Cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản: Có thể khởi tố vụ án hình sự

Nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, vụ việc cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản đã có những dấu hiệu, tính chất đủ để khởi tố một vụ án hình sự.

Theo các chuyên gia, việc cấp khống hơn 800 sản phẩm trong lĩnh thủy sản sẽ tác động xấu tới ngành thủy sản. Ảnh: Bình Phương.

Việc cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K), thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, vụ việc đã có những dấu hiệu, tính chất đủ để khởi tố một vụ án hình sự.

Dấu hiệu vi phạm

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia ngành thủy (xin giấu tên) cho biết, những vi phạm tại Trung tâm 3K cần xử lý hình sự. Theo vị này, với kiểu ghép khống đó, loại thức ăn không có đạm ông cũng chứng nhận cho bao phần trăm về đạm, rồi vitamine, khoáng chất, kháng sinh… và hậu quả là người nuôi trồng thủy sản gặp hậu quả.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, với môi trường thủy sản, chẳng hạn độ pH vọt lên thì cá chết, tôm chết. Tương tự, trong ao có khí độc H2S, NH3…vậy sử dụng cái gì để khử độc? “Người dân thì cứ ra cửa hàng, có chứng nhận của Trung tâm 3K là mua thôi, về xử lý thôi, hậu quả cuối cùng thì đã rõ, cá tôm chết...”- vị chuyên gia này nói.

Theo chuyên gia này, hơn 800 sản phẩm được kiểm định khống đó, đã hoành hành trên thị trường lâu nay, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm khoảng 80% sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước. “Tôi đi nói chuyện về vấn đề VietGAP và nuôi trồng an toàn sinh học. Người nuôi hỏi tôi, những sản phẩm mua về sử dụng không có tác dụng gì, thì ông nói sao? Tôi bảo là tôi chả biết nói sao cả, hỏi những người cấp giấy chứng nhận. Nếu tôi là người nuôi thì tôi không tin vào những giấy chứng nhận đấy, mà tự lần mò lấy…không sẽ chết hết tôm cá. Đó là thực tế”- vị chuyên gia này nói.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Luật Basico cho rằng, dấu hiệu hình sự ở vụ việc trên với tội làm giả giấy tờ, chữ ký, con dấu của cơ quan quản lý nhà nước thì đã rõ. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm ở các nội dung khác có hay không, như cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, thậm chí là nhận tiền hối lộ…

Với tính chất cấp khống trên 800 sản phẩm, số tiền bất chính bị thu hồi hơn 1 tỷ đồng… Rõ ràng là có vấn đề, cần khởi tố vụ án để xử lý hình sự. Còn mức nặng hay nhẹ cần đi vào tính chất cụ thể. “Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm cấp khống, tính chất như thế, không thể nói là nhẹ được”- luật sư Đức nói.

Vị luật sư này cũng cho rằng, về mặt hành chính, Tổng cục Thủy sản đã xử lý. Tuy nhiên, về mặt hình sự, phải khởi động một quy trình riêng. Nếu đã có dấu hiệu rồi thì yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xem xét tội gì. “Còn về luật, không cần ông Tổng cục Thủy sản có đơn từ, cơ quan nào yêu cầu công an, mà có phản ánh trên báo chí, thì cơ quan điều tra có trách nhiệm xem xét để khởi tố vụ án rồi”- luật sư Đức nói.

Luật sư Quách Thành Lực, Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc hơn 800 sản phẩm của hơn 70 doanh nghiệp được đóng dấu kiểm định khống, bỏ qua khâu kiểm nghiệm, vừa được phát hiện tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.

“Người tiêu dùng các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn được cấp phép khống có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tại tòa án về các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa; đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan đó bồi thường thiệt hại do sử dụng hàng hóa không đảm bảo chất lượng”.

Luật sư Quách Thành Lực

Theo ông Lực, pháp luật đã quy định trình tự chặt chẽ để một sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện lưu thông trên thị thường. Vi phạm, bỏ qua hoặc làm giả một khâu nào đó quy trình này, đặc biệt là bỏ qua khâu khảo kiểm nghiệm sản phẩm là hành vi vi phạm luật nghiêm trọng. Đây là hành vi lừa dối cơ quan quản lý, lừa dối người tiêu dùng, làm người dân giảm lòng tin vào giá trị giấy phép lưu hành sản phẩm của cơ quan nhà nước, không tin vào chất lượng các sản phẩm lưu thông ngoài thị trường…

Theo luật sư Lực, hành vi làm khống công văn của Tổng cục Thủy sản để đưa những sản phẩm không qua kiểm nghiệm, không đủ điều kiện lưu hành vào danh mục sản phẩm được phép lưu hành có dấu hiệu của “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức…, nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trong trường hợp các cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu là hành vi “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 284 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có hành vi nói trên bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Tổng cục Thủy sản bị kiện ngược

Theo ông Dương Văn Cương, Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, hiện Tổng cục đã xử lý về mặt quản lý nhà nước với 8 cán bộ, viên chức của Trung tâm 3K và Văn phòng Tổng cục. Trong đó, đã cách chức, khai trừ Đảng với ông Bùi Đức Quý - nguyên Giám đốc Trung tâm 3K (sau đó làm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản).

Theo ông Cường, việc thu hồi các sản phẩm đã được ghép khống vào phụ lục đang được địa phương triển khai, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Ông cũng cho hay, sau khi Tổng cục Thủy sản xử lý vụ việc trên, tình hình ổn định và không có bức xúc. “Quy định kết luận vụ việc giải quyết tố cáo, chúng tôi đã công khai trên bảng tin của Tổng cục”- ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Tiền Phong, sau vụ việc trên, một trong số 8 cán bộ, viên chức bị xử lý đã có đơn thư khiếu kiện ngược Tổng cục Thủy sản. Do có vấn đề, nên hiện Thanh tra Bộ NN&PTNT đang vào cuộc tiếp tục thanh tra, làm rõ các nội dung trong vụ cấp khống hơn 800 sản phẩm tại Tổng cục Thủy sản.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản- ông Vũ Văn Tám cho biết: “Chúng tôi đã vào cuộc và xử lý quyết liệt những cá nhân liên quan từ phía quản lý nhà nước, còn xử lý hình sự là ở cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiện, Thanh tra Bộ cũng đang vào cuộc để thanh tra vấn đề liên quan đến vụ việc. Chúng tôi sẽ có thông tin chính thức về vụ việc này trong thời gian tới”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử nghiêm việc “kiểm định khống”

Liên quan việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản, ngày 21/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016.

Văn Kiên

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm
'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm

Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm... nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý sai phạm tại Tổng cục Thủy sản còn quá nhẹ

'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm

'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm

Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm... nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý sai phạm tại Tổng cục Thủy sản còn quá nhẹ

Chính phủ vào cuộc vụ kiểm định khống 800 sản phẩm thức ăn thủy sản
Chính phủ vào cuộc vụ kiểm định khống 800 sản phẩm thức ăn thủy sản

VOV.VN -Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra, có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Chính phủ vào cuộc vụ kiểm định khống 800 sản phẩm thức ăn thủy sản

Chính phủ vào cuộc vụ kiểm định khống 800 sản phẩm thức ăn thủy sản

VOV.VN -Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra, có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.