Họa sĩ Ngô Xuân Bính: “Đã ăn trộm thì không có nhân cách“

VOV.VN - Theo họa sĩ Ngô Xuân Bính, đạo tranh, ăn cắp ý tưởng hội họa là kẻ phá hoại văn hoá của một quốc gia và "đã là ăn trộm thì không còn có nhân cách".

Ngô Xuân Bính – một người đàn ông đa tài hội tụ sự tài hoa, tinh tế của một nhà thơ, một võ sư, một thầy thuốc và một họa sĩ sơn mài nổi tiếng.

Nối tiếp hàng loạt những triển lãm đã thành công ở trong và ngoài nước, mới đây, họa sĩ Ngô Xuân Bính đã thực hiện một triển lãm cùng họa sĩ Lê Văn Thìn với hàng trăm bức tranh trừu tượng khổ lớn ở nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy Dó mang tên “Du & Dội”. Đây là một triển lãm có lượng tranh trưng bày lớn, có thể nói lần đầu tiên ở Việt Nam có một họa sĩ tổ chức trưng bày cùng lúc nhiều tranh như thế.

PV: Thưa họa sĩ, điểm khác biệt trong triển lãm “Du & Dội” so với những triển lãm trước của anhvà nhiều họa sĩ trong nước là gì?

Họa sĩ Ngô Xuân Bính: Khi các bạn xem triển lãm này, các bạn tinh ý một chút sẽ thấy ngay là một không gian sắp đặt. Nó là một chế ngữ của toàn bộ tác phẩm, tạo ra một ảo ảnh rất lớn về vấn đề thị giác, năng lượng.

Nếu chìm đắm trong không gian triển lãm này, các bạn sẽ thấy mình đang sống trong một "trường" của tranh với những chương, mục rất rõ ràng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính

Văn hoá đình làng, chùa chiền cũng được tôi thể hiện trong triển lãm này. Chúng ta có những nét văn hoá Á Đông, văn hoá lúa nước rất đặc trưng. Đặc biệt là nơi thờ những vị thần thiên nhiên: thần nước, thần gió, thần mặt trời… Tất cả là biểu tượng của lòng biết ơn, cầu vọng sự phồn vinh trường tồn.

Hay đằng sau cánh cổng làng là những bức tượng phật về văn hoá dân gian như hình ảnh con tò he hay hình ảnh "con trâu là đầu cơ nghiệp" – biểu tượng của nhà nông, của văn hoá nông nghiệp…

Tất cả cứ gối nhau ở các chương như vậy để bộc bạch. Đó là văn hoá của tình yêu, văn hoá của một dân tộc.

PV: Vừa là võ sư, thầy thuốc, nhà thơ, họa sĩ… vậy khi vẽ những bức tranh này, họa sĩ thường nghĩ tới điều gì?

Họa sĩ Ngô Xuân Bính: Khi nghĩ đến một triển lãm tức là người ta phải chuẩn bị cho cả một dự án có chủ đề rõ ràng.

Trong quá trình vẽ, tôi không bị thúc bách một vấn đề gì cả, không vì vấn đề triển lãm hay vấn đề cá nhân mà đều xuất phát từ những tâm tưởng trong giây phút xuất thần, giây phút “lên đồng” với hội họa nên cảm xúc rất chân thật.

Có nhiều người hiện nay tay nghề rất cao nhưng tôi cũng thấy rất buồn vì họ bị đẩy theo hướng kỹ thuật nhiều quá, bị đẩy sang vấn đề "làm sang" để trang trí. Như vậy anh đã biến thành nghệ nhân chứ không phải nghệ sĩ.

Cứ một thời gian như vậy, anh sẽ bị mất mất cảm xúc mà chỉ chăm chút vào việc làm đẹp. Mà làm đẹp chỉ là yếu tố thứ 2 của nghệ thuật. Nghệ thuật phải là cái hồn, cái thần thái trước tiên. Họ đang tự biến mình thành một nghệ nhân. Nhiều triển lãm lấy yếu tố "sang", đẹp làm yếu tố cơ bản, chỉ chăm chú vào việc làm đẹp. Khi đó anh mất rất nhiều thời gian, anh "tẩn mẩn" với nó, anh sẽ trở thành một người thợ khéo léo và cảm xúc trực tiếp không còn nữa.

Tuy nhiên, ở đây, chúng ta cũng phải nhìn vào thực tế của mình. Nhiều họa sĩ trước hết cũng phải sống, "đói thì đầu gối phải bò". Họ phải có trách nhiệm với gia đình của mình. Không ai dễ dàng gì bỏ tiền ra mua vật liệu, không dễ dàng gì khi vẽ hàng chục, hàng trăm tranh mà không ai mua.

Ở điểm này, tôi là một người may mắn. May mắn vì tôi có một công việc có thể đem lại mức tài chính đủ cho mình, có những tác phẩm bán được ngay từ thời gian đầu cũng như một số công việc khác nên đủ đảm bảo cuộc sống hàng ngày, dù không được giàu.

PV: Những bức tranh trừu tượng nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung có phải sẽ rất khó để tiếp cận với xã hội Việt Nam bây giờ, thưa họa sĩ?

Họa sĩ Ngô Xuân Bính: Nhiều cái chúng ta không nên bắt buộc nó phải được tiếp cận ngay, đặc biệt là văn hoá thị giác. Nó chỉ nằm trong không gian 2 chiều, trong một mặt phẳng nhưng lại hàm chứa rất nhiều. Độ nén càng lớn thì càng khó. Không phải là sự đơn giản mà cái tinh giản của chân lý càng khó hơn.

Ở đấy nó gần như bắt người ta phải có sự suy tưởng và có một vốn văn hóa nhất định thì mới hiểu được với nó. Thích thích, vui vui cũng là giai đoạn đầu của quá trình thẩm mỹ. Anh thấy đẹp anh thích, anh thấy được sự khoái cảm là quý rồi. Không thể bắt người dân bình thường thích thú những cái không đáng thích.

PV: Có người nhận xét rằng họa sĩ vẽ sơn mài truyền thống nhưng theo lối vẽ kết hợp cả phương Đông và phương Tây. Anh có thể chia sẻ về công cuộc làm mới nghệ thuật tranh sơn dầu của mình?

Họa sĩ Ngô Xuân Bính: Đây là mong muốn của bất cứ một người làm nghệ thuật nào. Anh tìm được một cái gì riêng biệt, cái gì của riêng mình, không giống ai, đó là một ao ước, khát vọng. Đó là bản thân anh, là tình yêu của anh, là tài năng của anh.

Cho nên vì sao người ta rất phẫn nộ với cách bắt chước, nhại lại hay nói cách khác là đi ăn trộm. Ăn trộm về tứ, ăn trộm về ý tưởng.

Một người nghệ sĩ luôn phải đi tìm cái riêng cho mình. Người ta nghĩ trong mấy trăm năm nay sơn dầu không thể làm mới được. Hàng trăm năm nay, hàng nghìn hoạ sĩ vẫn vẽ tranh sơn mài như vậy.

Nhưng họ đâu biết nhiều người mua tranh của chúng ta được vài tháng là hỏng, hoặc những bức tranh trong bảo tàng chỉ vài chục năm bắt đầu bong tróc và phải tìm mọi phương pháp để bảo tồn thậm chí có cái còn phải phục chế lại.

Đó là ở vấn đề chất liệu, thứ nữa là vấn đề màu sắc và chất lượng. Trong khi sơn hiện nay dải tần màu sắc vô cùng phong phú, rất thuận lợi cho các họa sĩ lựa chọn. Còn nói về độ bóng, sơn bây giờ bóng hơn rất nhiều và có độ sâu hơn. Sơn ta vẽ xong một bước có khi phải ủ vài ngày mới khô thì lúc đó cảm xúc thăng hoa của anh đã bị nhạt mất rồi.

Tôi là một người làm khoa học nên chúng tôi nhìn ra vấn đề rất dễ. Ngay từ những bức tranh đầu tiên vẽ tôi đã thấy ra vấn đề đó rồi.

PV: Trong thời gian gần đây, rất nhiều người phẫn nộ với tình trạng tranh giả, tranh nhái. Họa sĩ có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về “vấn nạn” này?

Họa sĩ Ngô Xuân Bính: Trước hết đó là lòng tự trọng. Anh ăn trộm một chiếc xe máy đã đành, anh ăn trộm cả một tư tưởng là một điều vô cùng lớn. Một chiếc xe máy chỉ là tài sản cá nhân, có thể định lượng được nhưng anh ăn cắp một tư tưởng, một quan niệm, ăn trộm cả một nền văn hoá thì vô cùng nghiêm trọng.

Đấy là vấn đề nhân phẩm, mà đã là nhân phẩm thì còn gì đáng để bàn nữa. Kẻ phá hoại văn hoá của một quốc gia, kẻ không có tài mà lấy tài năng của người khác để áp cho chính mình thì không còn gì đáng để bàn cãi nữa. Đã là ăn trộm thì không còn có nhân cách, mà không có nhân cách thì còn bàn làm gì?

Ngay cả bản thân tôi khi vẽ tranh, lúc đầ u tôi vẽ rất say sưa với tất cả sự cuồng nhiệt và thích thú nhưng đến khi nhìn lại thấy hình như nó giống giống hay ảnh hưởng với một tác phẩm nào đấy, tôi lập tức phá luôn.

Đấy là nguyên tắc và lòng tự trọng. Tôi nghĩ bất cứ hoạ sĩ nào cũng nên có một cách nghĩ như vậy. Tôi tin tất cả các hoạ sĩ tâm huyết và có lòng tự trọng đều làm như vậy.

PV: Xin cảm ơn họa sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triển lãm tranh “Du & Dội“: Tranh là đời, đời là tranh
Triển lãm tranh “Du & Dội“: Tranh là đời, đời là tranh

VOV.VN - Triển lãm trưng bày hơn 300 tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau nhằm “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của 2 họa sĩ Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn.

Triển lãm tranh “Du & Dội“: Tranh là đời, đời là tranh

Triển lãm tranh “Du & Dội“: Tranh là đời, đời là tranh

VOV.VN - Triển lãm trưng bày hơn 300 tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau nhằm “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của 2 họa sĩ Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn.