Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Dân vẫn chưa tin vào kết quả

VOV.VN -  Đại diện một trường đại học cho rằng, với cách kiểm định hiện nay khiến người dân khó tin, vì có trường "vá víu" vẫn đạt chuẩn.

Việc tham gia kiểm định đã trở thành vấn đề “sống còn” với nhiều trường, tuy nhiên đến thời điểm này nhiều trường vẫn chần chừ...

Kiểm định độc lập, tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Theo cán bộ của một trung tâm kiểm định, hiện cả nước có trên 50 trường đại học chính thức được công nhận đạt chuẩn. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu triển khai việc kiểm định đại học như hiện nay thì không biết bao giờ 271 trường mới được kiểm định xong, hơn nữa xã hội cũng khó kiểm soát được chất lượng.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng: Nếu chúng ta cứ cố trong thời gian ngắn phải đạt kiểm định tất cả các trường thì việc kiểm định sẽ lại rơi vào hình thức.

Các trung tâm KĐCLGD này phải đảm bảo tính độc lập trong kiểm định chất lượng. 
Để thực hiện việc này, Bộ GD-ĐT đã cấp phép hoạt động cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Theo các chuyên gia giáo dục, trên thế giới không có chuyện đại học này kiểm định cho trường đại học khác mà phải là các tổ chức kiểm định độc lập, độc lập từ bộ tiêu chuẩn kiểm định. Còn ta hiện nay chỉ có một bộ tiêu chuẩn kiểm định nhưng sử dụng chung cho 4 cơ quan khác nhau. Vì vậy, cần phải xây dựng nhiều bộ tiêu chuẩn để phù hợp với nhiều loại trường khác nhau.

Ông Khuyến phân tích, với 4 cơ quan KĐCLGD do Bộ GD-ĐT cấp phép thì có đến 3 trung tâm thuộc các trường đại học và 1 trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, như vậy việc kiểm định khó đảm bảo chính xác, khách quan.

Vì thế theo ông Khuyến, các trung tâm KĐCLGD này phải đảm bảo tính độc lập trong kiểm định chất lượng. Ngoài ra, việc đánh giá các trung tâm kiểm định này sẽ phải do Nhà nước quản lý, giám sát xem họ có làm đúng quy trình không, có đảm bảo tính chính xác hay không?

Bộ GD-ĐT cần đánh giá lại các trung tâm này, chứ hiện nay mọi thứ chưa rõ ràng khiến không ít trường lo ngại không dám kiểm định. Đối với các trung tâm kiểm định nước ngoài thì Bộ cũng nên công bố một số TTKĐCL đáng tin cậy.

TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, nhiều trường ngại chọn kiểm định trong nước là do tất cả số liệu thông tin như: tài chính, sinh viên... của trường sẽ phải chia sẻ cho trường khác, bởi vì cơ quan kiểm định này thuộc một trường đại học khác.

Hai là, nếu trường được kiểm định lại có quan hệ không tốt với trường sẽ kiểm định, hoặc ngược thì cũng sẽ không đảm bảo tính khách quan. Hơn nữa, cơ quan thực hiện kiểm định chất lượng nhưng lại không tư vấn cho các trường làm thế nào để tốt, bởi họ cũng ở trong lòng 1 trường đại học khác thì làm sao đủ trình độ.

Ông Tùng cũng cho rằng, cơ quan KĐCLGD phải hoạt động độc lập, trình độ phải đứng trên cả các trường đại học thì việc kiểm định mới chính xác.

Thực tế, có những trường đã thẳng thắn từ chối không chọn trung tâm kiểm định trong nước mà chọn đối tác kiểm định của nước ngoài. Tháng 10/2017, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng...  đã được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học Pháp HCERES trao quyết định công nhận kiểm định. Theo một lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường này cũng đang kiểm định theo chuẩn HCERES và chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á) cho rằng: “Trường chọn kiểm định quốc tế là để thực hiện hội nhập quốc tế, là thực hiện chủ trương khuyến khích kiểm định quốc tế của Nhà nước. Hơn nữa, trường không tin cách kiểm định hiện nay của Bộ”.

“Thước đo” không chuẩn?

Theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GD-ĐT, bộ tiêu chuẩn đánh giá một trường đại học gồm 25 tiêu chí về chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng và kết quả đạt được.

Đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng phải có ít nhất một khóa sinh viên tốt nghiệp, tham gia đánh giá ngoài và sau khi thẩm định phải có điểm trung bình các tiêu chuẩn từ 3,5 trở lên và không tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2. Tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, bộ tiêu chuẩn và cách thực hiện còn nhiều hạn chế. Điều bất cập đầu tiên đó là, khác với hệ thống các trường đại học trên thế giới, một số trường đại học ở Việt Nam còn đào tạo cả bậc THPT, trung cấp và cao đẳng.

Mỗi bậc học sẽ có mục tiêu, sứ mạng và chiến lược khác nhau. Khi đó, việc sử dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dành cho cơ sở giáo dục đại học áp vào để đánh giá cho các trường đại học có dạy cả THPT sẽ là không chính xác. Và không ít chuyên gia cũng đề xuất rằng, cách tốt nhất hiện nay là Bộ cần xúc tiến ngay kiểm định chương trình, đây mới là vấn đề thiết thực mà người học cũng như xã hội quan tâm.

Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, kiểm định trong nước hiện nay cần phải chấn chỉnh từ tiêu chí đến quy trình, quy định. Có những trường cơ sở vật chất không đủ, thuê mướn nhiều nơi vẫn đạt chuẩn. Đại diện một trường đại học cho rằng, với cách kiểm định hiện nay của Bộ khiến người dân khó tin.

TS. Lê Trường Tùng, FPT cho rằng: Sở dĩ tất cả những trường đại học đã tham gia đều đạt kiểm định bởi bộ tiêu chí chuẩn này vẫn bám theo mô hình trường đại học cũ, không phải theo mô hình phát triển đại học mới. Ví dụ, ở tiêu chí thư viện thì hiện nay ở việc đánh giá không nên tính theo đầu sách trong thư viện, mà phải xem số sách được sử dụng như thế nào. Vì thế, Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học cần phải theo xu hướng mới của đại học./.

“Kiểm định chất lượng giáo dục đại học là tốt nhưng kiểm định phải đúng quy trình nghiêm túc - công khai - minh bạch mới có tác dụng. Kiểm định chất lượng xong phải công khai để xã hội cùng giám sát chất lượng xem trường nào thực sự tốt, hay không tốt, có đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội hay không?”- TS. Lê Trường Tùng

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Đầu vào” sư phạm thấp, chất lượng giáo dục sẽ về đâu?
“Đầu vào” sư phạm thấp, chất lượng giáo dục sẽ về đâu?

VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí sinh chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Đây chính là thảm họa của ngành giáo dục.

“Đầu vào” sư phạm thấp, chất lượng giáo dục sẽ về đâu?

“Đầu vào” sư phạm thấp, chất lượng giáo dục sẽ về đâu?

VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí sinh chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Đây chính là thảm họa của ngành giáo dục.

Bỏ biên chế giáo viên có nâng chất lượng giáo dục?
Bỏ biên chế giáo viên có nâng chất lượng giáo dục?

VOV.VN - Chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên nếu được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên.

Bỏ biên chế giáo viên có nâng chất lượng giáo dục?

Bỏ biên chế giáo viên có nâng chất lượng giáo dục?

VOV.VN - Chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên nếu được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

VOV.VN - Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trước hết cần đổi mới chương trình đào tạo

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

VOV.VN - Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trước hết cần đổi mới chương trình đào tạo