Xin hãy đáp đền tiếp nối!

VOV.VN - Nếu chúng ta quan tâm đến người khác nhiều hơn, chia sẻ khó khăn với họ, thế giới xung quanh sẽ ngàn lần tốt đẹp hơn

Nhớ một lần, tôi và đồng nghiệp có việc vào Viện Bỏng quốc gia. Bác sĩ trực bệnh viện hôm ấy bỗng kể: Đêm qua có một ca thảm thương lắm, vừa nhập viện!.

Bệnh nhân tên Phạm Thị Tiến, sinh năm 1977, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Cô bị bỏng 55 %, người cháy đen, quấn băng kín mít. Hôm ấy, Tiến đi làm về, mệt, nằm đắp chăn nghỉ thì bị chồng tưới xăng lên người, đốt (người chồng có bệnh tâm thần). Nghe tiếng kêu, mọi người đến dập lửa giúp nhưng lúc này Tiến đã bị cháy nửa mặt và bỏng toàn thân.

Người chị gái đi theo trông nom bệnh nhân, nhìn em mình nằm trên giường cấp cứu mà cứ khóc không thành tiếng. Gia đình Tiến là hộ cận nghèo, chồng mất khả năng lao động. Một mình cô bươn chải đi làm nuôi mẹ chồng đã tuổi và 3 đứa con. Các anh chị em ruột của cô cũng đều khó khăn…

Lúc ấy, tôi bỗng nhớ ra, Tiến sinh năm 1977. Thế là tôi nhấc máy điện thoại gọi cho nhóm Rắn vàng, nhóm bạn đồng Đinh Tỵ. Đến chiều hôm ấy, không ngoài dự liệu của tôi, sau khi trường hợp của Tiến được đưa lên mạng chỉ hơn 4 giờ đồng hồ, số tiền ủng hộ thu được là 40 triệu đồng, không nhiều nhưng cũng giúp gia đình cô trang trải lúc khó khăn.  

24.000 thành viên Rắn vàng 1977 trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội chắc có rất nhiều nhóm đồng niên, tuy nhiên vì có mấy người bạn sinh năm 1977, nên tôi chứng kiến nhiều nhất những việc làm thiện nguyện của nhóm Rắn vàng. Tính đến nay, nhóm có hơn 24.000 thành viên ở khắp các tỉnh thành trong nước và cả ở nước ngoài. Một cộng đồng lớn như vậy, dĩ nhiên mỗi ngày sẽ có những người không may gặp rủi ro. Họ liền được các bạn đồng niên mỗi người một tay, giúp đỡ. Nhanh và hiệu quả.  

Năm ngoái, có nhiều người sinh năm 1977 được nhóm giúp. Chị Nguyễn Thị Hiền ở Hải Dương bị tai nạn xe công-ten-nơ, mất một chân, được hỗ trợ trên 200 triệu đồng. Vợ chồng anh Lý Văn Dân ở Trùng Khánh - Cao Bằng, bị tai nạn cùng lúc qua đời, để lại 3 con nhỏ cùng mẹ già trên 80 tuổi. Nhóm giúp xây dựng lại ngôi nhà để 4 bà cháu ở cho chắc chắn, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương để làm thủ tục xin trợ cấp cho mẹ và con của anh Dân.

Chị Ma Thị Hiền, người Dao ở Định Hóa - Thái Nguyên có chồng bị tâm thần, con còn nhỏ; mà bản thân khi sinh ra đã dị tật, người bé như một đứa trẻ. Nhóm cũng giúp sửa nhà cho kiên cố và cùng một số tiền để lo cho cuộc sống.

Chị Nguyệt ở Phú Yên bị bỏng xăng được hỗ trợ 16 triệu đồng, anh Đào Văn Thành bị nổ mìn dẫn đến cụt tay và phải mổ mắt được hỗ trợ gần 200 triệu đồng… Còn rất nhiều trường hợp như thế đều được nhóm kịp thời chung tay giúp.  

Chị Vũ Hồng Hoa, một trong những thành viên chủ chốt của nhóm cho tôi biết: vào những đợt dịch Covid bùng phát, nhóm luôn nhanh chóng huy động mọi người quyên góp đồ thiết yếu hỗ trợ các y bác sĩ và bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện có dịch. Không chỉ giúp các bạn đồng niên, nhóm còn chung tay giúp các trường hợp khó khăn ở khắp nơi. Năm ngoái, khi miền Trung bị chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, Ban thiện nguyện đã kêu gọi và quyên góp được tiền mặt, hiện vật trị giá gần 500 triệu đồng để ủng hộ ngay lập tức cho bà con ở Quảng Bình và Quảng Trị. Năm 2020, tổng số tiền Ban thiện nguyện Rắn vàng kêu gọi được và đã trao đến người cần giúp là hơn 1 tỷ 200 triệu đồng.

Nhóm hoạt động trên mạng xã hội, tận dụng những ưu thế của mạng để lan tỏa nhanh nhất thông điệp và kết nối nhanh nhất mọi người.

Câu chuyện của một người tự tử hụt

Cách đây ít lâu, tôi có đọc được một câu chuyện trên OTOFUN, do chính người trong cuộc kể lại. Bạn trẻ ấy viết: Chuyện xảy ra đã gần 4 năm nay và cháu muốn tìm lại những cô, chú, anh chị đã giúp đỡ cháu trong thời gian đó. Năm 2017, cháu cãi nhau với gia đình, sau đó uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Cháu được đưa về Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu và điều trị. Nằm ở Bạch Mai một thời gian thì cháu đăng lên group này rằng rất thèm một bữa cơm canh như ở gia đình. Có cô tên là Bình, 22h đêm hôm đó đã nấu và mang cho đến cổng BV Bạch Mai cho cháu.

Cô đi xe Honda Citi màu nâu (cháu nhớ mang máng cô bảo là nhà cô ở phố cổ). Sau đó mọi người hỏi thăm tình hình và động viên cháu. Do nhà cháu ở vùng cao nên khó khăn, không đủ chi phí điều trị. Các cô chú đã xác nhận tình hình bệnh của cháu qua bác sĩ Chinh Luong và giúp cháu một số tiền để lọc máu. Đến hiện tại cháu chỉ nhớ được có chú Sơn Thanh Lê, chị Phương Cherry, chị Tamia Nguyen và cô Bình, còn lại thì cháu không nhớ được hết tất cả mọi người.

Năm đó, cơ hội sống của cháu rất ít. Cháu đã được các cô chú, anh chị động viên.  Trước khi ra viện, cháu có nói nếu sau này còn được sống cháu sẽ tìm lại các cô chú, anh chị để cảm ơn.

Đến nay mọi thứ của cháu đã tạm ổn, nhưng lại không có thông tin về tất cả các cô chú, anh chị hồi đó. Cháu mong ước tìm lại được các cô chú và anh chị để cảm ơn, và khoe với các cô chú rằng cháu của năm ấy nhờ được các cô chú, anh chị cứu, nay đã trưởng thành và có ích trong xã hội rồi đây…

Nhiều người đã vào chúc mừng bạn trẻ ấy- tên là Trung Pham, và đều nói rằng không cần phải tìm lại từng ân nhân hồi đó để cảm ơn. Họ đã có lòng giúp bạn, thể nào cũng có lòng tin bạn sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn và bước tiếp trong cuộc đời. Có một người gợi ý: Trung Pham hãy tiếp tục giúp người khác đi, giống như 4 năm trước đây bạn đã từng được giúp.

Đáp đền tiếp nối

Hãy tưởng tượng bạn đã cố gắng giúp đỡ một người nào đó, để đổi lại, bạn không yêu cầu người ấy trả ơn mình, thay vào đó, họ sẽ giúp đỡ 3 người khác. Mỗi người chịu ơn sẽ tiếp tục đi giúp đỡ 3 người khác nữa. Cứ như thế, lòng tốt lan rộng khắp. Cuộc sống chẳng phải vì thế mà sẽ tốt đẹp hơn sao?

Đó là câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Catherine Ryan Hyde, sau đó được dựng thành phim vào năm 2000. Câu chuyện bắt đầu khi thầy giáo giao cho học sinh bài tập về nhà là: “Bạn hãy nghĩ ra một điều có thể thay đổi thế giới này và hãy thực hành ngay”. Cậu bé Trevor McKinney đã đưa ra ý tưởng “pay it forward” (tạm dịch: đáp đền tiếp nối) bằng cách làm một điều tốt cho người khác, người này lại làm ơn cho người mới khác, và cứ thế, việc làm ơn này được truyền đi khắp nơi.

Ba người đầu tiên nhận được việc tốt của Trevor là một thanh niên nghiện ma túy, chính thầy giáo và người mẹ nghiện rượu của Trevor. Những nỗ lực của cậu bé đã tạo nên điều kỳ diệu không chỉ cho cuộc sống của chính cậu, mẹ cậu, thày giáo hay người nghiện kia; mà còn lan tỏa ra cộng đồng. Phản ứng dây chuyền về thực hành lòng tốt đã xảy ra ở khắp nơi.

Dù bộ phim kết thúc rất buồn với cái chết của nhân vật chính Trevor, nhưng đọng lại vẫn là câu nói của cậu khiến người ta phải suy nghĩ: “Cháu thấy mình phải quan tâm đến người khác nhiều hơn!”.

Cuộc sống vốn khó khăn, ai cũng có những vấn đề của riêng mình. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến người khác nhiều hơn, chia sẻ khó khăn với người khác, thế giới xung quanh sẽ ngàn lần tốt đẹp hơn.

Và nếu bạn đã từng nhận được sự giúp đỡ của mọi người, xin hãy đáp đền tiếp nối!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VOV trao 300 triệu đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19
VOV trao 300 triệu đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19

VOV.VN - Sáng 4/6, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam trao 300 triệu đồng ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19.

VOV trao 300 triệu đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19

VOV trao 300 triệu đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19

VOV.VN - Sáng 4/6, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam trao 300 triệu đồng ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19.

Chung tay ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19
Chung tay ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19

VOV.VN - Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã phát huy trách nhiệm, tùy theo điều kiện và khả năng của mình, tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19.

Chung tay ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19

Chung tay ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19

VOV.VN - Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã phát huy trách nhiệm, tùy theo điều kiện và khả năng của mình, tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19.