“Bom mẹ“- Vũ khí răn đe hay công cụ chính trị của Mỹ?

VOV.VN - Lịch sử chiến tranh ghi nhận cột mốc mới khi quân đội Mỹ đã ném một quả Bom mẹ GBU-43/B xuống Afghanistan nhằm tiêu diệt phiến quân IS.

Quả bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất của quân đội Mỹ, thường được gọi là “mẹ của các loại bom” còn làm được hơn thế. Đó là một thông điệp chính trị của Mỹ.

Hình ảnh Bom Mẹ GBU-43/B trước khi phát nổ. Ảnh: AFP

Thiết lập một kỷ lục mới

Theo tin tức được quân đội Mỹ công bố, một máy bay vận tải MC-130 đã ném quả bom GBU-43/B xuống một tổ hợp đường hầm và hang động của IS ở huyện Achin thuộc tỉnh Nangarhar của Afghanistan vào khoảng tối 13/4. Mục tiêu của quả bom là những chiến binh có liên hệ với IS ở Iraq và Syria, với tên gọi Khorasan.

Theo các nguồn tin công khai, bom GBU-43/B được Mỹ phát triển từ đầu những năm 2000 trên cơ sở bom BLU-82 “Daisy Cutter” từng được Mỹ sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Xa hơn nữa, bom BLU-82/B còn được sử dụng để làm sạch mặt đất làm bãi đáp cho trực thăng trong chiến tranh Việt Nam.

Bom GBU-43/B nặng 9.840 kg, được thiết kế để ném từ máy bay C-130 Hercules. Với đương lượng nổ lên tới 11 tấn TNT, sức công phá của GBU-43/B xấp xỉ quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima tại Nhật Bản ngày 6/8/1945.

Đây là sản phẩm của một cuộc chạy đua về bom phi hạt nhân. Tháng 9/2007, Nga cũng đã thử nghiệm loại bom chân không có sức công phá gấp 4 lần GBU-43/B của Mỹ. Loại bom của Nga thường được gọi là “cha của các loại bom” được thiết kế để trang bị cho máy bay chiến lược Tu-160 và hiện là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Theo các nguồn tin quân sự, chi phí để phát triển loại bom này vào khoảng 314 triệu USD, trong khi giá của mỗi quả bom vào khoảng 16 triệu USD. Các tính toán này dựa trên chi phí để nhà thầu Boeing làm ra bom GBU-57, loại bom chuyên được sử dụng để xuyên phá các boong-ke dưới lòng đất.

GBU-57 được trang bị định vị GPS dẫn đường, với trọng lượng 2.500 kg. Tuy cùng có trọng lượng “khủng”, hai loại bom này phục vụ các mục đích hoàn toàn khác nhau.

Theo Daily Caller, GBU-57 được thiết kế để phá hủy các boong-ke nằm sâu dưới lòng đất tới 70 mét. Trong khi GBU-43/B có nhiệm vụ phát quang mọi vật thể trên mặt đất trong vòng bán kính 1 dặm (1,6km)

Quân đội Mỹ chỉ có thể thả GBU-43/B từ máy bay C-130 do Lockheed Martin chế tạo, còn việc đưa GBU-57 ra chiến trường do máy bay B-2 của Boeing đảm nhận. Ngoài ra, GBU-43/B là sản phẩm của các cơ quan Chính phủ, chứ không phải là đơn đặt hàng của các nhà thầu tư nhân.

Công việc này được giao cho Phòng thí nghiệm của Không quân Mỹ năm 2002. Một năm sau đó, 3 phiên bản của loại bom này được đưa ra thử tại Căn cứ Không quân Eglin ở Florida. Đám mây hình nấm khổng lồ do vụ nổ bom GBU-43/B tạo ra có thể nhìn thấy từ cách xa 20 dặm.

Thông điệp tới Triều Tiên và Syria

Chưa biết quy mô căn cứ của IS tại tỉnh Nangarhar tới đâu nhưng việc thả bom mẹ cho thấy quân đội Mỹ muốn tạo ra một hành động đủ lớn để thể hiện quyết tâm của mình. Nước Mỹ đã cho thấy nỗ lực đảo ngược cuộc chiến chống khủng bố vốn đang gặp khó khăn tại đây, CNN bình luận.

Jason Dempsey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và là cựu sỹ quan bộ binh tại Afghanistan nhận định. “Tôi chắc rằng IS đã phạm sai lầm lớn khi thiết lập cơ sở tại một nơi hẻo lánh này”.

Trả lời Military.com, Dempsey cho rằng quả bom đã tạo ra hiệu quả cực lớn. “Đó là một tổ hợp hang động và để phá hủy nó, cần một quả bom khổng lồ. Vì thế, tôi tán thành việc sử dụng loại vũ khí này”. Đó là tín hiệu về việc Mỹ sẽ không “buông” mặt trận Afghanistan, nhưng sẽ trở lại với những phương án ít tốn kém hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào sử dụng bom mẹ là đúng. Peter Bergen, chuyên gia phân tích về an ninh quốc gia của CNN cho biết: một thập kỷ rưỡi trước đây, Không quân Mỹ từng sử dụng một phiên bản sơ khai của GBU-43/B với biệt danh “Daisy Cutter” tại trại huấn luyện Tora Bora của al Qaeda ở Afghanistan.

Cú đánh này giết chết nhiều thành viên của al Qaeda, nhưng bin Laden và nhiều lãnh đạo cấp cao của tổ chức này đã trốn thoát. Điều đó nhắc nhở rằng rất ít chiến dịch không kích là thực sự có hiệu quả.

Chính vì thế, hiệu ứng thứ cấp từ vụ ném Bom mẹ chính là việc “đánh tiếng” với chính quyền Triều Tiên và cả Syria rằng Mỹ sẵn sàng huy động vũ khí “khủng” để phá hủy hệ thống quân sự ngầm tại bất cứ đâu.

Andrew Peek, cựu nhân viên tình báo quốc phòng Mỹ, người từng có kinh nghiệm tại Afghanistan nói: “Cuộc tấn công này không nhằm vào IS. Đó là phát súng chống lại những kẻ thù chính của nước Mỹ. Trong khi thủ phủ của IS là ở Syria và Iraq. Ở đây chỉ có Taliban và mạng lưới Haqqani”.  

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại đều cho rằng, Tổng thống Trump luôn muốn thể hiện hình ảnh của mình cùng các biểu tượng quân sự của Mỹ. Bất kể là trong bộ đồ binh sĩ hay điều hành chiến dịch trên tàu chiến và máy bay.

“Tôi nghĩ Trump là người thích đưa ra các tín hiệu”, Harry Kazianis, Giám đốc về nghiên cứu Quốc phòng Trung tâm Lợi ích quốc gia ở Washington nói. “Đó dường như là một tín hiệu của người muốn đánh tiếng dằn mặt với các đối thủ.”

Kazianis cho biết thêm: điều đó không có nghĩa sẽ có một cuộc tấn công vào Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất kể việc ông Kim Jong-un  đang có cuộc chiến ngôn từ nhằm vào Mỹ và có cả vụ thử hạt nhân cuối tuần này. “Tôi nghĩ ông Trump đang cố phát tín hiệu với Triều Tiên rằng đó là công việc của ông ấy. Nhưng tôi không nghĩ sẽ có điều gì đi xa hơn” ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải mã sức mạnh của “bom mẹ” mà Mỹ vừa ném xuống Afghanistan
Giải mã sức mạnh của “bom mẹ” mà Mỹ vừa ném xuống Afghanistan

VOV.VN - GBU-43 được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom” vì là thiết bị nổ phi hạt nhân lớn nhất thế giới khi nó lần đầu ra mắt.

Giải mã sức mạnh của “bom mẹ” mà Mỹ vừa ném xuống Afghanistan

Giải mã sức mạnh của “bom mẹ” mà Mỹ vừa ném xuống Afghanistan

VOV.VN - GBU-43 được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom” vì là thiết bị nổ phi hạt nhân lớn nhất thế giới khi nó lần đầu ra mắt.

Ảnh: “Bom mẹ” có sức công phá khủng khiếp do Mỹ thả xuống Afghanistan
Ảnh: “Bom mẹ” có sức công phá khủng khiếp do Mỹ thả xuống Afghanistan

VOV.VN - Hôm 13/4 quân đội Mỹ thả trái bom phi hạt nhân mạnh nhất của họ xuống các mục tiêu của nhóm Hồi giáo IS ở Afghanistan.

Ảnh: “Bom mẹ” có sức công phá khủng khiếp do Mỹ thả xuống Afghanistan

Ảnh: “Bom mẹ” có sức công phá khủng khiếp do Mỹ thả xuống Afghanistan

VOV.VN - Hôm 13/4 quân đội Mỹ thả trái bom phi hạt nhân mạnh nhất của họ xuống các mục tiêu của nhóm Hồi giáo IS ở Afghanistan.

“Bom mẹ” do Mỹ sử dụng ở Afghanistan tiêu diệt được 36 phần tử IS
“Bom mẹ” do Mỹ sử dụng ở Afghanistan tiêu diệt được 36 phần tử IS

VOV.VN - Ngoài việc tiêu diệt được 36 phần tử IS, vụ nổ do quả “bom mẹ” tạo ra đã phá hủy 3 đường hầm cũng như những vũ khí và đạn dược của phiến quân.

“Bom mẹ” do Mỹ sử dụng ở Afghanistan tiêu diệt được 36 phần tử IS

“Bom mẹ” do Mỹ sử dụng ở Afghanistan tiêu diệt được 36 phần tử IS

VOV.VN - Ngoài việc tiêu diệt được 36 phần tử IS, vụ nổ do quả “bom mẹ” tạo ra đã phá hủy 3 đường hầm cũng như những vũ khí và đạn dược của phiến quân.