Phạm nhân được đặc xá học kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng

VOV.VN - Để giúp các phạm nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam Tân Lập (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn.

Càng gần đến ngày Quốc khánh 2/9, không khí tại Trại giam Tân Lập càng rộn ràng hơn bởi chỉ vài ngày nữa thôi, hàng trăm phạm nhân sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, có cơ hội làm lại cuộc đời và tái hòa nhập cộng đồng.

Có tên trong danh sách đặc xá lần này,  phạm nhân Đào Văn Lực ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đang đếm ngược từng ngày. Hơn 10 năm thụ án tại Trại giam Tân Lập, Lực đã thấm thía những sai lầm mà mình gây ra, quyết tâm cải tạo thật tốt.

Được tham gia các lớp tập huấn trước khi ra Trại, Đào Văn Lực hào hứng: "Tôi cũng rất may mắn đợt này được nhiều cán bộ mời đến các lớp tuyên truyền, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi tham gia tôi thấy rất bổ ích, nhiều thông tin được cập nhật và tôi có nhiều kỹ năng sống hơn. Khi trở về xã hội, điều đầu tiên tôi muốn nói tôi xin cảm ơn ban lãnh đạo trại giam đã tạo điều kiện sớm trở về xã hội, và tôi hứa sẽ trở thành một công dân tốt không tái phạm".

Lớp học phổ biến kỹ năng sống tái hòa nhập cộng đồng

Giống như những lần đặc xá trước, việc chuẩn bị tư tưởng, tâm lý, kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân đặc xá được Ban lãnh đạo Trại giam Tân Lập rất coi trọng. Trại đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các phạm nhân được đặc xá ở các phân trại với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát, Liên đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ.

Hầu hết các phạm nhân đều chăm chú học, ghi chép và trả lời các câu hỏi của giáo viên với mong muốn mình sẽ không bị lạc lõng khi trở về và có thể kiếm được việc làm. Trung tá Đỗ Quang Huy, Phó Giám thị Trại tạm giam Tân Lập cho biết: "Trại đã tổ chức các lớp học cho phạm nhân nam và phạm nhân nữ phối hợp với các ban ngành địa phương như Hội luật gia, Hội liên hiệp thanh niên và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Phú Thọ để tư vấn pháp luật về luật cư trú, giao thông, phòng chống ma túy, kỹ năng sống, kỹ năng tìm việc làm để phạm nhân sau khi được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng và không tái phạm".

Đào tạo nghề cho các phạm nhân nữ

Năm nay, Trại giam Tân Lập có hơn 300 phạm nhân được xét đặc xá trên tổng số hơn 4.000 phạm nhân đang thụ án tại Trại. Để thực hiện đặc xá đảm bảo công bằng, đúng người, việc nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ của các phạm nhân được Hội đồng xét đặc xá Trại giam Tân Lập thực hiện rất kỹ và đúng quy định.

Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng đội Giáo dục hồ sơ Trại giam Tân Lập cho biết: Ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, công tác chuẩn bị đặc xá của Trại đã được chuẩn bị kỹ càng. Từ Ban Giám thị tới Ban Chỉ huy các phân trại đều rất chú trọng việc xem xét, đánh giá để bảo đảm tính khách quan, công bằng khi đưa ra danh sách các phạm nhân được đặc xá, trong đó có việc tìm hiểu hoàn cảnh của các phạm nhân.

"Trong quá trình ở trại, chúng tôi cũng quan tâm đến nhân thân và hoàn cảnh điều kiện phạm nhân qua đó có biện pháp giáo dục rất cụ thể từ đó các phạm nhân có nhìn nhận xem xét lại bản thân có ý thức chấp hành pháp luật không chỉ trong trại mà khi được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng họ cũng có điều kiện để tránh vi phạm pháp luật", Trung tá Vương Thế Huynh nói.

Đào tạo nghề cho các phạm nhân nam

Đợt đặc xá năm nay là dịp tốt để mỗi phạm nhân có cơ hội suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc tha tù trước thời hạn mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên