Để lại gì cho thế hệ mai sau?

Cách đây 50 năm, rừng tự nhiên còn che phủ hầu hết diện tích đồi núi. Nhưng giờ đây rừng tự nhiên chỉ còn ở các khu bảo tồn.

Nước Việt Nam rừng vàng biển bạc. Câu nói ấy lúc này đây nghe có phần xót xa, bởi lẽ, theo cách nói khôi hài mà lại hoàn toàn sự thật, “chúng ta đã cơ bản phá xong rừng tự nhiên”. Cách đây 50 năm, rừng tự nhiên còn che phủ hầu hết diện tích đồi núi. Nhưng giờ đây rừng tự nhiên chỉ còn ở các khu bảo tồn. Và những cánh rừng tự nhiên cuối cùng vẫn đang tiếp tục bị xâm hại.

Dưới sức ép gia tăng dân số, rừng tự nhiên bị chặt phá để lấy đất canh tác. Rừng tự nhiên bị quy hoạch để trồng cây công nghiệp. Những cánh rừng nguyên sinh bị rút ruột lấy lâm sản.

Về lý thì rừng đều đã có chủ, nhưng chủ rừng không đủ khả năng bảo vệ hoặc chính bản thân mình dung túng để lâm tặc hoạt động rồi chia lợi. Nếu theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng có thể dễ dàng nhận thấy các vụ xâm hại rừng xảy ra rất thường xuyên, đến độ trở thành phổ biến.

Còn biển bạc, vùng nước ven bờ đã có dấu hiệu cạn kiệt. Hơn 70% trong tổng số 80.000 tầu cá là phương tiện nhỏ khai thác ven bờ. Trong vùng nước chật hẹp ấy ngư dân khai thác bằng đủ mọi loại từ mắt lưới nhỏ cần phải hạn chế cho đến những dụng cụ có tính hủy diệt bị cấm như chất nổ, hóa chất và xung điện.

Tệ hại hơn nữa, là việc dùng tầu công suất lớn cũng vào càn quét các ngư trường ven bờ, tận thu từng con cá nhỏ để làm thức ăn gia súc. Các nghề khai thác cá hoạt động quanh năm bất chấp mùa cá đẻ. Khai thác bừa bãi, thế nên năng suất khai thác trên một mã lực ngày một giảm.

Và tài nguyên đất, nguồn tài nguyên không sinh sôi được ấy cũng đang bị khai thác sử dụng thiếu quy hoạch. Vấn đề thời sự hiện nay phải kể đến những bờ xôi ruộng mật đã bị quy hoạch thành sân golf, hoặc đúng nghĩa hoặc trá hình. Đất sân golf chỉ đáp ứng thú vui của một thiểu số người, và đẩy hàng vạn nông dân trở nên thất nghiệp.

Trong số tài nguyên không có khả năng tái tạo phải kể đến khoáng sản. Nước ta là quốc gia có nhiều tài nguyên khoáng sản với các mỏ than tập trung ở vùng Đông Bắc, dầu khí vùng thềm lục địa, các mỏ kim loại đen, kim loại màu và các nguyên tố đất hiếm ở miền núi phía Bắc. Đến nay đã có gần 3.500 mỏ nhỏ đang được khai thác.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản như chọn quặng giầu, bỏ quặng nghèo, không hoàn nguyên môi trường.

Do trình độ công nghệ thấp nên hầu hết các đơn vị khai thác mỏ xuất quặng thô có giá trị thấp; bỏ rất nhiều nguyên tố phụ có trong thành phần mỏ gây lãng phí tài nguyên.

Do nhiều mỏ nhỏ phân tán nên hoạt động khai thác xảy ra bừa bãi, tình trạng khai thác “thổ phỉ” còn khá phổ biến gây lãng phí tài nguyên và hủy hoại môi trường.

Nói về khai thác tài nguyên gây lãng phí và hủy hoại môi trường phải kể đến tình trạng khai thác titan ở các tỉnh duyên hải miền Trung hiện nay. Loại khoáng sản này nằm lộ thiên nên dễ khai thác, nhưng cũng rất nhạy cảm với môi trường. Rất nhiều doanh nghiệp đủ mọi quy mô tham gia hoạt động này.

Do công nghệ lạc hậu, nên đa số xuất quặng thô giá trị thấp gây lãng phí tài nguyên.

Do quản lý lỏng lẻo nên đa số doanh nghiệp không hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác. Hậu quả là nhiều vùng ven biển bị đào bới, đất đai không còn sử dụng được vào bất cứ mục đích gì.

Tài nguyên (bao gồm tái tạo được và không tái tạo được) là nguồn lực của quốc gia. Khai thác tài nguyên để phát triển là tất yếu. Vấn đề đặt ra là phải khai thác một cách hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động môi trường. Theo tính toán của các nhà khoa học, hiện nay có rất nhiều hoạt động khai thác của chúng ta đang thu lợi âm, rõ nhất là tình trạng khai thác thủ công ở các mỏ kim loại mầu trữ lượng nhỏ.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đã rất thẳng thắn khi nói: Giá trị thu được bằng tiền cho một vài cá nhân không thể so sánh được với những mất mát về môi trường mà hậu quả tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu trong vài chục năm tới.

Các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới có sử dụng khái niệm “GDP xanh”, là hiệu số của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với sự mất mát tài nguyên cũng như chi phí cần phải có để khắc phục ô nhiễm môi trường. Cách tính ấy buộc chúng ta phải cân nhắc thấu đáo khi sử dụng tài nguyên.

Tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, phải được sử dụng một cách đúng đắn để phát triển bền vững. Tài nguyên thiên nhiên là tài sản thuộc về nhiều thế hệ. Vì thế không thể khai thác theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”.

Thế hệ đương đại đã thừa hưởng từ cha ông một đất nước giàu tài nguyên. Hãy cùng suy ngẫm chúng ta đã sử dụng tài nguyên một cách thông minh và có trách nhiệm chưa? Và sẽ để lại gì cho thế hệ sau?./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên