Đổi thay ở vùng quê cách mạng Tân Xuân, Bến Tre

VOV.VN - Một vùng quê vốn nghèo khó, đến nay đã vươn lên hòa với niềm vui chung của quê hương Đồng khởi anh hùng.

Tân Xuân là một xã vùng bãi ngang của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là một vùng quê cách mạng- nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của quê hương xứ dừa. Một vùng quê vốn nghèo khó, đến nay đã vươn lên hòa với niềm vui chung của quê hương Đồng khởi anh hùng.

Di tích cây Da Đôi tại xã Tân Xuân- nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre.

Tân Xuân không chỉ là địa phương vùng xa mà còn là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Bến Tre. Tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Cây Da Đôi, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre vào tháng 4 năm 1930. Các đảng viên lớp đầu tiên này nguyên là các hội viên của Chi bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội trước đó.

Chi bộ Đảng xã Tân Xuân, là hạt nhân lãnh đạo các phong trào cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tân Xuân đã từng là căn cứ của Tỉnh ủy Bến Tre, nơi đóng quân của nhiều đội quân chủ lực của ta và đã lập nên nhiều trận đánh vang dội . Do ảnh hưởng của chiến tranh và hạn mặn nên trước đây đời sống người dân xã Tân Xuân rất khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng, trường học rất hạn chế. Gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đầu tư, hỗ trợ trên mọi lĩnh vực kết hợp với sự phấn đấu vươn lên của người dân địa phương đã làm cho diện mạo vùng quê này “thay da đổi thịt’.

Đến nay,  ngoài 111 ha lúa 3 vụ, nông dân Tân Xuân còn phát triển được đàn bò thương phẩm trên 8.000 con. Ngoài ra người dân còn nhân rộng được trên 260 ha ao nuôi thủy sản các loại. Nhờ vậy mà đời sống người dân vùng quê này được nâng lên; thu ngân sách địa phương được 3 tỷ đồng/năm.

Tân Xuân hiện chỉ còn có  khoảng 330 hộ/3.400 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Các gia đình chính sách được chăm lo, phụng dưỡng có mức sống ngang bằng với mức trung bình ở khu dân cư. Qua các mô hình chăn nuôi kết hợp kinh doanh hay trồng lúa, rất nhiều hộ dân ở Tân Xuân đã có nguồn thu lãi vài trăm triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Nam- một cựu chiến binh ở xã Tân Xuân chia sẻ: “Đối với xã Tân Xuân thì hồi trước rất khó khăn. Khoảng 3 năm lại đây thì người dân phát triển tốt. Sản xuất về nông nghiệp và chăn nuôi bò, gần đây phát triển thủy sản. Nói chung  cuộc sống bây giờ rất ổn định”.

Qua phong trào thi đua sản xuất giỏi, địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, vượt khó vươn lên. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Lãm, thương binh 2/4 ở ấp Tân Thanh 3.  Với mô hình nuôi bò sinh sản kết hợp với kinh doanh dịch vụ, gia đình anh Trần Văn Lãm đã có nguồn lãi trên 200 triệu đồng/năm, được công nhận danh hiệu “nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”.

Nuôi bò thương phẩm- mô hình làm thoát nghèo của người dân Tân Xuân.

Anh Trần Văn Lãm chia sẻ: “Bản thân cũng cố gắng vượt qua những khó khăn, cũng học hỏi trong sản xuất kinh doanh và mọi việc làm ăn. Nhờ mô hình “ 5+1”, giúp đỡ có một số vốn, cố gắng phát triển kinh tế là chăn nuôi và kinh doanh. Hướng tới tôi cũng tiếp tục chăn nuôi, nuôi thêm con dê và kinh doanh tiếp để nâng cao đời sống”.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đến nay, xã Tân Xuân đã từng bước hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, vấn đề nước sạch trước đây rất nan giải nhưng nay đã có đường ống nước kéo khắp các ấp, người dân còn đầu tư xây hồ, bể… nên vào mùa khô này không còn sợ thiếu nước ngọt. Riêng trường học, trạm y tế đã được xây dựng, nâng cấp khá khang trang đảm bảo tốt cho việc học hành của học sinh cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đảng bộ xã Tân Xuân hiện có 17 chi bộ với 238 đảng viên. Phát huy truyền thống là chiếc nôi của tổ chức Đảng ở tỉnh Bến Tre, 5 năm liền Đảng bộ xã đạt danh hiệu “trong sạch- vững mạnh”. Đề cập đến những nhiệm vụ để phát triển kinh tế xã hội vùng quê cách mạng này, ông Nguyễn Quang Thu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân nói: “Tới đây chúng tôi sẽ tập trung xây dựng 2 tiêu chuẩn: một là xây dựng xã đạt nông thôn mới, thứ hai là xây dựng hoàn thiện đô thị loại 5. Chúng tôi tiếp tục vận động chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Trước mắt, vận động nhân dân cải tạo các loại cây tạp kinh tế kém chuyển trồng các loại cây khác. Mở rộng đàn bò, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là lộ nhựa, bê tông.  Chúng tôi phấn đấu ngang bằng hoặc vượt hơn các xã lân cận”.

Dẫu Tân Xuân còn nhiều gian khó do điều kiện khách quan, do tác động của biến đổi khí hậu nhưng những thay đổi của vùng đất này là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ - chính quyền và người dân địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để Tân Xuân tiếp tục vươn lên hòa nhập vào chương trình Đồng Khởi- khởi nghiệp mà tỉnh  Bến Tre đang thực hiện với quyết tâm cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Biểu dương hơn 700 đại biểu người có công với cách mạng
Biểu dương hơn 700 đại biểu người có công với cách mạng

VOV.VN - Hơn 700 đại biểu được biểu dương là các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đại diện cho hàng triệu người có công trong cả nước.

Biểu dương hơn 700 đại biểu người có công với cách mạng

Biểu dương hơn 700 đại biểu người có công với cách mạng

VOV.VN - Hơn 700 đại biểu được biểu dương là các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đại diện cho hàng triệu người có công trong cả nước.