Đại gia Thái chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần Masan của Việt Nam

Singha Group, tập đoàn đa ngành của Thái Lan đã chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần một số công ty con thuộc tập đoàn Masan tại Việt Nam. 

Theo đó, Singha sẽ thực hiện một trong những khoản đầu tư lớn nhất của họ tại thị trường Việt Nam, với việc mua cổ phần trị giá 1,1 tỷ USD. 

Masan là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam, với vốn hóa thị trường là 2,5 tỷ USD, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất bia đến các thực phẩm, ngân hàng và khai thác tài nguyên. 

Mối quan hệ vô cùng độc đáo

Tại buổi công bố hợp tác chiến lược với Singha Asia trưa 25/12 tại TP HCM, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan khẳng định, giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD này cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần Masan Consumer Holdings (công ty hàng tiêu dùng) và 33,3% cổ phần Masan Brewery (công ty đồ uống). 

Thương vụ có hiệu lực tháng 1/2016. Ngay sau đó, sản phẩm của Masan sẽ có mặt trong bếp người Thái, đồng thời thức uống của Singha Asia sẽ hiện diện tại phòng khách người Việt.

Masan Consumer Holdings sẽ sở hữu 66,7% cổ phần còn lại Masan Brewery. Ông Quang cũng cho biết, thương vụ này sẽ đưa tổng giá trị của doanh nghiệp trị trên thị trường lên khoảng 4,2 tỷ USD.

Hai bên cho rằng, mối quan hệ này vô cùng độc đáo vì hiếm khi hai công ty của 2 nước cùng khối ASEAN bắt tay hợp tác phát triển. Sự kết hợp này cho phép cả Masan và Singha mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống lên quy mô khu vực. Trong đó, trọng tâm là các nước “inland Asean” (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào) với 250 triệu dân.

Singha Asia là một công ty thành viên quan trọng của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia tại Thái Lan thành lập năm 1933. Công ty này đang sản xuất các sản phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo… thông qua 50 công ty thành viên.

Masan là một trong những doanh nghiệp lớn nhất khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Tập đoàn này nắm trong tay nhiều thương hiệu như nước tương Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, mì ăn liền Omachi, bia Sư Tử Trắng.

Trước Singha, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào doanh nghiệp này.

Nước mắm Nam Ngư - một sản phẩm của tập đoàn Masan.

Một sản phẩm của Tập đoàn Masan.

Ông Palit Bhirombhakdi, Tổng giám đốc Singha Asia cho biết, hiện nay, nhiều người dùng Thái Lan rất ưa chuộng những sản phẩm của Masan như nước mắm, gia vị và cà phê. Ngoài ra, Masan có hệ thống phân phối với hơn 3.000 đại lý lớn cùng hơn 2.000 điểm bán lẻ trực tiếp sẽ giúp đưa sản phẩm đồ uống của phía Singha tiếp cận thị trường Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Sinha cũng đã đề nghị muốn mua cổ phần của Sabeco (bia Sài Gòn) nhưng chưa được phía Sabeco đồng ý.

Đại gia bỏ tỷ đô mua Masan giàu thứ 7 Thái Lan

Nhật báo phố Wall dẫn lời tuyên bố chung phát đi thứ 6 cho biết, Masan được đánh giá là tích cực trong hoạt động thâu tóm. Trong số các nhà đầu tư của Masan có công ty cổ phần tư nhânKKR & Co và Mount Kellett Capital Management LP.

Singha nằm dưới quyền kiểm soát của gia tộc của tỷ phú Santi Bhirombhakdi, người được Forbes đánh giá là giàu thứ 7 tại Thái Lan, với khối tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD.

Ngoài kinh doanh đồ uống có cồn, tập đoàn này còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm.

Thương vụ này nằm trong kế hoạch tìm kiếm cơ hội phát triển bên ngoài của vị tỷ phú Thái Lan. Trong vài năm trở lại đây, doanh nhân này rất chịu chi trong khu vực.

Hồi tháng 1/2015, Singha đã bắt tay với tập đoàn Itochu của Nhật Bản đầu tư hơn 10 tỷ USD để sở hữu 20% cổ phần của doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, CiticCorp. Công ty này cũng bỏ gần 2,5 tỷ USD để sở hữu công ty Australand Property của Australia. 

Tại thị trường Việt Nam, người khổng lồ Singha, hồi tháng 2 năm nay, cũng đánh tiếng mua cổ phần của Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), trong cuộc đua cùng một ông lớn ngành giải khát khác của Thái, công ty ThaiBev.

Nhật báo phố Wall đánh giá, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, do tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ dân số trẻ và cơ hội phát triển khi các đối tác tránh thị trường chi phí đắt đỏ, đặc biệt là Trung Quốc. 

"Nền tảng phân phối mạnh của Masan sẽ cho phép Singha để tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh chóng với hơn 90 triệu người tiêu dùng và hỗ trợ việc mở rộng các các hoạt động khác", Palit Bhirombhakdi, giám đốc điều hành của Singha tại châu Á cho biết. 

9 tháng đầu năm 2015, CTCP Tập đoàn Masan đạt doanh thu thuần 19.128,6 tỷ đồng, tăng 76,2%; lợi nhuận thuần đạt 1.620,7 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu mảng kinh doanh bia tăng hơn 15 lần, đạt mức 399 tỷ đồng và nhà máy bia hoạt động ở công suất tối đa.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 1.592 tỷ đồng, tăng 173,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.166 tỷ đồng, tăng mạnh 518% so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 188,7 tỷ đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên