Tổng thống Mỹ “thua trắng” trước FTA EU - Nhật Bản

VOV.VN - Việc chính quyền Mỹ ghét bỏ FTA và toàn cầu hóa đang tạo ra cảm hứng cho các nước khác tạo nên các sân chơi mới, hấp dẫn hơn.

Việc chính quyền Mỹ ghét bỏ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và toàn cầu hóa đang tạo ra cảm hứng cho các nước khác tạo nên các sân chơi mới, hấp dẫn hơn. Quan trọng là, Mỹ sắp bị "bỏ rơi" và thiệt thòi nhiều trong tương lai. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Flickr)
Liên minh châu Âu và Nhật Bản vừa công bố tin vui về một Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức cuối tuần qua. Sau 4 năm đàm phán, EU và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận chính trị rộng rãi về thỏa thuận này.

Các phác thảo chính của Hiệp định này cho thấy nó sẽ có quy mô đối trọng với Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico – thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khăng khăng đòi đàm phán lại. NAFTA có thể sẽ mất vị trí khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. 

Thỏa thuận thương mại tự do EU – Nhật Bản tự thân nó đã là một tin vui vào lúc các diễn đàn đa phương trở nên căng thẳng vì chủ nghĩa bảo hộ và bài toàn cầu hóa. Thời điểm xuất hiện của tin tức này cũng khiến nó trở nên đặc biệt. Đó là ngay thời điểm bắt đầu Hội nghị G20 – nơi lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới bàn bạc về các vấn đề của thế giới. EU và Nhật Bản đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới nước Mỹ - và cả thế giới rằng họ đang nắm lấy dây cương để chế ngự hệ thống thương mại toàn cầu sau khi Washington rút khỏi sân chơi toàn cầu. 

Gió đổi chiều

"Hai ông lớn, hai nền kinh tế được toàn cầu hóa đang tiến bước và cho thấy họ sẽ tiếp tục tự do hóa giao thương mà không cần Mỹ", Caroline Freund, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Thế giới Paterson nhận xét. Thỏa thuận là hệ quả của việc chính quyền Trump rút lui khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong những ngày đầu tiên điều hành nước Mỹ.

Nhật Bản là một thành viên của TPP và cũng bắt đầu đàm phán với EU về một FTA từ năm 2013. Nhưng TPP là ưu tiên của nước này vì nó cho phép Nhật Bản làm ăn với nền kinh tế lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới với ít các rào cản hơn. Kỳ vọng đặt vào TPP là khá lớn khiến cho tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại EU – Nhật Bản không được thúc đẩy nhiều. Nhưng việc Mỹ ra khỏi các cuộc đàm phán TPP là bước ngoặt.

TPP không hoàn toàn "chết" – về mặt kỹ thuật 11 nước còn lại sẽ sửa đổi các điều khoản khi không còn Mỹ. Nhưng giờ Nhật Bản cho thấy họ đã xoay trục sang châu Âu khi Mỹ đã không còn tha thiết với liên kết rộng rãi ở châu Á. 

"Chả có gì nghi ngờ vào việc EU và Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các cuộc làm việc để hoàn tất thỏa thuận nhanh nhất có thể. Họ cho thấy mình đã sẵn sàng để dẫn dắt thương mại toàn cầu mà không cần Mỹ", Edward Alden, chuyên gia thương mại và là nhà nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói. "Thực tế là việc công bố thỏa thuận sắp ‘lên khuôn’ ngay trước Thượng đỉnh G20 là một màn chơi khăm khá nhớ đời trong mắt người Mỹ".

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận chính trị rộng rãi về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lịch sử (Ảnh: KT)
Châu Âu cũng có lý do để bỏ qua Mỹ mà thân thiết với Nhật Bản. Các cuộc đàm phán giữa hai bên về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương cũng bắt đầu năm 2013. Nhưng nó kéo dài suốt nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì tranh chấp trong tiêu chuẩn pháp lý liên quan tới nhiều vấn đề như an toàn thực phẩm. Quan điểm bảo hộ mạnh của Tổng thống Donald Trump càng khiến triển vọng về TTIP trở nên xa vời.

Hiệp định thương mại tự do EU – Nhật Bản không đơn giản là một cú đánh vào danh tiếng của Mỹ như là người đi đầu khởi xướng cho tự do thương mại. Thỏa thuận còn có nghĩa các nhà xuất khẩu châu Âu và Nhật sẽ nắm nhiều lợi thế hơn Mỹ trong làm ăn với nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như sản xuất ô tô hay nông nghiệp. 

Mỹ: Thiệt đơn - thiệt kép

Chưa được chính thức công bố nhưng nội dung của FTA EU – Nhật Bản sẽ đảm bảo hai bên có thể mua bán hàng hóa của nhau với thuế thấp và các hàng rào thương mại gần như bị loại bỏ. Ví dụ: EU sẽ loại bỏ 10% thuế mà khối này áp đặt với ô tô xuất khẩu của Nhật. Nhật Bản cũng chấm dứt các trở ngại khi tiếp cận thị trường đất nước Mặt trời mọc của các nhà sản xuất EU. Một lĩnh vực khác mà EU cũng hướng tới là nông nghiệp khi mà Nhật Bản vẫn duy trì các biện pháp bảo hộ cao với các sản phẩm nông nghiệp của mình. 

Chiến thắng của EU trong việc thâm nhập rộng rãi thị trường Nhật Bản là một thất bại lớn với ngành nông nghiệp Mỹ. Nhật Bản là thị trường lớn thứ tư của nông sản Mỹ. Trong kịch bản TPP thành công, Mỹ có quyền tiếp cận với thị trường Nhật tốt hơn hiện tại và nhiều khả năng là nhà xuất khẩu chi phối tại đây. 

"TPP mà tổng thống Trump đã từ chối tham gia, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho thịt bò, thịt lợn, lúa mỳ và gạo của Mỹ. Các nhà xuất khẩu của châu Âu sẽ nắm lấy cơ hội này", Edward Alden giải thích. 

Bên cạnh đó, Mỹ đã hết thời áp đặt ý chí của mình lên các thỏa thuận thương mại đa phương sau thỏa thuận này. Các chuyên gia cho rằng một khi Nhật Bản và châu Âu đàm phán các điều khoản của một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, họ cũng sẽ tạo ra các tiêu chuẩn và chuẩn mực. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thỏa thuận thương mại tự do khác nữa.

Các nền tảng mới sẽ bao gồm: tiêu chuẩn về lao động và môi trường, định vị dữ liệu (các công ty được phép lưu trữ thông tin của khách hàng nước ngoài), bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Hầu hết đây là những lĩnh vực mà EU có quan điểm chặt chẽ hơn so với Mỹ.

Điều trớ trêu là sự chống đối quyết liệt với thương mại tự do của Tổng thống Trump cùng Brexit đã giúp các nhà đàm phán châu Âu dễ dàng hơn trong quá trình làm việc. Họ có thừa tự tin để khẳng định FTA với Nhật sẽ có thể được các chính phủ châu Âu thông qua. 

"Trump dường như đã châm ngòi cho sự phản ứng chống lại trào lưu chống toàn cầu hóa. Điều này rốt cục lại khiến người ta tập hợp nhiều hơn xung quanh thương mại tự do và mở cửa thị trường", Freund nói. 

Phát biểu tại Hamburg hôm 6/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định: "Mặc dù nhiều người đang cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và sự tan rã của các liên minh đang trở lại, chúng tôi đã cho thấy nó không có chỗ ở đây. Thế giới không cần phải trở lại với quá khứ, mà ngược lại"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: Ngành nào lợi thế nhất?
FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: Ngành nào lợi thế nhất?

FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu đem đến cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ...

FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: Ngành nào lợi thế nhất?

FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: Ngành nào lợi thế nhất?

FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu đem đến cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ...

FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực
FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực

VOV.VN - Hiệp định góp phần tạo thêm động lực để tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.

FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực

FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực

VOV.VN - Hiệp định góp phần tạo thêm động lực để tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.

Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nếu đàm phán lại FTA với Mỹ
Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nếu đàm phán lại FTA với Mỹ

VOV.VN - Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ có thể thiệt hại 17 tỷ USD trong 5 năm tới nếu hai nước đàm phán lại FTA song phương.

Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nếu đàm phán lại FTA với Mỹ

Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nếu đàm phán lại FTA với Mỹ

VOV.VN - Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ có thể thiệt hại 17 tỷ USD trong 5 năm tới nếu hai nước đàm phán lại FTA song phương.

Hàn Quốc,Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí tăng tốc đàm phán FTA
Hàn Quốc,Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí tăng tốc đàm phán FTA

VOV.VN - Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vừa nhất trí sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) ba bên.

Hàn Quốc,Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí tăng tốc đàm phán FTA

Hàn Quốc,Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí tăng tốc đàm phán FTA

VOV.VN - Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vừa nhất trí sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) ba bên.

Nhiều nước thúc đẩy các phiên bản FTA khác sau khi Mỹ rút khỏi TPP
Nhiều nước thúc đẩy các phiên bản FTA khác sau khi Mỹ rút khỏi TPP

VOV.VN - Trưởng đàm phán của các nước tham gia ký kết TPP sẽ liên lạc thường xuyên để cân nhắc các lựa chọn sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Nhiều nước thúc đẩy các phiên bản FTA khác sau khi Mỹ rút khỏi TPP

Nhiều nước thúc đẩy các phiên bản FTA khác sau khi Mỹ rút khỏi TPP

VOV.VN - Trưởng đàm phán của các nước tham gia ký kết TPP sẽ liên lạc thường xuyên để cân nhắc các lựa chọn sau khi Mỹ rút khỏi TPP.