Loại bỏ chi phí “bôi trơn“ bằng cách nào?

VOV.VN - Chủ tịch TP HCM yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành phải công khai, trực tiếp tiếp xúc, hỗ trợ doanh nghiệp tránh chi phí không chính thức.

TP HCM đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp, gấp 2,5 lần so với số doanh nghiệp hiện có nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế thành phố. Để đạt được chỉ tiêu này, thành phố đang nỗ lực xây dựng hạ tầng đô thị và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đồng thời tích cực tìm các giải pháp nhằm đổi mới các cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP HCM ông Nguyễn Thành Phong đã không ít lần yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành phải công khai và trực tiếp tiếp xúc doanh nghiệp, tránh tình trạng gây khó cho doanh nghiệp với các “chi phí không chính thức”.

Doanh nghiệp làm ra 100 đồng lợi nhuận sẽ phải đóng ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn. (Ảnh minh họa: KT)
Thế nhưng đã có rất nhiều doanh nghiệp trong nước khi được hỏi về những chi phí không chính thức phải trả, bắt đầu từ việc xin giấy phép hoạt động cho đến các thủ tục hành chính khác đều cho rằng, đó là khoản mà ai cũng phải mất để dễ dàng cho công việc.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, người từng giữ chức Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 thừa nhận, phí bôi trơn là vấn đề hết sức tế nhị mà doanh nghiệp nào cũng phải bỏ ra.

“Máy chạy thì phải có dầu thì mới trơn. Tất cả mọi chuyện phải làm cho nó trơn mới chạy nhanh và tốt. Ít có doanh nghiệp nào công khai, phản ảnh một cách rõ ràng vấn đề này. Dĩ nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì có cái này cái kia phải chung chi, nhưng mà ít ai nói ra lắm”, ông Hồng ví von.

Còn ông Châu Kha, Giám đốc Công ty TNHH GGM tại Việt Nam dẫn câu chuyện của mình khi đi xin giấy phép thành lập công ty tại KCX - KCN ở TP HCM và Bình Dương. Đó là khi nộp một bộ hồ sơ xin giấy phép tại đây đều phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê như biên soạn, chứng minh nhà xưởng và liên quan đến các khâu phòng cháy chữa cháy và nhiều thứ khác. Để thuận lợi, khâu nào doanh nghiệp ông cũng buộc phải bỏ tiền ra bôi trơn cho được việc, bởi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

“Cứ mỗi cơ quan quản lý không có minh bạch là doanh nghiệp phải bôi trơn. Nói không bôi trơn là không đúng, ít nhất là 1 triệu, 2 triệu, 5 triệu, 10 triệu. Đó là chuyện bình thường. Vì thực tế chính tôi đã làm”, ông Kha quả quyết.

Quả thật, các loại phí bôi trơn là những chi phí không tên, không chứng từ và không có bằng chứng nào. Nhưng sự thật nó lại hiện diện trong giá thành của các sản phẩm của doanh nghiệp và làm cho tổng chi phí của doanh nghiệp tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải chịu rất nhiều loại thuế, phí mà không thể kiểm soát được. Tiền bôi trơn của doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 0,72-1,02% lợi nhuận của họ. Nghĩa là doanh nghiệp làm ra 100 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn. Chi phí này tồn tại đã lâu và cần phải loại bỏ để doanh nghiệp phát triển, hội nhập.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2016, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh đến “chi phí không chính thức” mà doanh nghiệp phải bỏ ra đã làm giảm hiệu quả, uy tín môi trường đầu tư của thành phố.

Ông Phong cho rằng, hiện có những người chuyên làm việc "chạy chọt" chỉ để doanh nghiệp gặp gỡ, trình bày dự án với lãnh đạo. Chính vì vậy, ông Phong yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành phải công khai, trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh chi phí không chính thức.

“Đã nói là phải làm nghiêm túc bằng việc triển khai các giải pháp, tìm kiếm các cơ chế chính sách để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Nếu thành phố tạo những tiền đề thuận lợi nhất và chuẩn bị một cách chu đáo nhất, thì con số 500.000 doanh nghiệp không phải là chuyện viển vông, nhưng nếu không quyết liệt thì sẽ rất khó”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ.

Vấn đề Chủ tịch UBND thành phố đưa ra là cần loại bỏ chi phí không chính thức, nâng cao hiệu quả môi trường đầu tư cho thành phố đã được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đánh giá cao.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, không chỉ TP HCM mà Chính phủ cũng phải hết sức kiên quyết trong việc chỉ đạo này, bởi nó đụng chạm đến lợi ích nhóm của một bộ phận tiêu cực, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp. HĐND Thành phố phải giám sát chặt chẽ và tiêu chuẩn hóa thành nguyên tắc chuẩn cho hoạt động bộ máy công vụ.

Còn về phía doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ luật pháp, các quy định cụ thể trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép hoạt động và các quy trình khác, cần thiết phải khởi kiện những hành động gây khó cho doanh nghiệp của nhân viên công quyền.

“Chủ tịch UBND Thành phố cần phải có sự chỉ đạo trong ê kíp của mình, cả bộ máy để cùng hỗ trợ mình, đặc biệt là các sở có phát sinh những vấn đề quan hệ với doanh nghiệp để có những văn bản đưa ra chỉ đạo rõ ràng. Nếu những giải pháp mà thực hiện một cách đồng bộ thì môi trường đầu tư của TP HCM sẽ được nâng cao hơn”, ông Dũng nêu quan điểm.

Nói và làm là một khoảng cách xa, nhưng khi chính quyền và cả hệ thống chính trị đã quyết tâm vào cuộc sẽ tạo được niềm tin cho doanh nghiệp. Đó là niềm tin về một bộ máy trong sạch, với các chính sách công khai, minh bạch, hiệu quả gắn liền với từng bước đi của doanh nghiệp trong quá trình phát triển thành phố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan
28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan

VOV.VN-VCCI và Tổng Cục Hải quan công bố kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan

28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan

VOV.VN-VCCI và Tổng Cục Hải quan công bố kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nói không với thảm nạn… “bôi trơn”
Nói không với thảm nạn… “bôi trơn”

VOV.VN -Chưa hoặc “bôi trơn” chưa đủ khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị nhũng nhiễu, gây khó dễ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nói không với thảm nạn… “bôi trơn”

Nói không với thảm nạn… “bôi trơn”

VOV.VN -Chưa hoặc “bôi trơn” chưa đủ khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị nhũng nhiễu, gây khó dễ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Dân vẫn phải trả thêm tiền phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hành chính
Dân vẫn phải trả thêm tiền phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hành chính

VOV.VN - Theo đại diện Bộ Nội vụ, toàn bộ 6 thủ tục hành chính được khảo sát đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài lệ phí.

Dân vẫn phải trả thêm tiền phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hành chính

Dân vẫn phải trả thêm tiền phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hành chính

VOV.VN - Theo đại diện Bộ Nội vụ, toàn bộ 6 thủ tục hành chính được khảo sát đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài lệ phí.