Nhà báo, ngọn bút đang có hoàn cảnh lý tưởng để vẫy vùng

VOV.VN - Một hiện thực cuộc sống phong phú, đa dạng, phức tạp và sống động như vậy chẳng phải là mảnh đất sống màu mỡ cho người cầm bút? 

Nghề không hưu

Ngày nghỉ hưu, cách đây chục năm, tôi được thông báo là trả lại thẻ Nhà báo cho cơ quan. Tôi hỏi vì sao thì được cán bộ tổ chức trả lời gọn lỏn: “Hưu rồi thì còn viết lách gì nữa. Nghỉ cho khỏe bác ạ”.  Tôi băn khoăn mãi về cách nghĩ, cách hiểu nghề báo như vậy.

Không dùng thẻ nhà báo, tôi vẫn viết báo. Xem ra nghỉ hưu còn viết nhiều hơn thời đương chức. Bởi có thời gian để suy nghĩ, có trải nghiệm, hàng ngày lại tự bồi dưỡng thêm kiến thức, nạp thêm năng lượng.

Nghề báo - Nghề không hưu. (Ảnh minh họa)

37 năm làm báo trong biên chế nhà nước tôi cũng như bao đồng nghiệp đã đi, đã nghe, đã thấy, đã đọc, đã suy nghĩ và viết. Nghỉ hưu chỉ hạn chế một động từ “đi” thôi, còn bao nhiêu động từ khác vẫn dày hơn, mạnh mẽ hơn theo năm tháng. Vả lại xã hội ngày nay ban tặng cho nhà báo một không gian rộng lớn, đổi mới và hội nhập, một khoảng thời gian cô đọng, nén bao sự kiện, đổi thay. Một công chúng khát khao cái mới, cái thay đổi, cái tốt đẹp. Một công chúng trẻ trung muốn biết ngay những gì mới xảy ra, vừa kết thúc, cái gì đáng chê trách, lên án, cái gì tươi mới, đẹp đẽ.

Một công nghệ kết nối internet, trên nền tảng hạ tầng truyền thông đa phương tiện phát triển đến chóng mặt. Một thời mà cầm trên tay một thiết bị di động là bạn có cả thế giới. Một thời mà tiêu chí hàng đầu là trung thực, cởi mở, kết nối, rõ ràng, minh bạch. Thế giới phẳng, bày ra tất cả trên các mạng xã hội, có khả năng bóc trần những dối trá, lừa bịp, phỉnh nịnh.

Xã hội ngày nay chất chứa đầy mâu thuẫn và xung đột, nhiều luồng tư tưởng, lắm suy nghĩ ngang dọc, vô vàn suy tư giằng xéo. Một hiện thực cuộc sống phong phú, đa dạng, phức tạp và sống động như vậy chẳng phải là mảnh đất sống màu mỡ cho người cầm bút? Chừng nào xã hội, con người cần tháo gỡ khó khăn, cần giải bài toán hóc búa của cuộc sống, cần dự báo và định hướng, cần minh bạch, rõ ràng, cần bảo đảm công bằng và bình đẳng, cần bảo vệ quyền con người thì bài báo, cây bút, nhà báo còn đất vẫy vùng và nguyên giá trị.

Các nhà báo từng trải nghiệm cuộc sống, có bề dày nghề nghiệp, có tích lũy kiến thức, đang sung sức, nhưng phải nghỉ hưu theo chế độ, chẳng lẽ lại yên vị bởi “hưu trí”?

Cái tâm làm báo và đòi hỏi của cuộc sống thúc đẩy họ viết và viết. Một Phan Quang sau 10 năm hưu trí đã cho ra tuyển tập báo chí 10 năm dày gần nghìn trang in, ngồn ngộn thông tin, sâu sắc ý tưởng. Một Hữu Thọ đọc, nghe, nghĩ và đặt dấu chấm hết bài báo cuối cùng đầy tâm huyết cho đến cuối đời. Những nhà báo “không hưu” nghề nghiệp.

Ở họ, cuộc đời làm báo như dòng sông chảy hoài, không ngơi nghỉ, chỉ khác là trong biên chế hay ngoài biên chế mà thôi. Tại sao chúng ta chưa có những chính sách, quy chế thật cụ thể, rõ ràng bảo đảm cho nhà báo hưu trí tiếp tục hành nghề, tiếp tục đóng góp. Với họ, không phải có thẻ Nhà báo mới viết được báo mà là bút lực, là trách nhiệm xã hội. Những điều họ viết, họ nói, họ chịu trách nhiệm trước pháp luật, được luật pháp bảo vệ và chế tài. Nói khác đi là họ được tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ của luật pháp.

Nhà báo nghỉ hưu có kinh nghiệm, chất liệu và dũng khí để tham gia chống quốc nạn, “kẻ thù bên trong” là tham nhũng, cả tham nhũng to và tham nhũng vặt, tham nhũng vật chất, tham nhũng chính sách và cả tham nhũng quyền lực. Nếu nói nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụ chỉ đúng với đương chức, biên chế. Nhà báo hưu tác nghiệp chống tiêu cực, tham nhũng mà trong tay chỉ có thẻ Nhà báo quá hạn và không cơ quan chủ quản giới thiệu thì lấy gì để làm giấy thông hành và được bảo vệ? Phải chăng chúng ta còn thiếu một hành lang pháp lý cho nhà báo ngoài biên chế tiếp tục đóng góp cho xã hội, cho sự nghiệp báo chí?

Vinh danh Lịch sử và Nhà báo cống hiến

Mùa Thu năm 2000, đến thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) tôi được thăm ngôi nhà số 250,(trước đây là 13/1) đường Văn Minh. Nơi đây, ngày 11 tháng 11 năm 1924 có một người đàn ông đến thuê nhà, lấy tên là Lý Thụy. Bí danh của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Ngôi nhà trở thành trụ sở đào tạo cán bộ cho Cách mạng Việt Nam.

Chủ nhật ngày 21 tháng 6 năm 1925, Lý Thụy đã cho ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tờ báo bằng tiếng Việt có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đầu  tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Mac – Lê nin, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng công nông, nhằm chuẩn bị tư tưởng, lý luận chính trị, cung cách tổ chức, hành động cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tờ báo mở đầu và đặt nền tảng cho Báo chí Cách mạng Việt Nam phát triển cho đến ngày nay. 21 tháng 6 hàng năm trở thành ngày truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nay đã 92 năm đầy gian nan, thử thách, hy sinh và không thiếu tự tin, tự hào.

Trong ngày kỷ niệm báo chí Cách mạng Việt Nam, không thể không đặt câu hỏi quá khứ: làng báo Việt Nam có tự bao giờ. Lịch sử báo chí Việt Nam có từ đâu?

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 2 – Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa Hà Nội 2002) thì “ Gia Định báo là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, xuất bản tại Gia Định – Sài Gòn, số 1 ra ngày 15 tháng 4 năm 1865, do Pôt tô, người Pháp làm giám đốc, phát hành trong vùng chiếm đóng của Pháp là 3 tỉnh Miền Đông Nam Bộ. Đến 16/5/1869, Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Từ đó báo không chỉ là tờ Công báo đơn thuần… còn có các bài nghiên cứu lịch sử, thơ, truyện cổ tích… Gia Định báo là công cụ tuyên truyền của thực dân Pháp ở Đông Dương. Gia Định báo cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam, in bằng chữ Quốc ngữ…”

Đến năm 1922, theo thống kê trong tập “Danh mục các ấn phẩm nộp lưu chiểu” thì cả nước có 96 tờ báo, tạp chí, tập san (cả tiếng Pháp và tiếng Việt). Có nhìn vào lịch sử với chính sách cai trị thuộc địa cay nghiệt của nhà cầm quyền Pháp bấy giờ mới thấy hàng chục tờ báo Tiếng Việt ra đời là quả cảm và đáng kể. Sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 30/12/1898 có điều quy định : “Không được công bố các tờ báo hay ấn phẩm định kỳ ở Đông Dương bằng tiếng Việt Nam…”. Từ trong bóng tối thực dân, xuất hiện các tờ báo bằng tiếng Việt đã ngầm cất lên tiếng nói như chân lý sinh ra “Tiếng Việt còn, nước Nam còn.” Nhiếu tờ báo tư nhân ra đời từ năm 1865 đến sau này, hòa chung tiếng nói của báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, không ít thì nhiều đều mang tinh thần yêu nước, ý chí dành độc lập, tự do, cho quyền con người “thiêng liêng bất khả xâm phạm”. Chính báo chí tiếng Việt đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy cái hay, cái đẹp, bản sắc của Tiếng Việt.

Lịch sử ấy rất xứng đáng được ghi nhớ, vinh danh.

Đến nay Nhà nước đã vinh danh Nhà giáo Nhân dân, ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm về Văn học nghệ thuật. Với Báo chí và các nhà báo mới dừng lại Giải thưởng Quốc gia về Báo chí nhằm tặng cho những tác phẩm xuất sắc cho tác giả, nhóm tác giả trong một năm hành nghề. Vậy, những nhà báo dành cả cuộc đời cho báo chí, cả viết báo và quản lý, lãnh đạo. Họ có những tập sách đầy đặn về phản ánh hiện thực, nghiên cứu báo chí, đóng góp xứng đáng cho báo chí Việt Nam sao không được vinh danh? Những nhà báo nổi tiếng đã hy sinh, qua đời, nhiều nhà báo gạo cội, thể loại báo chí nào cũng có, cũng đáng được vinh danh. Thiết nghĩ họ phải được tôn vinh Nhà báo cống hiến với tên gọi “Giải thưởng Nguyễn Ái Quốc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những nhà báo VOV say mê tuyên truyền thông tin đối ngoại
Những nhà báo VOV say mê tuyên truyền thông tin đối ngoại

VOV.VN - Nhóm tác giả thuộc Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia VOV5 vừa đoạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm 2016. 

Những nhà báo VOV say mê tuyên truyền thông tin đối ngoại

Những nhà báo VOV say mê tuyên truyền thông tin đối ngoại

VOV.VN - Nhóm tác giả thuộc Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia VOV5 vừa đoạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm 2016. 

“Nhà báo và những giai điệu cuộc sống” - Nơi thăng hoa của thơ và nhạc
“Nhà báo và những giai điệu cuộc sống” - Nơi thăng hoa của thơ và nhạc

VOV.VN - Ngoài những tác phẩm báo chí mang tính thời sự thì tâm hồn nhà báo còn thăng hoa trong thơ và nhạc. Rất nhiều nhà báo đồng thời là nhà thơ, nhạc sĩ…

“Nhà báo và những giai điệu cuộc sống” - Nơi thăng hoa của thơ và nhạc

“Nhà báo và những giai điệu cuộc sống” - Nơi thăng hoa của thơ và nhạc

VOV.VN - Ngoài những tác phẩm báo chí mang tính thời sự thì tâm hồn nhà báo còn thăng hoa trong thơ và nhạc. Rất nhiều nhà báo đồng thời là nhà thơ, nhạc sĩ…

Cơ chế nào bảo vệ nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực?
Cơ chế nào bảo vệ nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực?

VOV.VN - Có những nhà báo tham gia chống tiêu cực lại gặp rất nhiều trở ngại, thậm chí bị hành hung, trong khi cơ chế bảo vệ nhà báo chưa thực sự hoàn thiện.

Cơ chế nào bảo vệ nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực?

Cơ chế nào bảo vệ nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực?

VOV.VN - Có những nhà báo tham gia chống tiêu cực lại gặp rất nhiều trở ngại, thậm chí bị hành hung, trong khi cơ chế bảo vệ nhà báo chưa thực sự hoàn thiện.