Nghĩ về di sản lòng bâng khuâng

Tôi bâng khuâng nghĩ đến hai từ di sản, nghĩ đến đất nước, những gì còn đọng lại hôm nay, đụng tay vào di sản thấy quá khứ hiện về.

Một hôm tôi ngồi soạn lại những bức tranh còn lưu giữ được, hầu hết toàn tranh nhỏ, nhiều tranh vẽ cách đây 40 năm. Thời ấy giấy má khó khăn, tôi thường vẽ trên giấy báo lề xin được ở nhà in.

Mỗi bức tranh, một kí ức hiện về. Lúc này không thấy đẹp xấu, mà nó là chuỗi kỉ niệm đi đường từ Bắc Cạn đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Nhớ đến cả những huyện như Nà Hang, xã đã đi qua như Khuổi Súng ở sâu trong núi. Có lúc nhớ cả tên một người trong xóm như ông La Quý Vãng, người Dao. 

Có lúc còn nhớ lại cả tên cô Hin, cô em gái mình kí họa. Dù chỉ là những ghi chép vụng dại nhưng đây lại là cuộc sống tình cảm nghề của quá khứ, giá trị của nó không phải tác phẩm mà  là tình yêu một thời.

Ảnh minh họa: Đỗ Đức

Tôi bảo cần tiền, sẽ lọc ra một số để bán. Con tôi bảo: Bố cẩn thận giá cả. Nó tiếp: Thì giờ bố già rồi, còn vẽ được bao lâu nữa. Những tranh này của bố là di sản. Bán di sản khác với bán tranh bình thường.

Thì ra di sản là vậy. Những bức tranh để lâu có cái thành trầm tích.

Hôm trước có một nhà sưu tập vào chọn tranh. Những bức tranh từ 15  đến trên 20 tuổi. Ông cũng chọn thêm mấy bức mới vẽ cũng đẹp  tinh tươm.

Vì tiền có hạn, cuối cùng ông lấy mấy bức tranh tuổi cao, còn tranh mới, ông ta bảo đẹp nhưng chưa đủ thời gian để nó có giá trị. Thì ra nhà sưu tập cũng nhìn giá trị tranh theo thời gian.

Năm trước gặp một cậu du khách người châu Âu, tôi cho xem mấy bức tranh Đông Hồ gà lợn, có dễ đã in gần thế kỉ. Con bọ giấy đuôi dài thấy mùi hồ quện trên điệp, nó đã tranh thủ gậm nhấm rỗ chằng như bị đậu mùa, mà cậu ta cứ đòi mua. Cậu bảo đã vào làng Đông Hồ nhưng tranh mỏng cảm xúc lắm, in nhậm nhuội. Đồ rẻ tiền. Còn đây mới là tranh.

Quả tình vị khách tinh tường. Một thời tranh Đông Hồ, các cụ in dày dặn màu, ngay điệp cũng quét dày dặn. Thời gian trôi đi, hơi nước nóng ẩm cứ khô khô ướt ướt màu thấm qua nhau, tạo nên những sắc khác với ban đầu, gọi là tranh lên men. Người chơi tranh tinh mắt nhận ra ngay. Ông Tây chơi tranh này quả có tầm.

Những sản phẩm làm ra được thành di sản vì đằng sau nó là thời gian, là mồ hôi đọng, là chất xám trẫm mình trong đó. Với người làm nghề, đó là sự chuyển đổi giá trị. Những gì tinh túy đọng lại trong sản phẩm, còn chủ nhân thì bằng lòng với sự mất giá của mình.

Tôi bâng khuâng nghĩ đến hai từ di sản, nghĩ đến đất nước, những gì còn đọng lại hôm nay, đụng tay vào di sản thấy quá khứ hiện về.

Thế mà có lúc đau nhói: Cây được là di sản, nhà nước bỏ tiền ra thì được chăm sóc nhiều cây rụi nhanh, chết sạch. Mấy đình chùa được đánh giá di sản cũng có cơ hội tháo dỡ làm lại mới khi có tiền tu sửa. Họ nhân danh sự cách tân để cho rằng những trầm tích, di sản kia là lạc hậu, cũ kỹ…

Di sản, loại trầm tích chứa đựng giá trị tinh thần của đất nước và cả của những cá nhân đều đáng được sự bảo vệ đặc biệt vì giá trị của nó chỉ có một./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên