Bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân” trong cơn bão số 12

VOV.VN - Ngay sau khi bão tan, hàng trăm chiến sĩ Học viện Hải quân và phương tiện tàu thuyền tham gia cứu vớt ngư dân, giúp dân ổn định cuộc sống

Rạng sáng 4/11/2017, cơn bão số 12 tràn qua khu vực đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nhân dân các tỉnh từ Phú Yên – Ninh Thuận. Đứng chân trên địa bàn thành phố Nha Trang, là một trong những nơi tâm bão đi qua, ngay sau khi bão tan, Học viện Hải quân đã huy động hàng trăm cán bộ, học viên, nhân viên và phương tiện, tàu thuyền cứu vớt ngư dân, giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống để lại những tình cảm tốt đẹp về tình quân dân trong hoạn nạn.

Cứu vớt ngư dân đưa lên tàu.

Thành phố Nha Trang là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại sau khi cơn bão số 12 đi qua. Do nằm sát biển, lại có lốc xoáy và gió giật mạnh nên nhiều hộ dân ở phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Long bị thiệt hại nặng nề nhất, hàng trăm hộ dân bị tốc mái nhà, mái tôn, sập bờ rào, gẫy cây cổ thụ. Tàu thuyền ngư dân neo ở Vịnh Vân Phong bị chìm, lồng bè nuôi hải sản bị vỡ và trôi dạt.

Chị Huỳnh Thị Kiều Lan, ở phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang vẫn không hết bàng hoàng. Mấy chục năm nay mới có bão vào, không thể tin cơn bão mạnh và gây thiệt hại lớn đến thế. Nhà chị Lan bị đổ sập hoàn toàn. Trong khi mưa chưa ngớt, gió vẫn rít từng cơn, gia đình chị đã được các học viên Học viện Hải quân đến giúp đỡ.

Chị Lan cho biết: "Tôi hơi bất ngờ khi gặp các anh bộ đội, tưởng có chuyện gì nhưng khi các anh ấy nói đến giúp đỡ khắc phục hậu quả sau bão, tôi yên tâm và phấn khởi lắm. Chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn các anh rồi hối thúc người trong gia đình cùng dọn dẹp sau bão".

Giúp gia đình chị Lan, ở phường Vĩnh Trường dọn dẹp sau bão.

Trong cơn bão số 12, Trường Trung học cơ sở Lê Thanh Liêm, Phước Đồng, Nha Trang cây cối đổ ngổn ngang, 11 phòng học bị tốc mái, bàn ghế hư hỏng hoàn toàn, hệ thống bảng hiệu, cửa kính bị vỡđổ thiệt hại nặng nề. Tại đây, cán bộ, học viên đã tập trung lực lượng thu dọn cành cây đổ, rác thải, kính vỡ, gia cố lại mái tôn để giúp nhà trường sớm ổn định mọi mặt, để các cháu học sinh sớm trở lại lớp học theo kế hoạch.

Giúp trường THCS Lê Thanh Liêm- Phước Đồng khắc phục hậu quả.

Cô giáo Trần Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: Ngay sau khi bão đi qua, thầy cô giáo chúng tôi bàng hoàng khi thấy trường bị thiệt hại nặng nề như vậy. Lực lượng mỏng, giáo viên nữ chiếm đa số, nhà trường không biết xoay sở thế nào để khắc phục hậu quả. Rất may mắn được các chú bộ đội giúp đỡ kịp thời và hiệu quả. Nhà trường và phụ huynh, các cháu học sinh biết ơn các chú bộ đội nhiều lắm”.

Tại các hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách trên địa bàn phường Phước Long cán bộ, học viên tập trung dọn mái tôn bị lốc cuốn, thu gom cành cây gẫy đổ, lợp lại mái nhà, dọn đường giao thông.

Trên hướng biển, lực lượng tàu của Học viện đang đi tránh bão tại vịnh Vân Phong. Đây là khu vực tránh trú bão chủ yếu nên rất nhiều tàu cá, lồng bè nuôi thủy sản trú đậu. Cơn bão tràn qua quá mạnh nên rất nhiều tàu cá bị chìm, lồng bè bị vỡ và trôi dạt, rất nhiều ngư dân bị chìm trong nước. Mặc dù điều kiện mưa bão vô cùng phức tạp, tàu nhỏ, cán bộ,thuỷ thủ đã rất vất vả, thức trắng đêm chống chọi với bão. Nhưng ngay sau khi giông gió giảm, các tàu liền cơ động cứu vớt ngư dân.

Các ngư dân đang chống chọi với gió bão chờ bộ đội đền ứng cứu.

Anh Lê Văn Hậu, 37 tuổi, quê ở Phú Yên cho biết: Anh cùng các thành viên trên tàu đi đánh cá đã hơn 2 tuần, biết bão mạnh vào nên đi tránh. Sóng lớn, gió giật làm tàu anh bị vỡ mạn, nước vô chìm rất nhanh, 13 người trên tàu ôm can nước, thùng phuy làm phao, trôi dạt, mưa to, gió lớn sợ không trụ được, may mắn  được tàu Hải quân cứu kịp thời nên toàn bộ tàu được an toàn. Tôi bị thương vào đầu và chân, mất máu nhiều, được các chiến sĩ băng bó và cho thuốc uống, giờ sức khoẻ đã ổn định.

Băng bó vết thương cho ngư dân.

Cháu Trần Quang Thật vừa khóc vừa kể: cháu 14 tuổi quê ở Bình Định, đây là lần thứ hai được đi theo tàu đánh cá và là lần đầu tiên trong đời biết đến bão gió. Là người nhỏ tuổi nhất nên được nhường áo phao và cả can nhựa để khỏi bị chìm nhưng do chưa quen lại sợ hãi nên người cứ lịm dần. Khi tỉnh dậy, xung quanh mình là các chú bộ đội, nghe kể lại mới biết mình được các chú cứu khi trôi dạt… nhờ các chú cháu mới được sống để về với ba mẹ. Cháu biết ơn các chú nhiều lắm.

Các ngư dân được cứu lên tàu.

Bà con ngư dân nuôi thuỷ sản trên vịnh Vân Phong cũng là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão gây ra. Nhiều năm nay không có bão lớn vào nên bà con chủ quan, nhiều gian đình không chuẩn bị phương án phòng chồng nên bị mất trắng.

Bà Phùng Thu Hằng 60 tuổi, quê Vạn Ninh, Khánh Hoà cùng chồng và gia đình nuôi thuỷ sản trên vịnh đã nhiều năm nay, bà kể: “Do tuổi đã cao, vợ chồng tôi xác định cố gắng làm ăn năm nay nữa rồi bàn giao lại cho con nên đã đầu tư toàn bộ tài sản vào các lồng bè.

Tôm cá gần đến mùa thu hoạch, bão vô, bè vỡ, lồng tan, tôi và chồng cùng nhiều người ở lồng bè khác bị trôi dạt từ 3 giờ sáng, tưởng chừng như không thoát khỏi cái chết. May nhờ các chú Hải quân cứu giúp nên được sống, lại cho nước uống, mì tôm để ăn. Chúng tôi cảm ơn các chú rất nhiều”.

Trắng đêm cùng tàu chống bão nhưng ngay khi có lệnh cơ động đi cứu dân, Thiếu úy Quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Điểu, nhân viên Tàu 709 nhanh chóng chuẩn bị những đồ dùng cần thiết thang dây, cáng cứu thương… anh cùng với đồng đội cứ được 38 ngư dân đưa lên tàu.

Anh Điểu chia sẻ: Đối với bộ đội Hải quân chúng tôi, cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu, mệnh lệnh từ trái tim. Bão lớn, bà con bị nạn nhiều quá, chúng tôi chỉ tiếc rằng mình đủ khả năng để cứu giúp tất cả.

Bàn giao ngư dân đưa về bờ.

Cùng với nhiệm vụ khắc phục hậu quả nặng nề do bão 12 gây ra trong nội bộ đơn vị, Học viện Hải quân đã kịp thời triển khai thực hiện phương án cứ giúp nhân dân.Tính đến tối ngày 4/11/2017, Học viện Hải quân đã huy động hơn 400 lượt cán bộ, học viên, nhân viên, 39 phương tiện và 3 tàu để giúp dân khắc phục hậu quả. Cứu vớt 87 ngư dân trôi dạt trong bão, chăm sóc y tế và hỗ trợ thực phẩm; tổng dọn rác thải, lợp mái nhà cho 67 hộ dân và 03 trường học…

Hoạt động giúp dân trong hoạn nạn đã góp phần cùng bà con và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống; thắt chặt sâu sắc mối quan hệ đoàn kết quân – dân trên địa bàn đóng quân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vớt được 3 thi thể thuyền viên bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn
Vớt được 3 thi thể thuyền viên bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn

VOV.VN - Lực lượng chức năng đã cứu được 71 người và vớt được 3 thi thể thuyền viên bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn.

Vớt được 3 thi thể thuyền viên bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn

Vớt được 3 thi thể thuyền viên bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn

VOV.VN - Lực lượng chức năng đã cứu được 71 người và vớt được 3 thi thể thuyền viên bị nạn trên vùng biển Quy Nhơn.

Đà Nẵng dốc toàn lực dọn dẹp vệ sinh môi trường đón APEC
Đà Nẵng dốc toàn lực dọn dẹp vệ sinh môi trường đón APEC

VOV.VN - Dù trời mưa to, gió giật mạnh, cán bộ, công nhân, người dân vẫn miệt mài làm việc, các tấm pano bị bão số 12 quật ngã trang trí đón APEC

Đà Nẵng dốc toàn lực dọn dẹp vệ sinh môi trường đón APEC

Đà Nẵng dốc toàn lực dọn dẹp vệ sinh môi trường đón APEC

VOV.VN - Dù trời mưa to, gió giật mạnh, cán bộ, công nhân, người dân vẫn miệt mài làm việc, các tấm pano bị bão số 12 quật ngã trang trí đón APEC