Nhật Bản chấp nhận nối lại đàm phán với Triều Tiên

Nhật Bản hôm 14/8 chính thức xác nhận sẽ trở lại vòng đàm phán song phương với Triều Tiên, vốn đã bị đóng băng suốt 4 năm qua.

Thông tin này đã xuất hiện trước khi phái đoàn Hội chữ thập đỏ 2 nước gặp nhau tại Bắc Kinh cuối tuần trước. Đây cũng là cuộc họp chung đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ 2 nước trong 10 năm qua.

Cuộc họp thống nhất sẽ đề xuất chính phủ 2 bên nối lại đàm phán để thảo luận về vấn đề tìm kiếm hài cốt binh lính Nhật tử vong tại Triều Tiên trong giai đoạn cuối chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Theo hãng thông tấn Kyodo, mới đầu, phía Tokyo tỏ ra dè dặt đối với việc này do lo ngại Bình Nhưỡng sẽ gạt bỏ vấn đề hạt nhân và vấn đề con tin người Nhật Bản bị bắt cóc khỏi chương trình thảo luận. Hơn nữa, nếu đàm phán không đạt được tiến triển không những làm sẽ làm gia tăng sức ép từ trong nước mà còn cả từ phía Mỹ và Hàn Quốc, vốn vẫn đang duy trì quan điểm cứng rắn với  Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong dịp kỷ niệm 10 năm kể từ chuyến thăm lịch sử tới  Triều Tiên của cựu Thủ tướng Koizumi tháng 9/2002, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Nội các của Thủ tướng Noda nhìn nhận những thay đổi của chính quyền Kim Jong-un.

Hơn nữa, trong bối cảnh uy tín Nội các Thủ tướng Noda đã xuống dưới mức 30%, sự phản đối ngày càng tăng của người dân với quyết định nâng thuế tiêu thụ và đặc biệt là khả năng sớm phải giải tán Hạ viện, tổ chức Tổng tuyển cử, đây cũng sẽ là cơ hội để Thủ tướng Noda và đảng cầm quyền thu hút sự ủng hộ của người dân.

Ngoài ra, việc nối lại đàm phán song phương cũng sẽ giúp Nhật Bản bớt phụ thuộc vào Mỹ và Hàn Quốc trong đối sách với  Triều Tiên.

Phản ứng sau quyết định của Nhật Bản, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định, Mỹ sẽ theo dõi kết quả của cuộc gặp lần này và cho rằng mỗi nước tham gia đàm phán 6 bên đều có thể tự do liên lạc với Triều Tiên để phục vụ cho mục đích chung.

Trong khi đó, Nhật đang xem xét đóng băng các chuyến thăm cấp cao với Hàn Quốc sau khi Tổng thống Lee Myung-bak bất ngờ tới thăm quần đảo đang tranh chấp giữa 2 nước, phía Nhật Bản gọi là đảo Takeshima trong khi Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên