Tết đến ngắm đào vào Nam, mai ra Bắc - hoa chảy hai chiều

VOV.VN -Cùng với người người nô nức từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, sẽ có nhiều đoàn tàu hỏa, nhiều chuyến bay chở mai vàng ra Hà Nội, đưa đào thắm vô Sài Gòn.

Đất nước mình là xứ sở của hoa. Miền Bắc nổi tiếng hoa đào. Miền Nam tự hào bông mai. Đào hay mai đều báo trước mùa xuân, mang lại niềm vui cho người cùng đất trời đổi mới.

Và như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoa đào từ Bắc vào tới Đèo Ngang thì chỉ còn lác đác đó đây, trong khi hoa mai rộ khắp vùng Bình Trị Thiên lại dừng chân bên này cái đèo cỏ cây chen đá. Tỉnh Quảng Trị nghèo khó và kiên cường, địa bàn cuộc đụng đầu lịch sử giữa ta và Mỹ, tỉnh Quảng Trị khắc khoải bảy nhịp cầu ngăn cách, là nguyên quán của mai vàng. Vào dịp đông tàn xuân đến, rừng Trường Sơn Đông rộ nở mai vàng. Mai Lĩnh, ngọn núi mai hiện thân người Quảng Trị, như tên gọi của nó, mùa này thật sự là Đỉnh Mai, Non Mai, Động Mai, Rừng Mai. Ngày xưa khách bộ hành đi dọc đường 9 vào mùa xuân nhìn về phía nào cũng thấy mai vàng. Người Quảng Trị tự hào “quê miềng” Không thơm cũng thể hương đàn. Không trong cũng nước Nguồn Hàn chảy ra. 

Tết Quý Sửu 1973, Hiệp định Paris vừa ký, tôi từ Vĩnh Linh qua sông Bến Hải, đêm nghỉ lại một nơi hầu như bị bom đạn san bằng thuộc huyện Triệu Phong. Sáng dậy sững sờ nhìn thấy một đóa mai vàng vừa nở cạnh hố bom, tại một vùng xơ xác, đất đai cháy đen cháy đỏ. Hóa ra có một gốc mai, y như anh cán bộ nằm vùng, lâu nay vẫn lặng lẽ sống và hoạt động. Mặc kệ đạn bom, mai kiên trì chờ đợi xuân về cho nhành nhú nụ, cho nụ mãn khai. Câu chuyện này hễ nói đến hoa là tôi lại muốn nhắc, đã kể rồi vẫn kể nữa cho bạn bè, em cháu nghe.

Hoa mai

Sài Gòn vốn có nhiều hoa đẹp. Những giống hoa cổ truyền và những loại hoa nhập ngoại mang theo tên lạ, lâu ngày Việt hóa nghe cũng xuôi tai. Nghe nói trước đây ngày thường, muôn loài nhường bước hoa hồng đủ màu sắc từ Đà Lạt sáng sáng về theo các chuyến xe đò tốc hành, bày bán trên các quầy hoa đường Nguyễn Huệ, màu hồng nào cũng gợi cảm làm mê mẩn người.

Năm đầu tiên tôi từ Bắc vào, băn khoăn không biết Sài Gòn có những làng mai nổi tiếng như làng đào Nhật Tân, Quảng Bá tại Hà Nội hay không. Đi thăm một số nơi ngoại thành, tôi bị các vườn cây ăn trái hút hồn. Một hôm bỗng phát hiện làng mai ở một vùng nổi tiếng về cây ăn trái ngay bên kia cầu Bình Triệu. Nói phát hiện không quá lời, bởi giá không tình cờ nhìn thấy một chậu mai trong sân nhà nọ đang mãn khai, hẳn tôi đã không để ý, đằng sau vườn còn có nhiều luống mai trồng dày sít, khép nép giữa những cây xoài, mận, vú sữa, sầu riêng bề thế, và bắt đầu nhú hoa. Hình như mai miền Nam dễ tính hơn đào phía Bắc. Những người trồng mai vàng biết đến lúc nào thì nên vặt trụi lá mai cho hoa đua nở đúng dịp, sẵn sàng về các chợ hoa. Đường phố rồi sẽ rộ sắc mai vàng mai trắng tương tự Cống Chéo, Hàng Lược (Hà Nội) ngập trong bích đào anh đào.

Hoa đào

Không ít nhà chuyên cung cấp hoa Tết cho Sài Gòn năm đầu giải phóng 1976 bị hớ. Tin lời đồn thổi, họ nghĩ giải phóng rồi, cách mạng về rồi, làm gì còn có đất sống cho hoa! Một số nhà phá hoa trồng cây ăn trái. Khi nhận ra mình lầm thì thời vụ đã qua, làm sao kịp chăm những loài hoa bán được tiền ngày Tết.

Không, xã hội mới đâu có loại trừ hoa. Người Việt Nam ta bất kỳ ở đâu và lúc nào cũng biết thưởng thức cái đẹp. Hà Nội thời chiến tranh nghèo thiếu thế, mà Tết đến có nhà nào không chơi hoa. Giàu thì mặc lan, thủy tiên, cúc đại đóa, đào thắm đào phai, nghèo thì một khóm vạn thọ, vài bông thược dược hay chùm hoa chân chim vui mắt mà tốn kém có là bao.

Người Việt ta mừng xuân Bính Thìn 1976 có đủ đào thắm và mai vàng, địa lan Đà Lạt và quất đỏ Hưng Yên. Bắc Nam nắm tay nhau cùng đi lên với cỗ máy, cái cày, cuốn sách và bông hoa. Năm ấy tôi ăn Tết nửa ở miền Nam nửa tại miền Bắc. Đêm trừ tịch, được ngành Hàng không chiếu cố cho lên chuyến bay cuối cùng lưa thưa mấy chục khách và một khoang chất đầy mai vàng về Gia Lâm. Càng tin rồi đây mỗi độ xuân về, cùng với người người nô nức từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, sẽ có nhiều đoàn tàu hỏa, nhiều chuyến máy bay chở mai vàng ra Hà Nội, đưa đào thắm vô Sài Gòn.               

Đào vào Nam, mai ra Bắc, hoa chảy hai chiều.

ĐÀO VÀ MAI

Chế Lan Viên

Nhớ cành đào nhớ lắm

Xa Bắc đã lâu ngày

Huống nữa mình sáu chục

Cành mai ấy sao khuây


Yêu cành mai yêu lắm

Đứt ruột nhớ hoa đào

Huống nữa mình sáu chục

Xa Bắc đã từ lâu.(*)

(*) Bài thơ không đề ngày sáng tác, theo nội dung có lẽ được Chế Lan Viên (14/1/1920-16/9/1989) viết vào khoảng những năm 1980 tại Viên Tĩnh Viên, TP. HCM. Bài thơ in trong tập “Hoa trên đá” mà tác giả đã ký tặng nhà báo Phan Quang (ảnh bên)./.



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên