Về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Thiếu những khuyến nghị “đột phá”

Bản Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, theo nhiều chuyên gia, vẫn còn thiếu những “đột phá” mang tính chiến lược cũng như cụ thể.

Theo kế hoạch, hôm nay (19/4), UBTV Quốc hội sẽ cho ý kiến về "Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế" của Chính phủ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Đánh giá cao những định hướng ưu tiên của Đề án lần này là khá trúng với chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, cũng cần phải bổ sung thêm những trọng tâm và điểm nhấn liên quan đến tái cấu trúc (TCT). Quan trọng nhất là cần bổ sung những danh mục sản phẩm, những ngành, lĩnh vực liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ như là một trong những đột phá mới để tạo ra sự cải thiện căn bản kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, theo hướng gia tăng giá trị những ngành, nghề được tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tránh để Việt Nam trở thành một bãi thải công nghiệp hoặc là phát triển luôn chậm so với khu vực và thế giới.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương cho rằng, trong Đề án cũng có nêu lên những con số cụ thể như nâng cao tỷ trọng của công nghiệp chế tạo từ khoảng 25% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 lên 40% năm 2020. Cần phải có những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể đối với lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo mới có thể đảm bảo được mục tiêu của đề án. Cùng với đó, Đề án cần phải đặc biệt chú ý đến nông nghiệp, trong đó có những sản phẩm nông nghiệp trọng điểm như lúa gạo hay một số sản phẩm mà Việt Nam hiện nay đang có tỷ trọng xuất khẩu cao, chiếm vị trí hàng đầu thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để triển khai Đề án TCT rất cần những giải pháp và tổng thể mang tính đột phá và khả thi. Và những giải pháp này phải nằm trong diện bao quát từ phía Nhà nước, địa phương đến các bộ, ngành, DN… Tuy nhiên, trong đề án tổng thể ở đây mới đưa ra được những quan điểm và giải pháp cơ bản, chứ chưa có những đột phá, đặc biệt là lộ trình cho TCT các DNNN cũng chưa thật định hình. Và như vậy, rõ ràng tiến độ sẽ khó được đảm bảo theo yêu cầu mới. Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: làm tốt công tác TCT tập đoàn kinh tế, DNNN sẽ là động lực gỡ nút thắt quan trọng cho nền kinh tế.

Một trong những đột phá quan trọng xuất phát từ TCT theo các nhóm ngành, sản phẩm để tạo ra những chuỗi sản phẩm liên kết giữa trong nước và quốc tế, giữa DNNN với tư nhân cũng chưa rõ nét.

Theo ông Doãn Văn Tỏa, chuyên viên cao cấp - Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cần có những bước đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể - HTX, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang xây dựng nông thôn mới. Với hơn 19.000 HTX, trong đó gần một nửa thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nếu được quan tâm TCT sẽ đem lại bộ mặt mới cho kinh tế nông nghiệp.

Theo ông Tỏa: “Trong kinh tế nông nghiệp hiện nay, vấn đề tiêu thụ nông sản đang được đặt lên hàng đầu. Người nông dân sản xuất ra mà không có bà đỡ, không có vai trò của HTX thì sản xuất sẽ hạn chế. Đó là những vấn đề rất cụ thể mà muốn HTX củng cố thì phải quan tâm những điều đó”.

Liên quan đến "Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế" cũng có rất nhiều quan điểm nêu: Đề án cũng cần có những giải pháp để chủ động phòng ngừa những tác động mặt trái của TCT. Ví dụ như việc giải quyết những vấn đề xã hội do áp lực đào thải và tuyển mới lao động chất lượng cao; những “bẫy” nợ trong quá trình TCT. Bởi vì TCT đòi hỏi lượng vốn rất lớn, trong bối cảnh chúng ta đang gặp khó khăn về vốn thì việc xử lý về vốn như thế nào cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cũng cần có những giải pháp nhằm ngăn chặn sự lạm dụng trong quá trình TCT. Rất có thể, có những lợi ích nhóm nổi lên làm cản trở quá trình thực hiện hoặc chi phối quá trình TCT, tạo ra những dự án không cần thiết và lạm dụng nhân danh TCT để tham nhũng hoặc gây lãng phí..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên