Ngân hàng Nhà nước có thể bán USD để ổn định thị trường

VOV.VN - Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn chủ động đưa ra giải pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường ngoại tệ. 

Những ngày gần đây, thị trường ngoại hối có những biến động mạnh. Tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục điều chỉnh tăng. Cũng với đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng đẩy lên mức khá cao. Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng USD tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Điều này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường tài chính và nền kinh tế Việt Nam?

Theo các chuyên gia kinh tế, đồng USD hiện đã tăng giá khoảng 3% so với 2 tuần trước. Nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá là do thị trường tài chính thế giới ổn định trở lại sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, tháng 12 tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất 0,25% sẽ làm tăng giá trị đồng USD tăng lên.

Tỷ giá trung tâm đã được NHNN liên tục điều chỉnh tăng trong những ngày qua. (Ảnh minh họa: KT)
Trong khi đó, những tháng cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu, cũng là thời điểm mà Chính phủ và doanh nghiệp trả nợ nước ngoài, có nhu cầu ngoại tệ rất lớn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, hiện đang có nhiều áp lực lên tỷ giá.

“Có 2 kịch bản, hoặc giữ ổn định tiền đồng như hiện nay không điều chỉnh nhiều hoặc là điều chỉnh để tăng tỷ giá. Nếu giữ ổn định thì tốt cho nền kinh tế, tạo lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào tiền đồng. Nhưng mặt khác, nếu giữ nguyên tiền đồng với USD, rong khi các đồng tiền khác như Nhân dân tệ mất giá so với USD thì hàng hóa của Việt Nam sẽ đắt đỏ, mất tính cạnh tranh. Muốn hỗ trợ xuất khẩu thì điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, nhưng ở mức nào thì là bài toán cần tính toán”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, diễn biến trên thị trường ngoại hối những ngày qua chưa đến mức đáng lo ngại. Mức mất giá của đồng Việt Nam không phải quá lớn, chỉ khoảng 1,5%.

Về tổng thể quan hệ cung cầu ngoại tệ ổn định, Việt Nam vẫn đang xuất siêu…Mặc dù vậy, NHNN vẫn phải bám sát thị trường, đặc biệt là các ngân hàng Trung ương trong khu vực có cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…

“Thực ra Việt Nam đang điều chỉnh tỷ giá hàng ngày. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát sao thị trường và có những chính sách làm giảm bớt độ “nóng” của USD như thời gian qua, chẳng hạn tiếp tục phát hành tín phiếu NHNN, cần bài toán truyền thông giảm bớt tâm lý… Sẵn sàng có ứng phó kịp thời, đưa ra kịch bản thống nhất khi đồng USD tăng mạnh quá và các nước trong khu vực phá giá đồng tiền quá mạnh”, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN

Chiều 24/11, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý, và có thể đảo chiều trong thời gian tới. Từ đầu năm 2016, NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá cho phép biến động linh hoạt hàng ngày phù hợp với diễn biến thị trường thế giới.

Thời gian gần đây, trên thị trường tài chính thế giới, nhiều đồng tiền cũng có biến động lớn. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam cho thấy, cung cầu không biến động mạnh, thanh khoản trên thị trường tốt. NHNN cũng sẵn sàng các giải pháp để ổn định thị trường.

“Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân, tổ chức đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời, đầy đủ. NHNN theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế. Từ đó chủ động đưa ra giải pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường. NHNN cũng sẵn sàng bán ngoại tệ ra để ổn định thị trường”, bà Hồng khẳng định.

Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm cung ngoại tệ sẽ không căng thẳng. Bởi tiếp tục được hỗ trợ nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối vào dịp cuối năm và giải ngân các dòng vốn FDI. Trong khi đó, cầu ngoại tệ chưa có áp lực lớn, đặc biệt là những nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi có biến động tỷ giá đã được hạn chế.

NHNN cũng tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng cho vay ngoại tệ đối với các cá nhân, các tổ chức đến hết năm 2017. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt căng thẳng về ngoại tệ trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dè chừng lãi suất nóng theo tỷ giá
Dè chừng lãi suất nóng theo tỷ giá

USD tăng giá đang gây áp lực lớn với lãi suất. Nếu tâm lý kỳ vọng vào USD tiếp tục lan rộng, thì lãi suất VND sẽ phải tăng lên.

Dè chừng lãi suất nóng theo tỷ giá

Dè chừng lãi suất nóng theo tỷ giá

USD tăng giá đang gây áp lực lớn với lãi suất. Nếu tâm lý kỳ vọng vào USD tiếp tục lan rộng, thì lãi suất VND sẽ phải tăng lên.

Tỷ giá VND/USD vọt tăng, giá USD tại ngân hàng thương mại dao động nhẹ
Tỷ giá VND/USD vọt tăng, giá USD tại ngân hàng thương mại dao động nhẹ

VOV.VN -Sáng 24/10, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng 13 đồng, giá mua - bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại biến động nhẹ.

Tỷ giá VND/USD vọt tăng, giá USD tại ngân hàng thương mại dao động nhẹ

Tỷ giá VND/USD vọt tăng, giá USD tại ngân hàng thương mại dao động nhẹ

VOV.VN -Sáng 24/10, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng 13 đồng, giá mua - bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại biến động nhẹ.

Tỷ giá trung tâm và giá USD cùng tăng mạnh
Tỷ giá trung tâm và giá USD cùng tăng mạnh

VOV.VN -Sáng 15/11, tỷ giá trung tâm tăng phiên thứ 4 liên tiếp, lên 22.086 đồng/USD, giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại tăng từ 15 đến 25 đồng.

Tỷ giá trung tâm và giá USD cùng tăng mạnh

Tỷ giá trung tâm và giá USD cùng tăng mạnh

VOV.VN -Sáng 15/11, tỷ giá trung tâm tăng phiên thứ 4 liên tiếp, lên 22.086 đồng/USD, giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại tăng từ 15 đến 25 đồng.