Thủ tướng: “Người dân nghèo thế không thể đi xa mua từng lon nước“

VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trước mắt hỗ trợ nước cho người dân vùng hạn hán. Cả hệ thống phải vào cuộc hỗ trợ người dân.

Ngày 29/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 nhằm tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2016.

Một trong những yêu cầu cấp bách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp là Chính phủ khẩn trương xây dựng và sớm phê duyệt phương án kinh phí hỗ trợ người dân vùng hạn hán, ngập mặn chưa có trong quy định chung; đồng thời cả hệ thống chính trị các địa phương phải vào cuộc hỗ trợ thiết thực người dân bằng cả các biện pháp trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2

Theo báo cáo và các nhận định chung tại phiên họp, trong 2 tháng đầu năm nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung hàng hoá, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường ổn định, không có hiện tượng sốt giá như các dịp Tết trước đây và kéo theo các dịch vụ phát triển khá, nhất là lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế tăng cao.

Tuy nhiên sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu tháng 02 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết khá dài. Mặc dù vậy, tính chung cả 2 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 2 tháng qua cũng đạt trên 2,8 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện, chăm lo cả vật chất và tinh thần đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các vấn đề nổi lên hiện nay liên quan đến các đợt rét đậm, rét hại gây thiệt hại về cây trồng, gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát dự báo, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm nay.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các vùng sẽ bị xâm nhập mặn gồm hơn một Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: hầu hết phía nam của Kiên Giang, toàn bộ tỉnh Cà Mau, toàn bộ tỉnh Bạc Liêu, toàn bộ tỉnh Sóc Trăng, toàn bộ tỉnh Trà Vinh, toàn bộ tỉnh Bến Tre và 3/4 tỉnh Hậu Giang, có thể kể cả phía Nam của Cần Thơ, một nửa tỉnh Vĩnh Long, hơn một nửa tỉnh Tiền Giang, khoảng 1/3 của tỉnh Long An.

Như vậy chỉ còn có Đồng Tháp là không bị ảnh hưởng của mặn. Tuy nhiên đây chưa phải là đợt xâm mặn đỉnh điểm, mà đỉnh điểm sẽ là cuối tháng 3 và tháng 4, kéo dài đến tận tháng 6.

Hạn hán ở Nam Trung bộ hiện cũng chưa phải đỉnh điểm, đỉnh điểm sẽ là tháng 4, tháng 5; khu vực Tây Nguyên hy vọng có mưa vào tháng 6. Nhưng ở Ninh Thuận và Bình Thuận thì phải đến tháng 9…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc hỗ trợ người dân vùng ngập mặn, hạn hán.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với nhận định của các thành viên Chính phủ: Trong 2 tháng đầu năm nay, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả tích cực.

Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặt ra mục tiêu Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang từng bước phục hồi, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương cùng nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất là tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%.

Để làm được điều này, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần theo dõi thật sát biến động của kinh tế thế giới, kịp thời phân tích đưa ra các phản ứng chính sách nhanh nhất, có lợi nhất; tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; khẩn trương giao và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước cũng như kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2016, gắn với quyết liệt thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp tục thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đặc biệt là tìm nguồn vốn đối ứng và quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu có năng lực nhằm tận dụng nguồn vốn ODA đã được cam kết nhưng chưa giải ngân.

Chia sẻ khó khăn của người dân đang phải gánh chịu hậu quả và gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn và khô hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị các địa phương phải vào cuộc hỗ trợ thiết thực người dân bằng cả các biện pháp trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất phương án kinh phí hỗ trợ người dân vùng hạn hán, ngập mặn chưa có trong quy định chung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Các địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để hỗ trợ người dân. Chúng ta đều hiểu không có nước nguy hiểm thế nào, nước uống, nước sinh hoạt rồi mới tới nước sản xuất. Vấn đề đầu tiên cần hỗ trợ người dân là nước. Chúng ta phải chở nước tới cho người dân, người dân nghèo thế không thể đi xa để mua từng lon nước.Vấn đề thứ hai là phải hết sức chú ý dịch bệnh ở những vùng này, không để bùng phát. Thứ ba nữa là ngăn mặn, giữ ngọt.

Những vấn đề đó chúng ta phải làm, phải chỉ đạo cụ thể, và phải hỗ trợ kinh phí. Vấn đề thứ tư là phải tập trung chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất. Ngoài việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo đúng quy định, còn phải tính toán xem cơ cấu sản xuất sắp tới thế nào trong điều kiện nước sẽ ngày càng khó khăn hơn…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động cấp kinh phí cho các địa phương theo quy định; khẩn trương xây dựng và sớm đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án kinh phí hỗ trợ người dân vùng hạn hán, ngập mặn chưa có trong quy định chung…

Thủ tướng giao các thành viên Chính phủ chuẩn bị tốt các báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016… để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có Luật…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu việc đầu tiên là cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng kinh tế thị trường hiện đại để nâng sức cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu việc đầu tiên là cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng kinh tế thị trường hiện đại để nâng sức cạnh tranh.

Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế
Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế

Tháng 2/2016, chiến dịch vận động cho phó giáo sư-tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế đã chính thức được khởi động.

Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế

Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế

Tháng 2/2016, chiến dịch vận động cho phó giáo sư-tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế đã chính thức được khởi động.

Tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử
Tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, cho thấy sự sụt giảm đáng kể, thấp nhất trong bốn nhiệm kỳ gần đây. 

Tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử

Tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, cho thấy sự sụt giảm đáng kể, thấp nhất trong bốn nhiệm kỳ gần đây. 

Ông Phan Đình Trạc giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương
Ông Phan Đình Trạc giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương

VOV.VN - Công bố và trao Quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm ông Phan Đình Trạc giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Ông Phan Đình Trạc giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Ông Phan Đình Trạc giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương

VOV.VN - Công bố và trao Quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm ông Phan Đình Trạc giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương.