“Nhùng nhằng” trong định suất khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Viêc thực hiện khám chữa bệnh theo định suất BHYT, ngành bảo hiểm xã hội và ngành y tế vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Sau 2 năm thực hiện phương thức thanh toán theo định suất bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh, không ít bệnh viện, người bệnh, thậm chí cả cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói thống nhất.

Vậy nên mới có tình trạng, có nơi được số đầu thẻ bảo hiểm y tế cao, người bệnh được khám, cấp thuốc đầy đủ nhưng cũng ở bệnh viện cùng tuyến có số đầu thẻ bảo hiểm y tế thấp, người bệnh lại thiệt thòi vì chỉ được nhận những dịch vụ, thuốc men hạn hẹp…

Thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất nghĩa là quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ giao cho bệnh viện một khoản tiền tính theo số đầu thẻ BHYT của bệnh viện đó. Như vậy, bệnh viện sẽ có trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ sao cho hiệu quả, tránh lãng phí.

Theo cách này, nếu bệnh viện nào kết dư được quỹ sẽ được hưởng 20%, còn bệnh viện nào bội chi quỹ chỉ được thanh toán 60%. Tuy nhiên, nếu bệnh viện nào năm trước kết dư quỹ và được hưởng nguồn lợi từ đó thì năm sau sẽ cố gắng “thắt lưng buộc bụng” mà bảo đảm nguồn quỹ khám chữa bệnh.

Khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo (Ảnh minh họa)

Quy định này theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, là đang bộc lộ không ít bất cập, nó sẽ đẩy các bệnh viện vào tình trạng vừa “lo lắng” đảm bảo an toàn nguồn quỹ, vừa làm sao đảm bảo quyền lợi cho người khám chữa bệnh.

Theo lộ trình, đến năm 2015, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh sẽ thực hiện phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có khoảng 786 cơ sở, tương đương hơn 40% số cơ sở khám chữa bệnh cả nước thực hiện thanh toán theo định suất. Trong đó, đã có những cơ sở báo bội chi hàng chục tỷ đồng. Có đơn vị bội chi 50% quỹ của quý sau.

Ông Nguyễn Nam Liên - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho rằng, cần căn cứ vào hạng bệnh viện để tính định suất vì mỗi bệnh viện có năng lực chuyên môn khác nhau. Hơn nữa, nếu bệnh nhân vượt tuyến thì bệnh viện tuyến trên cần chia sẻ chi phí với bệnh viện tuyến dưới. Không nên để tình trạng bệnh viện tuyến dưới phải xuất quỹ thanh toán cho bệnh nhân vượt tuyến như hiện nay.

Với phương thức tính định suất theo đầu thẻ BHYT hiện nay, bên cạnh số cơ sở bị bội chi cũng có không ít cơ sở khám chữa bệnh có nguồn quỹ lớn để thực hiện khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi nguồn quỹ nhiều, định suất khám chữa bệnh cao lại xảy ra hiện tượng lạm dụng các kỹ thuật, xét nghiệm để lạm dụng, trục lợi quỹ. Vì vậy, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị, khi nguồn quỹ khám chữa bệnh lớn thì trách nhiệm của các bệnh viện lại càng phải nâng cao để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Với cách này, ông Phạm Lương Sơn nhận định: “Thay vì tính toán những yếu tố kinh tế thì bây giờ người bác sỹ phải cân nhắc thuốc, chỉ định dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm… cho bệnh nhân để đạt hiệu quả cao nhất”.

Sau 2 năm thực hiện khám chữa bệnh theo định suất BHYT, ngành bảo hiểm xã hội và ngành y tế vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Về phía ngành y tế, để đảm bảo lộ trình thực hiện phương thức thanh toán theo định suất, theo bà Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, trước khi áp dụng định suất tại bệnh viện, ngành bảo hiểm cần có sự nghiên cứu tính toán cho phù hợp, tránh tình trạng áp đặt các tính toán rồi mới thông báo cho bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Xuyên cũng đề nghị, hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ để bệnh viện biết đến quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện theo phương thức thanh toán này. Có như vậy, ngành bảo hiểm, ngành y tế và người dân mới thấy được sự ưu việt trong phương thức thanh toán theo định suất hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên