Hành trình của cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam

VOV.VN - Qua hơn 3 chăm chỉ luyện tập, cậu bé tự kỷ Nguyễn Khôi Nguyên đã trở thành một nghệ sĩ xiếc tài năng và có thể hòa nhập với cuộc sống.

Những ngày qua, hành trình giúp con “trở thành người bình thường” của diễn viên Quốc Tuấn và cậu bé Bôm đã khiến hàng triệu khán giả phải rơi nước mắt vì cảm động và khâm phục nghị lực sống, thì ở đâu đó, vẫn có những đứa trẻ cũng mạnh mẽ như Bôm.

Là một Thạc sỹ tâm lý, chuyên chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em, nhưng mẹ của Nguyễn Khôi Nguyên gặp nhiều khó khăn trong quá trình giúp em hòa nhập cộng đồng. Cho tới khi gia đình quyết định đưa Nguyên đến tham gia lớp học về môn tung bóng, đứng con lăn,… một phần trong bộ môn Xiếc. Điều kỳ diệu đã xảy ra, đủ để khiến cậu bé tự kỷ không thể kiểm soát được hành vi bản thân, sợ đám đông trở thành kỷ lục gia môn đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất.

Cậu bé Khôi Nguyên biểu diễn đứng trên 5 con lăn tung 7 bóng.

Hành trình tìm đến nghệ thuật biểu diễn xiếc

Nhắc đến nghệ sĩ xiếc, người ta thường nghĩ đến những con người nhanh nhẹn, hoạt bát thế nhưng khi một đứa trẻ tự kỷ đã tự tin đứng trên sân khấu, khéo léo biểu diễn trước hàng trăm khán giả trở thành điều “xưa nay hiếm”.

Câu chuyện đó là của cậu bé Nguyễn Khôi Nguyên (16 tuổi), mắc bệnh tự kỷ dạng tăng động giảm chú ý.

Bố mẹ Nguyên đã từng sử dụng nhiều cách thức giáo dục khác nhau để dạy con nhưng đều như “muối bỏ biển”. Năm 12 tuổi, gia đình quyết định đưa Nguyên đến trung tâm Tâm Việt để tham gia kỳ học quân đội và cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật xiếc cũng bắt đầu từ đây.

Thầy Nguyễn Quang Thọ, một nghệ sĩ xiếc tài năng và cũng là người trực tiếp dạy dỗ, hướng dẫn Nguyên. Thầy Thọ cho biết: “Thời gian đầu đến trung tâm, Nguyên thu mình, thích giành đồ của bạn và nhiều khi mất kiểm soát đối với hành vi. Khi đó, tôi tập tung bóng trước mặt Nguyên nhưng em không mấy bận tâm, rồi cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, em bắt đầu có cảm giác với trái bóng, lúc đầu là nghịch, ném… làm đủ các trò với quả bóng và sau đó em đã hứng thú với việc học tung bóng. Những bước tập luyện đầu tiên luôn đơn giản, không biết làm nên tay chân loắng ngoắng, tung bóng thì khó khăn nhưng sự tiến bộ của em tăng lên từng ngày”.

Thầy Thọ giúp Nguyên về kỹ thuật, dạy em một số bộ môn trong nghệ thuật xiếc như tung bóng, đứng trên con lăn, đi xe đạp một bánh để giúp em làm nâng cao sự tập trung. Qua thời gian tập luyện, Nguyên đã phần nào kiểm soát được hành vi cá nhân. “Sau năm đầu tiên dạy Nguyên, tôi đã thay đổi tư duy hoàn toàn, đó là một tài năng có sẵn trong em. Tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc bởi Nguyên là người có tố chất với loại hình nghệ thuật này” thầy Thọ nói.

Vào cuối năm 2016, trong một lần biểu diễn thăng bằng trên 5 ống con lăn, đội chai tung 7 bóng, Nguyên gặp sự cố không may bị ngã gãy vai. Bằng phương pháp vật lý trị liệu điều trị cùng với tình yêu thương của gia đình và các thầy đã giúp Nguyên vượt qua nỗi sợ tâm lý này. Sau tai nạn đó, Nguyên tiếp tục với niềm đam mê của mình, hơn nữa em càng chăm chỉ luyện tập và tập trung hơn.

Thầy Nguyễn Quang Thọ, là một nghệ sĩ xiếc, người trực tiếp dạy dỗ, hướng dẫn Nguyên.

Thầy giáo của Nguyên cũng cho biết, khi thay đổi các bộ môn tập luyện đối với em không hề gặp khó khăn, hơn nữa khi đã làm một điều gì đó Nguyên cũng như các bạn sẽ không suy nghĩ nhiều mà chỉ tập trung làm thật tốt.

Cũng theo thầy Nguyễn Quang Thọ, một diễn viên xiếc chuyên nghiệp được huấn luyện trong độ tuổi từ 11 đến 18. Do độ khó của kỹ xảo xiếc, nhiều học viên đã phải bỏ giữa chừng. Đối với người có năng khiếu tập xiếc đã khó, với trẻ tăng động giảm tập trung thì độ khó tăng lên gấp nhiều. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra với Nguyên khi mà chính bố mẹ em cũng như bản thân tôi không thể ngờ tới.

Hòa nhập cộng đồng và trở thành người nghệ sĩ tài năng

 Gần 4 năm biết đến bộ môn tung hứng, mỗi ngày, từ 7h sáng đến 8h tối, Nguyên cùng các bạn tham gia luyện tập tung hứng bóng, đứng trên con lăn… cũng như học kỹ năng để đến hôm nay em đã gặt được trái ngọt, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình.

Vào 5/2017, Khôi Nguyên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Hành trình ý chí kỷ lục Việt Nam với nội dung: Cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất.

Trò chuyện với Khôi Nguyên, cậu bé vô tư không hề lo lắng và lễ phép khi xin chụp ảnh cùng mọi người. Em nói rằng: “Ước mơ của em là trở thành người tung bóng số 1 thế giới”. Và em cũng ước mơ trở thành họa sĩ, giống như công việc của bố mình.

Anh Nguyễn Thế Hiệp, bố của Nguyên cho biết: Từ khi Nguyên còn nhỏ đến khi 10 tuổi, mẹ em đã xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc em. Tốt nghiệp ngành tâm lý nhưng khi đối mặt với tình trạng của con trai, chị đã xin nghỉ việc và đăng ký học khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm, sau đó sang Nhật nghiên cứu trở thành thạc sĩ chuyên dạy cho học sinh tự kỷ trong đó có Nguyên.  “Mặc dù, Nguyên 16 tuổi nhưng cháu vẫn ngây thơ như đứa trẻ lên 5, lên 6. Gia đình tôi cũng không mong muốn gì nhiều chỉ mong con có một cuộc sống bình thường như người khác, tương lai có một cái nghề đúng như sở thích của con” anh Hiệp nói.

Trước giờ biểu diễn, thầy Võ Quang Duy cũng là người bạn diễn giúp Nguyên thay trang phục.

Không chỉ thành công với loại hình nghệ thuật xiếc, vấn đề tâm lý và sức khỏe của Nguyên được cải thiện rõ ràng. Theo bố mẹ Nguyên,  từ khi còn nhỏ việc ôm con, bế con khá khó khăn bởi em không hề thích, những lúc như vậy, em thường trượt ra khỏi vòng tay bố mẹ và muốn cách xa mọi người. Thay thế những hành động xa lánh mọi người, mất kiểm soát hành vi ấy thì tới thời điểm hiện tại, Nguyên đã hòa nhập được với cuộc sống, không sợ người lạ hay nơi đông người.

Chị Mai Kim Phượng với vị trí của một người mẹ cũng với vai trò là Thạc sĩ tâm lý chuyên dạy cho học sinh tự kỷ chia sẻ: “Đối với trẻ có tình trạng giống Nguyên, trên khuôn mặt sẽ không thể hiện cảm xúc, thường sẽ giữ nguyên một biểu cảm. Hơn nữa, con cũng như sẽ gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp để có thể thể hiện ý muốn cá nhân của mình. Thế nhưng giờ đây con là niềm tự hào của chúng tôi, con đã biết nói những lời yêu thương, hỏi han bố mẹ và người thân xung quanh mình, có cơ hội sống và theo đuổi đam mê của mình”.

 Những bộ môn em đang học như tung hứng, đứng trên con lăn hay đi xe đạp một bánh không chỉ giúp Nguyên tìm được lại cuộc sống của chính mình mà giờ đây, em đã trở thành một nghệ sĩ xiếc, biểu diễn cùng các đàn anh, đàn chị chuyên nghiệp. 

 Khôi Nguyên thành công không chỉ là câu chuyện của riêng em mà là biểu tượng của tiềm năng, sức mạnh con người, là điều tuyệt vời trong phương pháp giáo dục đặc thù. Và câu chuyện của em sẽ trở thành niềm động viên, khích lệ cho những gia đình có những đứa con kém may mắn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc Tuấn: “Tôi là cha, là mẹ, là thầy của con“
Quốc Tuấn: “Tôi là cha, là mẹ, là thầy của con“

Diễn viên "Người thổi tù và hàng tổng" kiên cường giúp cậu con trai mắc bệnh hiểm nghèo có cuộc sống bình thường. 

Quốc Tuấn: “Tôi là cha, là mẹ, là thầy của con“

Quốc Tuấn: “Tôi là cha, là mẹ, là thầy của con“

Diễn viên "Người thổi tù và hàng tổng" kiên cường giúp cậu con trai mắc bệnh hiểm nghèo có cuộc sống bình thường. 

Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ
Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ

VOV.VN - “Hướng tới tự chủ và tự quyết” là chủ đề của “Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”(2/4) năm nay.

Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ

Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ

VOV.VN - “Hướng tới tự chủ và tự quyết” là chủ đề của “Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”(2/4) năm nay.

Sắp có thuốc điều trị tự kỷ cho trẻ
Sắp có thuốc điều trị tự kỷ cho trẻ

Thử nghiệm lâm sàng nhỏ cho thấy các bé trai bị tự kỷ có dấu hiệu cải thiện khả năng nói và kỹ năng xã hội khi được dùng thuốc suramin.

Sắp có thuốc điều trị tự kỷ cho trẻ

Sắp có thuốc điều trị tự kỷ cho trẻ

Thử nghiệm lâm sàng nhỏ cho thấy các bé trai bị tự kỷ có dấu hiệu cải thiện khả năng nói và kỹ năng xã hội khi được dùng thuốc suramin.