Cục CSGT nói về đường dây 'logo xe vua' vừa bị triệt phá

VOV.VN - Khi nào cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới rõ được tội danh của các đối tượng trong đường dây bán "logo xe vua" cho tài xế... 

Liên quan đến đường dây bán 1.000 logo cho xe quá tải thu lợi từ 2,5 đến 3 tỷ đồng/tháng để vượt mặt cơ quan chức năng vừa bị Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an triệt phá, Cục CSGT đã chỉ đạo Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội và Thành phố HCM báo cáo sự việc.
Những chiếc logo được các đối tượng bán cho tài xế nhằm vượt mặt cơ quan chức năng.
Những chiếc logo được các đối tượng bán cho tài xế nhằm vượt mặt cơ quan chức năng.

Theo Tiền Phong, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông, Cục CSGT cho biết, khi nhận được thông tin về vụ việc, Cục CSGT đã có cuộc họp đồng thời chỉ đạo phòng CSGT các tỉnh/thành báo cáo về sự việc trên.

Theo trung tá Nhật, khi nào cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới rõ được tội danh của các đối tượng trong đường dây bán logo cho tài xế. 

Trường hợp “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn của người khác để trục lợi” phải làm rõ được người có chức vụ và quyền hạn có liên quan. Trường hợp không chứng minh được các đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi thì có thể là hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc các đối tượng tự tung tự tác để “Chiếm đoạt tài sản” thì phải chờ kết quả của cơ quan điều tra, trung tá Nhật nói.

Theo báo cáo của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an thành phố HCM phụ trách tuyến cao tốc thành phố HCM - Long Thành – Dầu Dây khẳng định, không có loại xe dán những loại logo như trên hoạt động trên địa bàn.

Trung tá Nhật cho rằng, các loại xe dán logo trên thường chở đất, đá hoạt động ở cung đường ngắn, việc này phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra mới rõ. Việc bán logo hoạt động ở địa bàn phía Nam chưa có dấu hiệu hoạt động ngoài Bắc.

Trả lời VTC News chiều 28/8, Đại tá Trần Thanh Trà - Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết khoảng đầu năm 2015, PC67 đã tiếp nhận thông tin một số đối tượng mua bán "logo xe vua" cho xe tải, “bảo kê” qua mặt CSGT, Thanh tra giao thông...
Chú thích ảnh
Đại tá Trà cho biết thêm, PC67 đã đặt 3 trạm cân tại xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu vực gần cầu Phú Mỹ để xử lý xe quá tải và các phương tiện có dán "logo xe vua”
Từ đầu tháng 7 đến nay, PC67 đã xử lý gần 500 trường hợp xe quá tải, trong đó có 217 trường hợp xe dán logo “Garage Thành Đô”, 165 trường hợp xe gắn logo “Xe chở hàng”, 14 trường hợp xe tải dán logo “Tam Kỳ”, 17 trường hợp xe tải dán logo “Dịch vụ vận chuyển hàng” và một số logo như chuột Mickey, Hồng Loan...
"Trong gần 500 trường hợp bị xử lý nói trên, không trường hợp nào có dấu hiệu được “bảo kê” hoặc CSGT tiếp tay. Người dân phát hiện các đối tượng rao bán logo cũng như các cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến việc bảo kê, bán logo thì báo cho Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt PC67 theo đường dây nóng 08.388.875.21” - ông Trà nói.

Một lãnh đạo Đội CSGT huyện Bình Chánh cho rằng, trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2015, Ban giám đốc CATPHCM, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt CA TP.HCM đã gửi Công văn chỉ đạo đơn vị CSGT huyện Bình Chánh đề nghị xử lý nghiêm các xe tải gắn “logo xe vua”, khi gặp xe có gắn "logo xe vua” vẫn xử phạt bình thường nếu vi phạm.

Khi hỏi về logo mang thương hiệu “Garage Thành Đô” có địa chỉ Trần Đại Nghĩa, Lê Minh Xuân (thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM), vị lãnh đạo CSGT Bình Chánh khẳng định: “Chúng tôi không có quen biết gì với những đối tượng mua bán hay các tài xế xe gắn logo xe vua. Họ gắn logo gì hay như thế nào là chuyện của họ, khi nào họ vi phạm thì xử lý, còn không thì thôi”.

Trước đó, ngày 27/8, ông Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng C45 cho biết, các đối tượng bán logo cho xe quá tải với giá trung bình từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, sau đó bảo kê cho các xe này vượt các trạm kiểm soát của lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông. Cụ thể, C45 kiểm tra một căn nhà tại địa bàn TPHCM, bắt 7 đối tượng có hành vi mua bán logo xe vua. Theo ông Hồ Sỹ Tiến, trong 7 đối tượng có Thới và Vân tự nhận là người nhà của ngành giao thông.

Chiều cùng 28/8, Đại tá Vũ Hoàng Kiên – Cục phó Cục Cảnh sát hình sự (C45) – Trưởng ban Chuyên án cho biết, chuyên án vẫn đang tiến hành điều tra mở rộng, chưa kết thúc. 

“Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng trinh sát hình sự tiếp tục truy bắt các đối tượng còn lại, trong đó có đối tượng cầm đầu đường dây mua bán logo xe vua Trần Văn Thới đã bỏ trốn".
Trước đó, trưa 26/8, lực lượng trinh sát hình sự C45 Bộ Công an bí mật ập vào bắt giữ 7 đối tượng trong đường dây mua bán “logo xe vua” tại TP.HCM, trong đó xác định 2 kẻ cầm đầu (1 đã bỏ trốn). 
Các đối tượng tự nhận mình có quen biết, là người nhà của cán bộ trong ngành giao thông như CSGT, thanh tra giao thông, có thể “bảo kê” cho các xe vi phạm Luật giao thông, chở hàng quá khổ, quá tải… trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. 

Tài xế nào có nhu cầu mua “logo xe vua” thì nhóm đối tượng bán với giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo/xe/tháng. Mỗi tháng bán trên 1.000 logo, thu lợi bất chính lên đến nhiều tỷ đồng/tháng./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên