Luật Biển quốc tế không được sự ủng hộ đa số tại Thượng viện Mỹ

Với 34 phiếu chống, Hiệp ước gần như chắc chắn không được thông qua, ít nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này.  

Hy vọng thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) của Mỹ đã mờ dần khi ngày 16/7, hai thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa tuyên bố họ phản đối việc phê chuẩn Hiệp ước.

Theo tờ Wall Street Journal, hai Thượng nghị sĩ Rob Portman (bang Ohio) và Kelly Ayotte (bang New Hampshire) đã gửi một lá thư cho thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Harry Reid, khẳng định: “Chúng tôi kết luận sau khi cân nhắc rằng, Hiệp ước này không nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Một tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương (Ảnh: AFP)
Hiệp ước được ký kết năm 1982 vốn theo đuổi việc hệ thống hóa quy định tập quán quốc tế về luật biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và quyền khai thác tài nguyên năng lượng ở biển cả. Hiệp ước được các nhóm lợi ích, các nhà hoạt động môi trường và quan chức quân đội Mỹ ủng hộ. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Hiệp ước này.

Theo tờ Wall Street Journal, thông báo vào hôm 16/7 của ông Portman và bà Ayotte là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của Hiệp ước, ít nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này.

Trước đó, 32 thượng nghị sĩ khác đã bày tỏ sự phản đối với Hiệp ước, vốn cần phải có được 67 phiếu thuận tại thượng viện gồm 100 người của Mỹ.

Thượng viện đã đưa việc thông qua UNCLOS ra xem xét trong mùa Xuân này, sau 5 năm kể từ lần cuối nó không được thông qua.

Giống như các nhà làm luật khác chống đối Hiệp ước, hai Thượng nghị sĩ Portman và Ayotte cho rằng nó có thể làm xói mòn chủ quyền Mỹ.

Văn phòng của Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã bác bỏ tuyên bố, xem chúng là mánh khóe vận động chính trị trong mùa bầu cử và cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh thông qua Hiệp ước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên