14 tháng chống dịch COVID-19, những “chiến thắng” của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đánh giá là hình mẫu để chống dịch. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu trong nước cũng mang về kỳ vọng đến cuối quý III năm 2021, Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19.

Các trường hợp mắc COVID-19 lần đầu tiên được ghi nhận ngày 29/12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 120 triệu ca mắc và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Trải qua hơn một năm ứng phó với đại dịch, nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa đã được triển khai trên khắp thế giới; chương trình tiêm chủng vaccine đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và hiện đã có hơn 360 triệu liều được tiêm tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của virus và tiếp tục tác động sâu rộng tới sức khoẻ và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt

Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập ở cấp quốc gia và các cấp hành chính, kịp thời đề ra và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động; bám sát tình hình, bình tĩnh và chủ động ứng phó.

Trên quan điểm luôn đi trước một bước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng.

Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 3 đợt bùng phát dịch COVID-19, trong đó, giai đoạn 3 bắt đầu từ 25/01/2021 đến nay với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác.

Hơn một năm qua tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam đã bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...

Ngay từ những ngày đầu triển khai chống dịch, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc khẩn trương quyết liệt, chủ động và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất. Cùng với sự đồng lòng của toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được đánh giá cao với một mô hình phòng chống dịch hiệu quả có chi phí thấp.

Đợt dịch gần nhất tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố đã kiểm soát thành công, để người dân đã được đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an toàn, an tâm, an vui. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn nhân dân đã đồng lòng chống dịch  (Nguồn Bộ Y tế)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tiếp theo. Tại khu vực Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Một số quốc gia đã đạt được kết quả ban đầu khả quan trong nghiên cứu, phát triển vaccine, song phần lớn các quốc gia chưa tiếp cận được vaccine do khan hiếm nguồn cung; ngay tại các quốc gia đang tiêm vaccine cũng chưa thể tiêm đầy đủ cho dân số trong nước.  

Trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Việt Nam xác định nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép. Trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và vaccine trong nước dự kiến tới cuối quý III 2021 Việt Nam mới có thể có vaccine.

Thực hiện Nghị quyết số 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai thực hiện mua và triển khai tiêm chủng cho người dân. Trong đó, Chương trình COVAX Faclility do WHO và GAVI sáng lập, cam kết cung cấp vaccine và vật tư tiêm chủng miễn phí, khoảng 30 triệu liều. Ngày 26/02/2021, COVAX Facility có thư về việc từ nay đến tháng 5/2021 sẽ cấp khoảng 4,1 triệu liều vaccine đợt đầu tiên cho Việt Nam (vaccine do AstraZenecca sản xuất), số lượng phân bổ tiếp theo sẽ được COVAX thông báo sau. Tính đến 16h chiều 7/4, đã có tổng cộng 55.151 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố được viêm chủng vaccine.

Bộ Y tế cũng đang tiếp tục đàm phán với Pfizer, Johnson &Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)... để đa dạng hóa nguồn cung vaccine.

Để chủ động, không phụ thuộc vào nguồn vaccine COVID-19 nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiếp độ nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu và phát triển 3 loại vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (NANOGEN) đang tiến hành giai đoạn 2, chuẩn bị tiêm mũi 2 giai của đoạn 2 vào ngày 26/3/2021. Đây là vaccine có độ an toàn cao, bước đầu được đánh giá có khả năng sinh miễn dịch.

Vaccine Nano Covax sẽ nghiệm thu kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 vào tháng 5/2021 theo đúng tiến độ, tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3 từ tháng 5-9/2021 và nghiệm thu kết quả, đăng ký lưu hành vào khoảng tháng 9/2021. Dự kiến, hệ thống theo dõi đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ được thiết lập tại Việt Nam và một số nước ngoài từ tháng 9/2021-9/2022.

Hai vaccine COVID-19 còn lại cũng đang được các nhà khoa học trong nước đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu là Covivac của Viện Vaccine và Sinh Phẩm Y Tế (IVAC); và vaccine của Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Cụ thể, vaccine Covivac đã tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên của giai đoạn 1 vào ngày 15/3/2021.

Còn VABIOTECH đang đánh giá tiền lâm sàng vaccine và sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2021. Đặc biệt, nếu thành công vaccine của VABIOTECH có thể điều chỉnh để ngăn ngừa các biến thể của virus.

Đánh giá về tiến trình phát triển và thử nghiệm vaccine COVID-19, Bộ Y tế cho biết, các kết quả đầu tiên trong quá trình nghiên cứu 3 loại vaccine của Việt Nam, từ ngay trong phòng thí nghiệm, từ trước khi thử nghiệm lâm sàng đều rất tốt và khả quan.

Việt Nam bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine trong bối cảnh thay đổi so với những đánh giá hồi cuối năm 2020, khi nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, có những vaccine được WHO cấp phép và vaccine do từng nước tự cấp phép.

Theo các chuyên gia, trong những tuần tới đây WHO sẽ có hướng dẫn chính thức về việc thử nghiệm vaccine trên nguyên tắc so sánh với các vaccine đã được cấp phép. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 khẳng định yêu cầu cấp thiết phải có vaccine COVID-19, khi Việt Nam là quốc gia có 100 triệu dân và virus SARS-CoV-2 xuất hiện những biến thể thì người dân phải tiêm vaccine hằng năm.

Ngoài góc độ an toàn chống dịch COVID-19, Việt Nam đặt mục tiêu có vaccine của mình không chỉ cho đợt chống dịch này mà còn đối phó với dịch bệnh mới sau này.

Từ thực tế diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời qua thời gian triển khai các biện pháp phòng chống dịch kể từ đầu năm 2020, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Một là, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp ủy Đảng với sự nỗ lực, khẩn trương của chính quyền các cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo thần tốc, quyết liệt và đúng thời điểm ngay từ rất sớm, đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Có thể nói đây là một trong những điểm đặc biệt của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Với sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng chống dịch. 

Hai là, triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định với biện pháp chống dịch xuyên suốt các giai đoạn là “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn- dập dịch triệt để  - điều trị hiệu quả”.

Với quan điểm luôn đi trước một bước, ngành Y tế đã dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Từ đó liên tục mở rộng năng lực xét nghiệm và đến nay khả năng xét nghiệm của nước ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.

Ba là, vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), chú trọng vai trò chủ động của chính quyền các địa phương. Cụ thể, gần 15.000 tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy sức mạnh, nhanh chóng chặn đứng đợt dịch bùng phát ở khu vực miền Trung. 

Bốn là, minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Xác định rõ ngay từ đầu “thắng truyền thông mới thắng được dịch”.

Năm là, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các Bộ, ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành y tế và công an, quân đội và các ngành liên quan. Đặc biệt, lực lượng quân đội đã tham gia ngay từ phút đầu tiên trong ngăn chặn, cách ly từ Tết Canh tý đến nay; lực lượng công an trong truy vết, cách ly, phong tỏa…và nhiều lực lượng khác đã làm lên chiến thắng trong cuộc chiến này.

Sáu là, nâng cao uy tín trên trường quốc tế thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19. Ngay từ đầu dịch, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý, điều đó đã được tổ chức quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm COVID-19…

Bảy là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, với các cuộc hội chẩn trực tuyến liên viện, xuyên quốc gia để thảo luân, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tám là, ngành Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương chủ động chuẩn bị hậu cần, bao gồm tất cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, máy thở.

Chín là, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tất cả các hoạt động phòng, chống dịch trong lĩnh vực y tế, cũng như trong kiểm soát biên giới, quản lý người nhập cảnh, bảo hộ công dân... đều tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Nhờ những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 3%, là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020./.

Tác giả: Hoàng Lê/VOV.VN - Trình bày: Quang Huy

Thứ Năm, 06:39, 08/04/2021