Bầu cử Tổng thống Pháp: Tranh cãi về cuộc đối đầu trực diện trên truyền hình

Tổng thống Nicolas Sarkozy đề xuất có tới 3 cuộc tranh luận trên truyền hình với ứng cử viên của đảng Xã hội Francois Hollande.  

Tiếp sau vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống, tại Pháp đang nổ ra nhiều tranh cãi về việc sẽ có hay không một cuộc đối đầu trực diện trên truyền hình giữa hai ứng cử viên dẫn đầu Francois Hollande và Nicolas Sarkozy. Vì sao tranh luận trên truyền hình lại quan trọng đến thế và sẽ có thể tác động ra sao đến cục diện bầu cử tổng thống Pháp vòng 2 sắp tới. 

Ngay sau khi diễn ra cuộc bầu cử vòng 1, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đề xuất có tới 3 cuộc tranh luận trên truyền hình với ứng cử viên của đảng Xã hội Francois Hollande. Tuy nhiên, ông Hollande đã từ chối. Đến giờ này, vẫn chưa biết sẽ có hay không một cuộc tranh luận trực diện giữa hai ông sắp tới hoặc sẽ có một hay nhiều cuộc tranh luận.

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình là một truyền thống trong bầu cử Tổng thống Pháp và được coi như “một cuộc thi thử”. Hàng triệu người dân Pháp sẽ theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp và sẽ phán xét khả năng lãnh đạo, hiểu biết và chính sách của hai ứng cử viên, trước khi đi đến quyết định lựa chọn chính thức vào ngày 6/5 tới.

Dự đoán chia phiếu của các ứng cử viên nhỏ cho 2 ứng cử viên chính
Chỉ có một ngoại lệ là năm 2002, ông Jacques Chirac đã từ chối tranh luận trực tiếp trên truyền hình với ứng cử viên Mặt trận Dân tộc Jean Marie Le Pen vì lí do ông không bao giờ chấp nhận ngồi chung bàn thảo luận với phe cực hữu. Còn thông thường diễn ra một cuộc tranh luận trong khoảng nghỉ giữa hai vòng bầu cử.

Nói về tầm quan trọng của cuộc tranh luận, thậm chí có thể làm “xoay chuyển tình thế”, Giáo sư Tiến sĩ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Sau vòng 1, còn 2 tuần sẽ diễn ra bầu cử vòng 2, có một buổi tranh luận trên truyền hình có thể tác động đến kết quả, do người Pháp sẽ lựa chọn tư chất quyết đoán của con người đó.

Tổng thống Sarkozy từng nói, nếu vào vòng 2 thì ông muốn có 3 cuộc tranh luận trên truyền hình. Rõ rang, đương kim Tổng thống Pháp muốn tận dụng sở trường hùng biện nổi trội cũng như kinh nghiệm điều hành, lãnh đạo, xử lý nhiều vấn đề lớn của đất nước để làm suy giảm hình ảnh của ông Francois Hollande.

Khác với người từng làm nên lịch sử cho Đảng Xã hội vào năm 1981, ông Francois Mitterand, ông Francois Hollande không có nhiều kinh nghiệm chính trường, chưa từng nắm giữ một cương vị bộ trưởng nào, chỉ có hơn 10 năm làm Bí thư Đảng Xã hội”.

Hơn cả dự đoán, lần này, ngay sau vòng 1, ông Sarkozy kêu gọi tiến hành đến 3 cuộc tranh luận trực tiếp với ông Hollande trên truyền hình và những ngày này liên tục có những lời châm biếm việc ứng cử viên xã hội từ chối 3 lần tranh luận. Ngược lại, phía Đảng Xã hội lấy chính ví dụ năm 2007 khi ông Sarkozy không đồng ý tranh luận nhiều lần trên truyền hình với các ứng cử viên khác. Những người ủng hộ ứng cử viên Francois Hollande thì vẫn cho rằng ông có thể vượt qua cuộc “thi thử” sắp tới với ông Sarkody.

Chị Miame, Louis cho biết: “Tôi tin tưởng ông Francois Hillande sẽ vượt qua thử thách đó. Ông Hollande cũng có những chính sách và kế hoạch tốt có thể thuyết phục được cử tri Pháp”.

Trong một diễn biến khác, cả hai ông Sarkozy và Hollande đều đang có những nỗ lực trong chừng mực riêng của từng đảng để hút phiếu của các cử tri từng bầu cho ứng cử viên đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu trong cuộc bầu cử vòng 1.

Ông Sarkozy đã tỏ ra thận trọng khi tuyên bố người dân Pháp chứ không phải bà Marine Le Pen là “trọng tài” của vòng hai. Còn ông Hollande thì khẳng định thông hiểu tâm lí “giận dữ” của những cử tri đã bỏ phiếu cho phe cực hữu. Trong khi đó, “nhân vật số 3” đang gây nhiều sự chú ý Marine Le Pen lại có một số động thái khiến giới phân tích đồn đoán bà này sẽ kêu gọi cử tri ủng hộ mình  bỏ phiếu trắng trong vòng 2 cuộc bầu cử./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên