Cùng chiếm đoạt tài sản, tham ô khác lạm dụng tín nhiệm như thế nào?

VOV.VN - Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tuy cùng nhằm mục đích tước đoạt quyền sở hữu tài sản của người khác nhưng có nhiều điểm khác nhau về dấu hiệu và chủ thể phạm tội.

Theo quy định tại điều 353 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì tham ô là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Chức vụ, quyền hạn và tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp này phải có mối quan hệ với nhau. Vì có chức vụ, quyền hạn nên mới được quản lý tài sản và nhờ vào đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mình quản lý.

Cũng tương tự như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội tham ô không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, được thực hiện do cố ý trực tiếp, nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội thì mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội tham ô tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Phóng viên VOV trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư đồng đội để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tội tham ô tài sản,

PV: Luật sư có thể cho biết thế nào là tham ô tài sản?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Dưới góc độ ngôn ngữ, tham ô là động từ diễn tả hành động lợi dụng quyền hạn hoặc chức trách để ăn cắp của công. Dưới góc độ pháp lý, tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

PV: Tội tham ô tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản. Vậy làm sao để phân biệt được hai tội này, thưa luật sư?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Tội tham ô tài sản là một trong các hành vi của tội tham nhũng. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là lạm dụng lòng tin vay mượn, hoặc nhờ các mối quan hệ lấy tài sản người khác, sau đó là bỏ trốn và không thanh toán.

Hai tội này có rất nhiều điểm khác nhau. Thứ nhất là khái niệm. Đối với tội tham ô, đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý với giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên.

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình, hoặc cho người khác mình quan tâm bằng thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm có giá trị là 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, hoặc dưới 4.000.000 đồng.

Thứ hai, khác nhau về chủ thể. Chủ thể đối với tội tham ô là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Đối với tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, người đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Về dấu hiệu của phạm tội. Trường hợp phạm tội tham ô, là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt, đánh tráo tài sản do mình quản lý thành tài sản cá nhân, làm mất đi một khối lượng tài sản nhất định của Nhà nước, hoặc cơ quan, tổ chức mà người đó quản lý.

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, là lợi dụng lòng tin của người khác để vay mượn, thuê tài sản hoặc uy hiếp tinh thần chủ tài sản buộc họ giao tài sản, sau đó sử dụng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn chiếm đoạt tài sản vào mục đích bất hợp pháp.

Về căn cứ pháp lý, ở đây có hai điều luật. Điều Luật tội Tham ô là Điều 353 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017.

Về mức phạt tù, đối với tội tham ô, mức phạt cao nhất là tử hình. Nhưng đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ 12 năm tù đến 20 năm tù. Chình vì vậy, khung hình phạt đối với hai tội này rất khác nhau.

PV: Như vậy, người phạm tội tham ô tài sản phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản và tài sản chiếm đoạt mà họ có trách nhiệm quản lý. Vậy, người phạm tội này phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật, thưa luật sư?

Luật sư Trần Xuân Tiền: Pháp luật cũng đã quy định rất rõ tại Điều 353 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Theo đó, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100. 000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo tính chất, mức độ. Ngoài các hình phạt chính, hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và hình phạt này cũng được áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản.

Xưa đến nay, chúng ta cứ nghĩ tham ô chỉ là của Nhà nước của công, nhưng vừa rồi chúng ta đã mở rộng ra là đối với cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước, được giao nhiệm vụ mà chiếm đoạt thì vẫn xác định đấy là tội tham ô.

Cán bộ, công chức, viên chức luôn được điều chỉnh bằng luật thi đua, khen thưởng. Như vậy, nếu anh thất thoát ít thì bị kỷ luật, cảnh cáo, khiển trách hoặc buộc thôi việc.

PV: Luật sư vừa nêu thì người phạm tội tham ô tài sản có thể bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Nhưng mà theo ý kiến của luật sư thì hình phạt đối với tội danh này liệu đã đủ sức răn đe?

Về sức răn đe, tham ô khung cao nhất tử hình. Trên thế giới thì đã nhiều nước bỏ những án tử hình, Việt Nam vẫn duy trì án tử hình. Đó là thể hiện sự răn đe rất mạnh.

Con người ta bị tước đi quyền sống là răn đe rất lớn. Hai nữa là, với mức độ tham ô chỉ 2.000.000 trở lên. Với mức giá hiện đại, nhiều người thấy rằng 2.000.000 là rất nhỏ. Nhưng vì bảo vệ khách thể, bảo vệ các quyền tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp thì trên 2.000.000 và thậm chí dưới 2.000.000 bị vi phạm, bị kỷ luật hoặc là đã tái phạm thì vẫn xử lý.

Tôi cho rằng, mức hình phạt như vậy là không nhẹ. Vấn đề chúng ta xử lý phải đúng người đúng tội, đúng pháp luật, đúng hành vi.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sập sàn Forex: Trắng tay vì dại hay vì tham?
Sập sàn Forex: Trắng tay vì dại hay vì tham?

VOV.VN - Chỉ khi người tham gia không còn ảo tưởng vào sự giàu lên nhanh chóng, ảo mộng chỉ “ngồi mát ăn bát vàng” thì khi đó những sàn ngoại hối trái phép mới thực sự không còn đất sống.

Sập sàn Forex: Trắng tay vì dại hay vì tham?

Sập sàn Forex: Trắng tay vì dại hay vì tham?

VOV.VN - Chỉ khi người tham gia không còn ảo tưởng vào sự giàu lên nhanh chóng, ảo mộng chỉ “ngồi mát ăn bát vàng” thì khi đó những sàn ngoại hối trái phép mới thực sự không còn đất sống.

Khởi tố 2 lãnh đạo xí nghiệp về tội tham ô tài sản
Khởi tố 2 lãnh đạo xí nghiệp về tội tham ô tài sản

VOV.VN - Giám đốc và Phó giám đốc xí nghiệp đã nhiều lần chỉ đạo một số nhân viên dưới quyền mang những thùng hóa chất vốn được hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản bán ra ngoài để thu lời.

Khởi tố 2 lãnh đạo xí nghiệp về tội tham ô tài sản

Khởi tố 2 lãnh đạo xí nghiệp về tội tham ô tài sản

VOV.VN - Giám đốc và Phó giám đốc xí nghiệp đã nhiều lần chỉ đạo một số nhân viên dưới quyền mang những thùng hóa chất vốn được hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản bán ra ngoài để thu lời.

6 tháng, Thái Nguyên phát hiện, khởi tố 4 vụ án về tham nhũng
6 tháng, Thái Nguyên phát hiện, khởi tố 4 vụ án về tham nhũng

VOV.VN - Cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố 4 vụ án với 6 bị can trong đó có 3 vụ tham ô tài sản  và 1 vụ phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

6 tháng, Thái Nguyên phát hiện, khởi tố 4 vụ án về tham nhũng

6 tháng, Thái Nguyên phát hiện, khởi tố 4 vụ án về tham nhũng

VOV.VN - Cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố 4 vụ án với 6 bị can trong đó có 3 vụ tham ô tài sản  và 1 vụ phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.