Doanh nghiệp Thái quan tâm đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam

VOV.VN -Phó Tổng thư ký Uỷ ban Đầu tư Thái Lan: Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng lớn với sự thuận lợi về địa lý và nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao.

Ngày 6/10, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cùng Uỷ ban Đầu tư Thái Lan và Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã tổ chức hội thảo “Cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam”.

Hội thảo đã thu hút được gần 300 doanh nghiệp, diễn giả, nhà quản lý… của Thái Lan và Việt Nam tới tham dự.

Ông Chokdee Kaewang  phát biểu tại hội thảo.

Trong những năm vừa qua, doanh nghiệp Thái Lan ngày càng quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào rất nhiều ngành và lĩnh vực tại Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính lũy kế đến tháng 6/2016, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư 466 dự án vào Việt Nam với tổng số vốn đạt khoảng 9,44 tỷ USD, xếp thứ 10/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Quy mô vốn bình quân một dự án của Thái Lan khoảng 20,26 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 14 triệu USD/dự án. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dành được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Thái Lan.

Thái Lan cũng là nước có ngành công nghiệp phụ trợ tương đối phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp… đây sẽ là những nhà đầu tư có tiềm năng và có thể chia sẻ kinh nghiệm hữu ích với Việt Nam.

Ông Chokdee Kaewang - Phó Tổng thư ký Uỷ ban Đầu tư Thái Lan cho biết, Thái Lan là nước có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển từ hơn 20 năm qua.

Công nghiệp phụ trợ là cơ sở để sản suất ra các thiết bị máy móc như ô tô, đầu kéo hay máy công nghiệp… đó là điều kiện phải có của việc cạnh tranh các sản phẩm chế tạo công nghiệp.

Các diễn giả, nhà quản lý tại hội thảo

Ông Chokdee khẳng định: “Công nghiệp phụ trợ rất quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Nó làm tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường. Chính vì thế, các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ phải được đặt lên hàng đầu và cực kỳ quan trọng”.

Về cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan vào công nghiệp phụ trợ Việt Nam, ông Chokdee cho rằng, Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng lớn với sự thuận lợi về địa lý và nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao.

Ngoài ra, các chính sách về thu hút đầu tư cũng rất cởi mở. Đặc biệt Việt Nam là nước có sự hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế khu vực và thế giới với hàng loạt các hiệp định đối tác thương mại.

Còn ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết Thái Lan là nước đầu tư lớn vào Việt Nam, đứng thứ 10 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng mức vốn đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam khoảng 8 tỷ USD, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến và chế tạo.

“Chúng ta đang đón nhận thông tin rất khả quan về làn sóng quan tâm đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan, trong đó có ngành công nghiệp phụ trợ, với xu hướng rất quan trọng là mua lại và sáp nhập, đặc biệt sẽ có rất nhiều thương vụ lớn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công nghiệp phụ trợ: Không phát triển, cơ hội sẽ vào doanh nghiệp FDI
Công nghiệp phụ trợ: Không phát triển, cơ hội sẽ vào doanh nghiệp FDI

VOV.VN -Đầu tư của Nhà nước cho công nghệ phụ trợ còn hạn chế, việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào công nghệ phụ trợ hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn.

Công nghiệp phụ trợ: Không phát triển, cơ hội sẽ vào doanh nghiệp FDI

Công nghiệp phụ trợ: Không phát triển, cơ hội sẽ vào doanh nghiệp FDI

VOV.VN -Đầu tư của Nhà nước cho công nghệ phụ trợ còn hạn chế, việc ưu đãi, thu hút đầu tư vào công nghệ phụ trợ hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn.