Lê Bích và 10 năm cho một triển lãm Xuân Hà Nội

VOV.VN - Triển lãm ảnh “Làng nghề đón Xuân” của nhiếp ảnh gia Lê Bích, diễn ra từ 22/1 tới 22/2 tại Đình Kim Ngân, 42 – 44 Hàng Bạc, Hà Nội.

10 năm cho một triển lãm xuân

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mỗi mùa xuân về với Lê Bích là cơ hội để anh được chiêm ngưỡng và ghi lại những nét đẹp tinh hoa ngàn năm hội tụ qua những sinh hoạt làng nghề, phố nghề và những lễ hội…

Sau 10 năm bấm máy chụp những khoảnh khắc này, chiều 22/01/2016, Lê Bích trình làng triển lãm ảnh thứ 2 của mình và cũng là triển lãm đầu tiên của anh trưng bày 30 bức ảnh mà anh cho là đẹp nhất, ý nghĩa nhất với bản thân mình cũng như thể hiện được những vẻ đẹp truyền thống tinh hoa của người Hà Nội.

Được biết đến là một tay máy đam mê giếng cổ, Lê Bích từng ghé thăm khoảng 200 ngôi làng và chụp 300 giếng cổ khắp cả nước, từ đồng bằng đến vùng cao và miền duyên hải. Những giá trị tâm linh của giếng cổ đã đặc biệt hẫp dẫn và thu hút anh kể từ năm 2010 trong quá trình tác nghiệp. Nhưng tình yêu dành cho làng nghề, phố nghề Hà Nội đến với Lê Bích tự nhiên như hơi thở ngấm vào máu chàng trai Hà Nội này từ khi sinh ra. 

Nhiếp ảnh gia Lê Bích

“Tôi cảm thấy rất may mắn khi được Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội lựa chọn triển lãm ảnh để quảng bá văn hóa di sản phố cổ dịp Tết cổ truyền. Tôi đã hào hứng đón nhận ngay và cảm thấy đây là một niềm tự hào được là chiếc cầu nối giới thiệu đến mọi người những nét tinh hoa của các làng nghề và phố nghề Hà Nội đúng dịp xuân về, dịp mà ai cũng thấy hân hoan hạnh phúc đón chờ mùa xuân mới”, Lê Bích hào hứng nói.

Các bé gái làng hương Cao Thôn

Với nhiều tay máy, đề tài làng nghề mùa xuân là thời khắc đẹp nhất bởi mùa xuân là mùa của sắc màu và sự sinh sôi nảy nở. Bởi vậy không khó hình dung cảm giác hạnh phúc của Lê Bích khi bày tất cả những bức ảnh tâm huyết của mình ra sàn nhà để ngắm nghía và lựa chọn cho triển lãm này: “Nó là toàn bộ sắc màu mùa xuân mà khi nhắm mắt vào mình sẽ hình dung ra những cảm xúc chộn rộn trong lòng và những khoảnh khắc bấm máy của những mùa xuân trước cứ ùa về”, Lê Bích nói.

Sưởi ấm cho đào Nhật Tân

Phơi hương ở làng Cao Thôn

Làng nghề, phố nghề Hà Nội qua ống kính và cảm nhận của Lê Bích

Có một nhà nghiên cứu về Hà Nội đã nói: “Hà Nội là một ngôi làng lớn”. Điều này là có lý bởi Hà Nội là một đô thị lớn, nơi hội tụ của giới thương gia, cũng là nơi hội tụ các cộng đồng các làng nghề, do đó có tên gọi "Kẻ Chợ" (Những người của chợ). Người Hà Nội cũng là người tứ xứ về và mỗi người mang về đây một cái văn minh, một nền văn minh làng xã ngày xưa. Hà Nội chính là như thế, rộng mở đón nhận tất cả. Hà Nội có Ngũ Xã (5 làng),có Hàng Thiếc, có Lò Rèn, Lò Đúc…Hà Nội giàu có là vì thế. Càng chấp nhận nhiều càng tốt vì mỗi làng xã là một nền văn minh. Chính những giá trị văn hóa đặc sắc của làng đã được kết tinh và lan tỏa ở mảnh đất kinh kỳ và trở thành nét tinh hoa Hà Nội.

"Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già"

Mặc dù không còn mạnh mẽ như xưa, những vẫn cón đó sự liên kết những cặp phố-làng. Vì dụ phố Lò Rèn xưa còn gọi là phố Hàng Bừa chủ yếu là các thợ rèn từ làng Xuân Phương lên đây làm ăn. Hoặc phố Thuốc Bắc chủ yếu là người dân từ làng Nành (Ninh Hiệp xưa), còn phố Hàng Bạc có nhiều người ở làng Châu Khê và làng Định Công lên lập nghiệp…Mỗi phố một nghề và có gốc gác từ làng.

Xuân sang, Tết đến các làng nghề thủ công lân cận cùng những phố nghề trong nội thành lại tập trung nguồn lực, vật lực để tạo ra các sản vật cùng những món ăn tinh thần phục vụ Tết. Có thể kể tên ra môt số như: “Cam Canh Bưởi Diễn”, giò chả Ứớc Lễ, đào quất Nhật Tân, hương trầm Cao Thôn và không thể thiếu tranh dân gian như: Đông Hồ, Hàng Trống…Điều này tạo nên một không khí phồn thịnh, nhộn nhịp ở Hà Nội mỗi dịp xuân về.


Tất cả những điểu này sẽ được tái hiện trong triển lãm của Lê Bích qua những khuôn hình ghi lại những nét làng xưa, những hương vị Tết truyền thống mà nhờ đó người Hà Nội luôn được đón xuân trong hân hoan, no đủ và đậm đà bản sắc Việt.

Triển lãm ảnh “Làng nghề đón Xuân” của nhiếp ảnh gia Lê Bích, diễn ra từ 22/1 tới 22/2 tại Đình Kim Ngân, 42 – 44 Hàng Bạc, Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên