Olympic London 2012:

“Hiệu ứng Barcelona” hay là “cái thìa gỗ”

Sau những cuộc tranh tài, người ta hầu như sẽ chỉ còn nhớ đến Olympic ở một khía cạnh: đó là một giải đấu thành công hay thất bại về mặt kinh tế?

Olympic - Thế vận hội mùa Hè là sự kiện lớn nhất thế giới, không chỉ trong lĩnh vực thể thao, diễn ra 4 năm một lần. Điều này đồng nghĩa với việc đó là sự kiện tiêu tốn nhiều tiền của nhất với một quốc gia đăng cai. Trong quá khứ, việc tiêu tốn đó đôi khi là một cơ hội để thúc đẩy cả một nền kinh tế, nhưng trong nhiều trường hợp, cũng lại là một vụ ném tiền qua cửa sổ mà hậu quả phải mất vài năm, đôi khi là vài thập kỷ, mới khắc phục xong.

Những quốc gia đăng cai Olympic thường hay nhắc đến cụm từ “hiệu ứng Barcelona” như một sự kỳ vọng. Năm 1992, thành phố Barcelona của Tây Ban Nha được đăng cai Olympic mùa Hè. Nhờ có sự kiện đó, Barcelona được đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, quản trị xã hội; Sau khi Olympic kết thúc, Barcelona đã cất cánh trên “đường băng” được sự kiện thể thao đó mở ra, từ chỗ là một trong những thành phố trì trệ, an ninh phức tạp, trở thành một trong những trung tâm kinh tế-tài chính lớn của Tây Ban Nha và vùng Nam Âu.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Jacques Rogge đứng bên biểu tượng Thế vận hội (Ảnh: Reuters)

Nhưng cũng có một thuật ngữ khác để nói về sự thất bại: “cái thìa gỗ”, tức là giải thưởng dành cho những người về bét một cuộc thi. Khi thành phố Montreal của Canada tổ chức Olympic 1976, người dân vùng này không biết rằng phải đến 30 năm sau, tức 2006, họ mới trả được hết số nợ mà sự kiện thể thao đó để lại.

Mới nhất và thời sự nhất, Olympic 2004 tại Athens được cho là một trong những nhân tố đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công rồi rơi vào đại suy thoái như hiện nay. 13 tỷ USD chi ra cho Olympic Athens năm đó đã góp 2-3% vào tổng số nợ quốc gia của Hy Lạp.

Với Olympic London 2012, nước Anh sẽ được điều gì? “Hiệu ứng Barcelona” hay là “cái thìa gỗ” trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu?

Trong một bản phân tích tài chính được Ngân hàng Lloyds Banking Group đưa ra đầu tháng 7, Olympic 2012 được dự đoán sẽ mang lại cho nền kinh tế Anh khoản lợi nhuận 16,5 tỷ bảng Anh trong vòng 12 năm tới. Con số này cao hơn chi phí cho việc tổ chức đại hội là khoảng 9 tỷ bảng Anh.

Thận trọng hơn nhưng Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhận định rằng một khoản lãi 13 tỷ bảng Anh là điều có thể đạt được. Những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là xây dựng, việc làm và du lịch, trong đó đã có khoảng 365.000 việc làm trong các lĩnh vực liên quan đến Olympic 2012 được tạo ra kể từ khi London giành quyền đăng cai năm 2005.

Nhưng bất chấp những con số lạc quan trên, vẫn có những hoài nghi. Nhiều nhà kinh tế cho rằng dự đoán lợi nhuận khả quan của Olympic vào thời điểm này là quá sớm bởi chưa có con số chính thức cuối cùng là London đã tiêu tốn bao nhiêu tiền cho Olympic, đặc biệt là các chi phí phát sinh trong việc bảo vệ an ninh sau scandal công ty G4S không thể thực hiện nổi hợp đồng.

Sự thận trọng của các nhà kinh tế là điều dễ hiểu bởi các nghiên cứu trong 3 thập kỷ qua đã chỉ ra rằng nếu xét đơn thuần trên các con số, một sự kiện thể thao lớn thường ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế hơn là tích cực, đặc biệt là trong ngắn hạn bởi chi phí đầu tư bỏ ra quá lớn nên chỉ có hiệu quả trong dài hạn.

Lĩnh vực việc làm là một ví dụ, khi Cục Văn hóa truyền thông, thể thao Anh phân tích là có chi 9 tỷ bảng cho Olympic 2012 thì năm 2013, London cũng chỉ có thể tạo ra thêm 10.000 việc làm mới so với việc không có Olympic.

Đó là lý do để giờ đây khi nói đến hiệu quả kinh tế của Olympic, các nhà kinh tế thường tìm đến những tác động “mềm” hơn là tác động cứng.

Giáo sư Stefan Szymanski của Đại học Michigan, người nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế thể thao, cho rằng “hạnh phúc” là thứ có giá trị nhất mà Olympic đóng góp cho nền kinh tế Anh. Năm 1996, khi nước Anh tổ chức giải bóng đá châu Âu – EURO, Szymanski đã đo được rằng người dân Anh cảm thấy hạnh phúc trong năm đó hơn so với năm trước và “hạnh phúc” đó được lượng hóa là 165 bảng/người. Nếu con số đó lại tái hiện ở Olympic 2012 thì nước Anh sẽ “lãi” trên 10 tỷ bảng Anh.

Trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang suy thoái, GDP quý 2 tụt giảm 0,7%, sự hài lòng của người dân và niềm tự hào dân tộc được nâng cao nhờ Olympic được xem là nhân tố quan trọng không kém những khoản đầu tư từ chính phủ. Đó là chưa kể đến “hiệu ứng halo” về mặt du lịch trong những năm tiếp theo và việc thay đổi đáng kể bộ mặt phía Đông của London, khu vực nghèo nàn và ẩn chứa những bất ổn xã hội như vụ bạo loạn cách đây tròn 1 năm.

Với vị thế là một trong những trung tâm kinh tế-tài chính của thế giới, London có đủ sức mạnh để không phải nhận một chiếc thìa gỗ sau Olympic Hè này. Nhưng có tạo nên một hiệu ứng đặc biệt hay không thì cũng không ai dám chắc bởi ví von như các nhà kinh tế thì “London như một chiếc bình đã đầy nước. Nước từ Olympic đổ vào không thể làm đầy bình mà chỉ có thể làm nước sạch hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên