NSƯT Nghi Xuyên - Người kể chuyện cảnh giác

VOV.VN - Gần 40 năm gắn bó với tiết mục “Kể chuyện cảnh giác”, NSƯT Nghi Xuyên được thính giả nhiều thế hệ trong cả
nước yêu mến.

Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, vào tối thứ Bảy hàng tuần, thính giả trên mọi miền tổ quốc bắt đầu được lắng nghe một chuyên mục mới: Chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Người viết và trực tiếp kể những câu chuyện ấy chính là NSƯT, Thượng tá Nguyễn Xuân Mỡn với bút danh Nghi Xuyên…

Gần 40 năm gắn bó với tiết mục “Kể chuyện cảnh giác” của chương trình “Vì an ninh Tổ quốc”, Nghi Xuyên được thính giả nhiều thế hệ trong cả nước yêu mến. Hàng ngàn câu chuyện đã được ông sáng tác và kể lại cho thính giả nghe bằng giọng kể độc đáo, hấp dẫn của mình.

NSƯT Nghi Xuyên

Có lẽ những người gặp ông lần đầu ít ai có thể hình dung được người đàn ông hồn hậu, chất phác như một lão nông ấy lại là người đã song hành cùng với chuyên mục thành công nhất qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của chương trình Phát thanh Vì An ninh Tổ quốc: Chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”.

NSƯT Nghi Xuyên đến với chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” cũng hết sức tình cờ. Năm 1966, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng đồng chí Trần Lâm là hai người “chủ xướng” xây dựng chuyên mục này. Ý tưởng ban đầu là, chuyên mục nhằm đả phá bọn xâm lược, tay sai, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vậy là phóng viên Nghi Xuyên, do được đào tạo về biên kịch, lại có nghiệp vụ công an, nên ông được chuyển về phụ trách chuyên mục này.

Những ngày đầu ấy, theo như sau này ông kể lại là hết sức khó khăn. Ông vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. May mắn, ngày từ ngày đầu, chuyên mục đã được nồng nhiệt đón nghe và có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý, khen ngợi. Đó cũng chính là nguồn động viên vô cùng quý báu để Nghi Xuyên tiếp tục phấn đấu và tạo nên dấu ấn khó phai đối với bạn nghe Đài cả nước.

Những năm tháng ấy, chiếc đài bán dẫn và hệ thống loa phát thanh là người bạn thân thiết của mọi nhà. Cứ mỗi tối thứ Bảy, bà con trong làng xóm lại tập trung đến nhà ai có đài, hoặc đón chờ nghe chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” trên hệ thống loa truyền thanh của xã phường. Những câu chuyện vừa hết sức chân thật nhưng lại ly kỳ, hấp dẫn cho đến phút cuối của Nghi Xuyên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi tối thứ Bảy hàng tuần. Gần hai mươi năm liền, những câu chuyện ấy được chính tác giả kể lại, chứ không qua diễn xuất của các diễn viên thời gian sau 1985.

Để có được thành công, ông lăn lộn với thực tế, đồng thời tìm đọc qua sách báo, để rồi qua sự nhào nặn của ông, những câu chuyện trở nên sinh động, lôi cuối, ly kỳ, hấp dẫn đến từng chi tiết, từng diễn biết nghẹt thở, khiến người nghe không thể rời máy thu thanh.

Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông đã có mặt ở rất nhiều “điểm nóng”: Cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa, túi bom Ngã Ba Đồng Lộc, tuyến lửa Quảng Bình, địa đạo Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương (Quảng Trị)…Rất nhiều lần ông đối diện với tử thần, để rồi từ đó ông cho ra đời những tác phẩm ngồn ngộn chất liệu cuộc sống và trở thành những dấu ấn quan trọng trong lịch sử chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”: H5 là ai?”, “Bí mật căn hầm ngầm”, “Mùa hoa dẻ”, “Chiến công dâng Bác”, “Mật mã N02”, “Chiếc chìa khóa căn hầm số 8”, “Khách sạn Arirona”, “Biệt hiệu nai vàng”.v.v. Nhiều câu chuyện được thính giả yêu cầu phát lại nhiều lần.

Suy nghĩ về cấu tứ, nội dung các câu chuyện cảnh giác hầu như lúc nào cũng thường trực trong đầu ông như một thứ bệnh nghề nghiệp. NSƯT Nghi Xuyên làm việc say sưa không quản ngày đêm, trong đầu ông luôn nung nấu những ý tưởng để viết thành những câu chuyện cảnh giác. Kể cả trong những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời, ấy là khi người vợ hiền của ông vội vã ra đi năm 1979, vì một căn bệnh hiểm nghèo, để lại 3 đứa con thơ.

Một mình ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng chẳng khi nào ông ngừng suy nghĩ. Mừng thay, cuộc sống đã bù đắp cho ông phần nào, khi một cô em họ người vợ phận mỏng của ông đứng ra thay chị lo toan cho ông và các con. Từ đó, căn nhà ấm áp tiếng cười, và ông lại dồn được tâm trí vào công việc.

Đất nước thống nhất, yêu cầu tuyên truyền cũng thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài việc đập tan âm mưu của kẻ thù phá hoại nền kinh tế, chính trị từ bên trong và bên ngoài, lực lượng Công an còn đảm bảo an ninh trật tự, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội đang có xu hướng tăng lên trong nền kinh tế ngày càng phát triển. Bắt nhịp nhanh với những thay đổi ấy, NSƯT Nghi Xuyên viết kịch bản “Người cha bất hạnh” lên án lối sống suy đồi dẫn đến phạm tội của một số cá nhân (tác phẩm đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quốc lần thứ I); “Diêm vương xử án” (Huy chương Vàng tại Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quốc lần thứ II), “Lũ chuột đồng” lên án mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng tại thành thị cũng như nông thôn.

Nhức nhối với tệ nạn ma túy đang hoành hành, Nghi Xuyên đã đi đến nhiều tỉnh, tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm ma túy và đã viết hơn 30 kịch bản về những “cái chết trắng”. Ông cũng tập trung đi sâu vào chuyện đời, chuyện nghề, sự hy sinh mất mát của các chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm như “Những năm tháng ấy”, “Bão tố giữa tình thương”…

Ngoài việc cầm bút, suốt hàng chục năm trời, NSUT Nghi Xuyên còn trực tiếp giảng dạy hàng chục năm tại trường Cao đẳng Truyền hình. Với phương pháp giảng dạy độc đáo, chủ yếu là minh họa bằng những kinh nghiệm thực tế, ông cố gắng truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ học trò, góp phần đào tạo nên những thế hệ làm báo phát thanh giỏi cho đất nước nói chung và lực lượng CAND nói riêng.

Năm 2004, sau gần 4 thập kỷ cầm bút, “Người kể chuyện cảnh giác” về nghỉ hưu tại quê vợ Từ Sơn – Bắc Ninh. Trở về với ruộng vườn sau cả cuộc đời cống hiến nhưng ông vẫn thường xuyên quan tâm đến bước đi của thế hệ sau tại BBT Phát thanh Vì ANTQ cũng như chất lượng chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”. Bởi đơn giản với một người như ông ngọn lửa đam mê với nghiệp cầm bút không bao giờ tắt…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên