Xây sân bay Lai Châu 8.000 tỷ: Lấy tiền ở đâu?

VOV.VN - Nhiều quan điểm cho rằng việc xây dựng sân bay Lai Châu là cần thiết nhưng hiện tại việc huy động và thu hồi vốn sẽ gặp nhiều khó khăn.

UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm ở đây như Đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai với thành phố Lai Châu, đặc biệt sân bay Lai Châu.

Nhiều ý kiến cho rằng chưa nên xây dựng sân bay Lai Châu vào thời điểm hiện tại. (Ảnh minh họa: KT)
Theo UBND tỉnh Lai Châu, Dự án xây dựng sân bay Lai Châu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I hết khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là loại sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng.

Trước đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của việc xây dựng sân bay dành cho các loại máy bay nhỏ ở đây.

Dư luận hiện đang quan tâm đến việc tỉnh Lai Châu sẽ lấy ở đâu ra 8.000 tỷ đồng để xây sân bay?

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, 8.000 tỷ đồng đề xuất để xây dựng sân bay Lai Châu không phải là vốn Nhà nước mà là vốn tư nhân hay còn gọi là vốn xã hội hóa.

Theo ông An, hiện tại các doanh nghiệp của tỉnh và cả nhà đầu tư ngoài tỉnh rất tích cực ủng hộ dự án này. Các doanh nghiệp đều tin tưởng có uy tín, có năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và công nghệ để xây dựng sân bay - tạo cú hích cho sự phát triển của tỉnh Lai Châu.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc đầu tư sân bay Lai Châu là một trường hợp đặc biệt, có ý nghĩa địa chính trị, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Bởi vì với địa thế núi rừng hiểm trở, sân bay Điện Biên có công suất hạn chế nên có thể cần sân bay Lai Châu để tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế của Lai Châu và của cả vùng.

Để có nguồn vốn xây dựng sân bay, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, vốn đầu tư do Tổng công ty Cảng Hàng không đảm nhận, cần tìm hiểu thêm thông tin về nguồn vốn và tiến độ xây dựng sân bay Lai Châu trong điều kiện vốn ngân sách dành cho đầu tư rất khó khăn hiện nay. 

“Tuy vậy, với kinh tế và dân số hiện nay, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, bài toán kinh tế để sân bay Lai Châu có lãi là một thách thức. Có thể sẽ phải bù lỗ cho sân bay Lai Châu trong một thời gian nhất định”, ông Doanh cho biết.

Cũng theo thông tin từ vị chuyên gia này, Việt Nam hiện nay đang vận hành 21 sân bay dân sự, trong đó có 9 sân bay quốc tế, trong đó có một số sân bay có khoảng cách gần và lượng hành khách thấp, gây tranh cãi như sân bay Thanh Hóa và Vinh.

Việc xây dựng sân bay và quản lý sân bay thuộc Tổng công ty Cảng hàng không chịu trách nhiệm đầu tư và quản lý, cho đến nay chỉ có sân bay Cát Bi do Hải Phòng đầu tư tiền vốn nhưng có cơ hội kinh tế, thương mại.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – ông Trần Bắc Hà nêu quan điểm: “Về việc xây dựng sân bay, theo tôi chắc phải xem lại bởi Sapa – Lào Cai là sân bay cấp 4E, theo nguyên tắc là xã hội hóa và theo thông lệ điểm sân bay cự ly đường bộ khoảng dưới 300 km".

Theo ông Hà, từ Lai Châu tới sân bay Điện Biên khoảng 4 tiếng đồng hồ còn về Lào Cai chỉ khoảng 2 tiếng. Có sân bay là có khách, nhưng với các điểm du lịch ở Lai Châu, đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cho một sân bay về lâu dài thì cần, nhưng hiện tại, ông cho rằng chưa phải trọng điểm tập trung.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia cao cấp về tài chính ngân hàng trả lời trên Diễn đàn Đầu tư cũng cho rằng, việc xây dựng một sân bay cho Lai Châu là không cần thiết tại thời điểm này. Bởi vì, ngân sách của Lai Châu hiện cũng không đủ cáng đáng mà ngân sách quốc gia thì lại đang bội chi và gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc xã hội hóa dự án sân bay Lai Châu theo nghĩa huy động vốn từ dân chúng cũng không khả thi, vì sân bay là một dự án dài hạn, cần nhiều năm để có thể lấy lại được vốn bỏ ra. Vì thế dự án sẽ khó có thể kêu gọi vốn tư nhân.

“Vay vốn từ các tổ chức quốc tế lại càng khó hơn vì họ sẽ đòi hỏi bảo lãnh của Chính phủ. Về mặt lợi ích kinh tế một sân bay tại Lai Châu có thể làm tăng hoạt động du lịch đến vùng này, nhưng chi phí bỏ ra rất lớn so với lợi ích đem lại trong ngắn hạn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ xây dựng 3 sân bay vùng Tây Bắc
Sẽ xây dựng 3 sân bay vùng Tây Bắc

VOV.VN - Cục Hàng không Việt Nam có kế hoạch đầu tư xây Cảng Hàng không Nà Sản, sân bay Lai Châu và Cảng hàng không Lào Cai.

Sẽ xây dựng 3 sân bay vùng Tây Bắc

Sẽ xây dựng 3 sân bay vùng Tây Bắc

VOV.VN - Cục Hàng không Việt Nam có kế hoạch đầu tư xây Cảng Hàng không Nà Sản, sân bay Lai Châu và Cảng hàng không Lào Cai.

Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu cải thiện mạnh môi trường đầu tư
Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu cải thiện mạnh môi trường đầu tư

VOV.VN -Sáng 23/4, tại Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất.

Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu cải thiện mạnh môi trường đầu tư

Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu cải thiện mạnh môi trường đầu tư

VOV.VN -Sáng 23/4, tại Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất.

Bộ Giao thông: Khẩn trương xúc tiến xây dựng sân bay Long Thành
Bộ Giao thông: Khẩn trương xúc tiến xây dựng sân bay Long Thành

VOV.VN - Công tác huy động các nguồn vốn để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án.

Bộ Giao thông: Khẩn trương xúc tiến xây dựng sân bay Long Thành

Bộ Giao thông: Khẩn trương xúc tiến xây dựng sân bay Long Thành

VOV.VN - Công tác huy động các nguồn vốn để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án.