Người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) giữ gìn và quảng bá tiếng mẹ đẻ

VOV.VN - Khi số lượng người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) ngày một tăng, việc giữ gìn và quảng bá tiếng Việt cũng ngày càng được quan tâm đặc biệt.

Trong những năm gần đây, số lượng người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Đài Loan (Trung Quốc) ngày một tăng, hiện là một trong những cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại đây, khoảng hơn 400.000 người, trong đó cô dâu Việt là 90.000 người và thế hệ thứ 2 là 200.000 người.

Cộng đồng người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) vẫn luôn gìn giữ những giá trị truyền thống.

Bởi vậy việc giữ gìn và quảng bá tiếng Việt là một vấn đề được cộng đồng người Việt tại Đài Loan đặc biệt quan tâm.

Bé Dương Nhài Văn, học sinh lớp 4, có bố là người Đài Loan, mẹ là người Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Đào Viên, Đài Loan, nhưng có thể đọc thơ bằng tiếng Việt, nói tiếng Việt lưu loát, thậm trí hiểu cả các phong tục tập quán của người Việt Nam. Đây chính là thành quả lớn nhất mà người mẹ Việt của bé, chị Bùi Thị Thu, có được sau những năm tháng miệt mài truyền dạy tiếng mẹ đẻ và văn hoá truyền thống cho những đứa con và người thân trong gia đình ngay tại Đài Loan.

Chị Thu chia sẻ: “3 năm trước, Bộ giáo dục Đài Loan mở lớp đầu tiên đào tạo các cô dâu Việt dạy các con học tiếng Việt. Tôi cũng tham gia học. Lớp học rất đông. Sau khi học xong, tôi mở lớp dạy tiếng Việt cho chồng, con, bạn học của con, tất cả 8 người, một tuần một buổi vào ngày chủ nhật. Mọi người rất hào hứng học”.

Còn chị Trần Hoàng Phượng người Thành phố Hồ Chí Minh, lấy chồng Đài Loan và hiện là giảng viên trường Đại học Chính Trị Đài Loan lại đến với ý tưởng gìn giữ, quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt theo một cách khác. Thời gian đầu, với mong muốn giúp cô dâu Việt khắc phục rào cản lớn nhất về ngôn ngữ trong việc hoà nhập với gia đình nhà chồng, chị đã mạnh dạn mở lớp dạy tiếng Trung cho chị em người Việt.

chị Trần Hoàng Phượng người Thành phố Hồ Chí Minh, lấy chồng Đài Loan và hiện là giảng viên trường Đại học Chính Trị Đài Loan.

Tuy nhiên ngay sau đó, khi những người chồng, rồi mẹ chồng Đài Loan cũng tỏ ý muốn được học tiếng Việt, để hiểu hơn vợ và con dâu cũng như văn hóa đất nước nơi họ sinh ra, năm 2003, chị Phượng đã mở lớp tiếng Việt đầu tiên tại trường Đại học Mở, nơi chị làm việc khi mới sang Đài Loan.

Không dừng lại ở việc dạy tiếng Việt cho những người thân gia đình bên chồng các cô dâu Việt, chị Phượng còn khát khao thực hiện ước mơ quảng bá tiếng Việt tại Đài Loan để người dân ở đây có cái nhìn đúng đắn về giá trị con người Việt Nam.

Sau 7 năm tự mình biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt, trong năm học này, môn tiếng Việt đã chính thức trở thành một trong những môn học bắt buộc tại trường Đại học Chính Trị, nơi chị đang công tác.

Sau 2 năm, với 22 học phần, các bạn sinh viên sẽ lấy được văn bằng học trình tiếng Việt. Để có được những thành quả như vậy, chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn buổi ban đầu.

Chị Phượng tâm sự: “ Học kỳ đầu tiên chỉ có 2 sinh viên đăng ký học. Mình lo không biết nhà trường có đồng ý mở lớp không. Nhưng được sự ủng hộ của thầy hiệu trưởng mà mình lại đang muốn quảng bá tiếng Việt nên mình mừng lắm, 2 em cũng dạy luôn. Đến bây giờ thì mỗi lớp có khoảng 50 sinh viên. Lý do họ chọn học tiếng Việt rất rõ ràng, thứ nhất là vì văn hóa Việt Nam và Đài Loan có nhiều nét tương đồng.Thứ hai là họ khâm phục đức tính những người Việt Nam xung quanh rất hòa đồng, chịu khó, sống trong một môi trường khắc nghiệt nhưng luôn lạc quan.”               

Ngoài ra, từ những năm 2008 cho đến nay chị liên tục cộng tác với kênh Văn hóa và giáo dục Đài truyền hình Trung Hoa Đài Loan lên các chương trình dạy tiếng Việt với nội dung phong phú, hấp dẫn, thu hút lượng lớn khán giả ở nhiều độ tuổi và quốc tịch khác nhau, như chương trình “Càng nói càng hay”, "Mỗi ngày một câu", "Nhịp sống quanh ta"....

Chị Phượng tự hào nói: “Mình cảm thấy rất vui vì những gì cống hiến cho cộng đồng đã có được sự nhìn nhận thích đáng và sự tôn trọng. Cộng đồng người Việt ở đây có thể sống một cách tự hào, tự tin nói tiếng Việt. Văn hóa của Việt Nam đã được hòa nhập vào xã hội ở đây, trở thành một giá trị riêng trong văn hóa của Đài Loan, điều đó cũng có một ý nghĩa rất lớn.”

Chị Thu, chị Phượng chỉ là hai trong số nhiều người Việt Nam đang miệt mài truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt tại Đài Loan. Và nỗ lực của họ đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi.

Nhờ những buổi học đó, các thành viên trong gia đình họ và cả những người xung quanh đã hiểu nhau hơn, biết nhiều hơn về tiếng Việt, về đất nước con người Việt Nam, đồng thời trở thành sợi dây vô hình gắn kết tình cảm giữa họ ngày càng thêm khăng khít.

Anh Lý Sinh Sáng, có vợ là người Việt cho biết: “Tôi rất thích về Việt Nam, Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Con tôi cũng là người con của Việt Nam. Tôi đồng ý và rất vui khi con mình học tiếng Việt. Hiện giờ tôi cũng đang học tiếng Việt. Vợ tôi đang dạy chúng tôi.”

Được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền Đài Loan, việc học tiếng Việt giờ không chỉ dành riêng cho những người con có bố hoặc mẹ là người Đài Loan và Việt Nam mà sắp tới đây còn là môn học bắt buộc được đưa vào hệ thống giáo dục tiểu học ở Đài Loan.

Ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc cho biết: “Chính quyền Đài Loan rất quan tâm đến người di dân mới, trong đó có cộng đồng người Việt Nam. Họ đang có kế hoạch vào năm 2018 sẽ tổ chức dạy tiếng Việt tại các trường tiểu học ở Đài Loan, tạo điều kiện cho con em người Việt ở đây học tiếng mẹ đẻ.”

Ông Trần Duy Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc.

Đây thật sự là một điều đáng mừng đối với cộng đồng người Việt tại đây. Cuộc sống khắc nghiệt với đầy rẫy những khó khăn, rào cản xã hội đã không thể làm họ chùn bước. Những nỗ lực trong việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ, truyền bá những giá trị văn hoá truyền thống của họ nơi xứ xa đã được đền đáp xứng đáng và giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội Đài Loan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc thi Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan
Cuộc thi Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan

VOV.VN - Đây là cuộc thi về nghiên cứu khoa học lớn nhất dành riêng cho sinh viên Việt Nam tại Đài Loan.

Cuộc thi Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan

Cuộc thi Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan

VOV.VN - Đây là cuộc thi về nghiên cứu khoa học lớn nhất dành riêng cho sinh viên Việt Nam tại Đài Loan.

Bà con người Việt tại Đài Loan vui "Xuân quê hương" ấm áp
Bà con người Việt tại Đài Loan vui "Xuân quê hương" ấm áp

VOV.VN - "Xuân quê hương" là hoạt động thường niên nhằm gặp mặt bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

Bà con người Việt tại Đài Loan vui "Xuân quê hương" ấm áp

Bà con người Việt tại Đài Loan vui "Xuân quê hương" ấm áp

VOV.VN - "Xuân quê hương" là hoạt động thường niên nhằm gặp mặt bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

Ảnh: Người Việt tại Đài Loan hân hoan gặp gỡ, thưởng thức món ăn Việt
Ảnh: Người Việt tại Đài Loan hân hoan gặp gỡ, thưởng thức món ăn Việt

VOV.VN - Hội chợ ẩm thực là dịp người Việt tại Đài Loan giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau thưởng thức các món ăn đặc trưng của quê hương nhân dịp Tết đến, xuân về.

Ảnh: Người Việt tại Đài Loan hân hoan gặp gỡ, thưởng thức món ăn Việt

Ảnh: Người Việt tại Đài Loan hân hoan gặp gỡ, thưởng thức món ăn Việt

VOV.VN - Hội chợ ẩm thực là dịp người Việt tại Đài Loan giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau thưởng thức các món ăn đặc trưng của quê hương nhân dịp Tết đến, xuân về.

Một trường học ở Đài Loan sắp dạy tiếng Việt
Một trường học ở Đài Loan sắp dạy tiếng Việt

VOV.VN - Một trường Trung học ở Cao Hùng Đài Loan vừa công bố kế hoạch mở câu lạc bộ Tiếng Việt để các học sinh người Việt được tiếp cận với tiếng mẹ đẻ.

Một trường học ở Đài Loan sắp dạy tiếng Việt

Một trường học ở Đài Loan sắp dạy tiếng Việt

VOV.VN - Một trường Trung học ở Cao Hùng Đài Loan vừa công bố kế hoạch mở câu lạc bộ Tiếng Việt để các học sinh người Việt được tiếp cận với tiếng mẹ đẻ.