Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương phải giãn cách, cách ly xã hội, một lần nữa đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh lao đao, khó khăn lại chồng chất khó khăn, nếu không được tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp khó có thể vực dậy trong bối cảnh khó khăn này.

Theo khảo sát với gần 10.200 doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc vào cuối tháng 3/2021 – thời điểm chưa bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 4 - của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của dịch Covid-19, 87% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp cho biết “đã đến giới hạn của sức chịu đựng”.

Hình ảnh các cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội đóng cửa vì dịch Covid-19

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trải qua thời gian kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, sức khỏe của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực đều bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhất là phải kể tới lực lượng doanh nghiệp nằm trong khối dịch vụ, du lịch, vận chuyển, bán lẻ. Mặt khác, dịch Covid-19 cũng đang tạo ra xu thế tiêu dùng mới, đó là người dân mua sắm trực tuyến nhiều hơn, điều này một mặt tạo hiệu quả trong phòng chống dịch, nhưng cũng đang khiến cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng lớn đến lưu thông hàng hóa, nguồn cung ứng nguyên liệu thiếu hụt, làm giảm nhịp độ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.

“Do khó khăn của kinh tế nói chung, ngày càng nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa và phá sản dẫn tới hàng loạt lao động bị mất việc làm. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn và buộc nhiều doanh nghiệp đứng trước thử thách rất khắc nghiệt”, ông Tô Hoài Nam nói.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, làn sóng Covid-19 thứ 4 đã tác động tiêu cực tới 12,8 triệu lao động gồm mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp đã chống chịu hết sức kiên cường từ năm 2020, nhưng khả năng chống chịu là có hạn.

"Chúng ta ưu tiên phòng chống dịch bệnh và vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân là vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều chỉ số kinh tế được công bố vừa qua cũng cho thấy nhiều lo ngại xuất hiện. Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 là 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 và đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay. Song số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại lên tới 70.200 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp mới thành lập. Tính trung bình, mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, chúng ta quan sát thấy hiện tượng số lượng DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN tham gia thị trường. Mặc dù quy luật thị trường có “sinh” có “tử’ và hiện tượng rút lui khỏi thị trường là bình thường, song rút lui ở mức độ quy mô lớn trong một kỳ quan sát như vậy là điều rất đáng lo ngại.

“Có thể thấy, môi trường kinh doanh còn quá khó khăn, những tác động của Covid-19 là vô cùng lớn”, TS Lê Duy Bình nhận định.

Khu phố Tây Bùi Viện vốn sầm uất khách du lịch thì giờ đây cũng đìu hiu.

Thực tế, trước khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 4, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã đưa ra một số quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp trước tình hình bình thường mới. Điển hình là Nghị định 52 được Chính phủ ban hành ngày 19/4 về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021. Quy mô giãn nộp thuế khoảng 115.000 tỷ đồng. Ðây là lần thứ ba Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh. Cách triển khai cũng được thay đổi theo hướng đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ khi mà người nộp thuế chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế.

Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 03 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn - giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng Covid-19.

Nhiều chính sách về hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp như điện, nước.. phục vụ sản xuất cũng đã và đang được triển khai. Dù vậy, tình trạng giãn cách kéo dài gây ra khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp là ách tắc doanh thu, trong khi vẫn phải gồng gánh nặng chi phí.

Theo ông Tô Hoài Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội… Việc ra đời và triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách trong thực tế thì đến nay những mục tiêu đề ra là chưa hiệu quả như mong muốn.

“Điểm nghẽn ở đây chính là khâu thiết kế thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp với thực tiễn, từng doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo… tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của doanh nghiệp, người dân”, ông Tô Hoài Nam chỉ rõ.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, gói hỗ trợ của Chính phủ đúng nhưng chưa trúng; triển khai rất chậm, hiệu quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong đó, có nguyên nhân như quá cầu toàn, "sợ" trách nhiệm của cán bộ thực hiện. Đơn cử, đến hết năm 2020, hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được hơn 12.800 tỷ đồng, tức khoảng 20,6% tổng giá trị, cho gần 13 triệu người. Đến đầu năm 2021, các bộ, ngành về cơ bản chỉ đề xuất tiếp tục kéo dài thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ... đã có.

Tổ may thực hiện cách giãn khi sản xuất.

Theo TS. Võ Trí Thành, hiện nền kinh tế vẫn rất cần một gói hỗ trợ đủ mạnh. Yêu cầu ở đây không chỉ là giúp người lao động, doanh nghiệp vượt khó, phục hồi, mà còn tạo tiền đề có tính nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, sáng tạo.

“Gói hỗ trợ lần hai đã được đề xuất. Bối cảnh hiện nay cũng đặt thêm những điểm đáng lưu ý đối với các giải pháp hỗ trợ. Trước hết là các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp gây ra. Thứ hai là gói hỗ trợ vừa có diện đủ rộng, vừa có điểm nhấn về lĩnh vực, ngành nghề. Thứ ba là hỗ trợ phải thúc đẩy cải cách, sáng tạo thích ứng với xu thế phát triển mới”, TS. Võ Trí Thành lưu ý.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn dồn dập vì Covid-19 hiện nay, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tài khóa theo hướng miễn giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lãi suất vốn vay…, nhiều chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố ổn định chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Vấn đề tưởng chừng như không có gì mới, song lại vô cùng cần thiết với doanh nghiệp hiện nay.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, vừa qua Chính phủ đã có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp như việc ban hành Nghị định số 52 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường ổn định với những chính sách dài hơi, đặc biệt các chính sách liên quan đến thuế. Việc xây dựng ban hành luật, quy định, chính sách trong bối cảnh mới là cần thiết song phải lưu ý sự phù hợp những biến động xã hội. Trong quá trình nghiên cứu cần cẩn trọng, nghiêm túc tuân thủ quy trình xây dựng luật, đặc biệt là thời điểm doanh nghiệp vô cùng khó khăn như hiện nay.

"Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ 2. Rõ ràng, việc xây dựng các luật, đặc biệt luật về thuế phải cẩn trọng tỉ mỉ, vừa cụ thể thận trọng, vừa phù hợp thực tiễn. Chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đây là những vấn đề mang tính lâu dài cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Cũng cần xây dựng trên nền tảng áp dụng trong thời gian lâu dài nhưng có khả năng dự báo trước sự thay đổi", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài những chính sách hỗ trợ, ông Tô Hoài Nam cho rằng, cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hướng tới mục tiêu giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch để họ tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp trong giai đoạn khó khăn. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh, theo đúng chủ trương của Chính phủ.

“Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, khi hoạt động giao thương truyền thống bị gián đoạn, theo tôi cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Như, các thủ tục hải quan, thuế phải đơn giản hóa hơn, hậu kiểm nhiều hơn để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi để cho doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu đầu vào để tiếp tục duy trì dòng chảy của hoạt động sản xuất”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Trong khó khăn chính sách ra đời nhưng việc triển khai phải đúng thời điểm, đúng vào giai đoạn doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, tiếp sức nhất chứ không chỉ là nằm trên giấy. Theo đó, cần phải có sự tính toán, nhanh nhạy để mỗi chính sách ra đời đều mang lại hiệu quả và có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Đồng thời, phải đa dạng đầu mối trung gian hỗ trợ để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách nhanh, hiệu quả nhất./.


Thứ Bảy, 06:00, 24/07/2021