tới những hành động thích đáng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chỉ trích nhằm vào Chính phủ Nhật Bản

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thất bại khiến nước Nhật yên lòng nhưng hiện đang xuất hiện nhiều chỉ trích nhằm vào Chính phủ Nhật Bản do sự phản ứng chậm chạp trong việc xỷ lý thông tin liên quan đến vụ phóng. Mặc dù vụ phóng được tiến hành lúc 7 giờ 38 phút sáng nay nhưng đến hơn 8 giờ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn cho biết chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Chỉ đến gần 8 giờ 30 phút, Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới ra tuyên bố về vụ phóng của Triều Tiên. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo các tình huống bất thường cho người dân của Nhật Bản cũng không phát ra thông báo nào mặc dù hệ thống được thiết kế để đưa ra cảnh báo ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa.

Giải thích về sự chậm chễ này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Phư-di-mư-ra cho biết các cơ quan chức năng của nước này cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn để đưa ra thông tin chính xác nhất. Tuy nhiên, việc Nhật Bản đưa ra thông tin chậm hơn Hàn Quốc và Mỹ gần nửa tiếng đồng hồ sẽ tiếp tục được báo chí và dư luận nước này quan tâm.

Nhiều nước vẫn duy trì tình trạng báo động cao

Tuy xác nhận vụ phóng của CHDCND Triều Tiên thất bại nhưng nhiều nước vẫn duy trì tình trạng báo động cao. Phía Hàn Quốc cho biết, nước này đã triển khai tàu và trực thăng quân đội để tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Pak dự định triệu tập họp nội các khẩn cấp để bàn về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, quân đội nước này vẫn trong tình trạng báo động cao ngay cả khi CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng vệ tinh. Thủ tướng Nhật Bản Noda và các thành viên nội các sẽ họp khẩn cấp về vấn đề này vào sáng nay (theo giờ địa phương). Báo Kyodo cho biết, Chính phủ Nhật Bản chưa đánh giá được ảnh hưởng của vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên đối với Nhật Bản, song dự đoán sẽ không có tác động đáng kể từ việc rơi xác tên lửa, vệ tinh Triều Tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên