Đọc tuyển tập những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ Mai Phương

VOV.VN - Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, có một phóng viên đài truyền thanh đất mỏ, thường lặn lội đạp xe lên gửi tin - bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 2017, Mai Phương tặng bạn bè một món quà quý: “Mai Phương - tác phẩm” (NXB Hội nhà văn). Cuốn sách dày hơn 600 trang, bìa cứng, trình bày trang nhã với lời tự bạch: "Tôi xin dành toàn bộ tác phẩm này tặng cho người con trai Lê Trần Quỳnh bởi chính anh là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác văn học của tôi gần như cả cuộc đời và chính anh đã góp phần quan trọng cho sự ra đời tập tuyển này".

Mai Phương tên thật là Lê Viết Thuận, quê quán tại xã Ngân Sơn, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Ông là bộ đội chống Pháp, năm 1954 tập kết ra Bắc là về ngay vùng mỏ và sống từ đó đến nay, coi vùng than Đông Bắc là quê hương thứ hai của mình. Bạn bè của ông ở Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có Tổng biên tập Trần Lâm coi ông là người của Đài.

Nhưng ít người biết rằng ngay từ những năm 1958-1959, Mai Phương đã có nhiều thơ, bút ký, phóng sự… đăng ở tạp chí "Người vùng mỏ" và các báo ở Trung ương như Văn Nghệ, Cứu Quốc, Thống Nhất. Mai Phương cũng là người tới xin học khoá 1 Trường viết văn của Hội nhà văn Việt Nam, cùng với những tên tuổi như Võ Huy Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Thái Giang…Việc đi học không thành. Ông vẫn sống ở vùng mỏ và bắt đầu học làm văn làm thơ làm báo… ở chính những người thợ mỏ thân yêu của mình.

Tuyển tập: "Mai Phương - tác phẩm"

“Mai Phương - tác phẩm”, như tác giả nói, là một tập tuyển đánh dấu sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ qua của ông. Ông đã có 5 tập thơ, một tập tuyển "ký và truyện". Một số bài thơ của ông đã được đưa vào các hợp tuyển thơ in chung với nhiều người. Số giải thưởng văn chương của ông thật đáng nể. Nhưng dường như với ông, được "giai cấp" công nhân mỏ coi là "đồng chí", là "người thợ lò" mới là niềm vui, là điều đáng để sống hơn cả. Bởi thế, trong "Mai Phương - tác phẩm" chiếm dòng chủ đạo vẫn là "bài ca về những người thợ mỏ".

Cuốn tập tuyển chia làm 6 phần: Thơ - Trường ca - Truyện thơ - Truyện - Bút ký và "Lời bè bạn". Trừ “Lời bè bạn”, còn dù là thơ hay truyện, bút ký hay trường ca, đều thấy một Mai Phương khoẻ khoắn, lạc quan, xông xáo, và sống rất tình người.

Mở đầu phần thơ là hai bài thơ về Bác Hồ. Câu thơ mộc mạc, chân tình, đọc lên lại nhớ cái giọng Phú Yên đã "chuẩn hoá" theo phương ngôn Bắc Bộ của nhà thơ:

         "Con không nói được gì về Bác nữa đâu

          Có bao điều về Người

                                          Nhân loại trên hành tinh đều nói hết

          Con chỉ còn biết khóc

          Khi thấy Bác mặc quần đùi hành quân và vừa đi vừa phơi áo

          Đạp nước guồng trắng xoá giữa đôi chân

          Trùm khăn rét mùa đông bên ruộng mạ

          Cái mũ Bác đội đầu là cái mũ giống người dân"

                             ("Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi" - 2001)

Với những bài thơ mỗi câu 3 từ - 4 từ - 5 từ, lục bát…Mai Phương làm thơ ca ngợi những người mẹ, người em, ca ngợi thiên nhiên đất nước. Nhưng nhiều hơn cả, da diết hơn cả vẫn là những bài thơ về vùng mỏ và người thợ mỏ. Một nhận xét rất tinh tế: "Các cô thiếu nữ/ Làm dáng trước gương/ Những người thợ mỏ/ Soi bóng trong than…" ("Tình yêu đất mỏ"). Trong tạp chí Nhà văn và tác phẩm của Hội nhà văn Việt Nam, số 10/2015, khi in một chùm 5 bài thơ của Mai Phương, Ban biên tập đã có một nhận xét rất xác đáng rằng: "Mai Phương càng có tuổi thơ càng trẻ lại, một bước chuyển cũng rất quan trọng từ hiện thực đời sống về chiêm nghiệm thế nhân. Và tỉnh lại. Từ cái nhìn của cô gái dành cho du khách ngược sông Lô hôm nay gợi cái nhìn cô sơn nữ năm xưa đắm đuối mà không hề dùng một chữ liên tưởng, thật thần tình."

“Ta can em đừng nhìn ta như vậy/ Ôi! Cái nhìn của thủa bắt đầu yêu/ Ngọn nguồn Lô Giang ngàn lau vẫn chảy/ Sông oai linh lượn uốn xóm thôn nghèo.

Đành lòng thôi ngậm ngùi không biết mấy/ Ta đi rồi xin em chớ nhìn theo/ Để mãi trong ta bóng nàng sơn nữ ấy/ Tự năm xưa đứng đợi giữa chân đèo.”( Lũng Cú).

Cũng tạp chí Nhà văn và tác phẩm số Xuân Đinh Dậu (2017) trong mục "Văn hay nhìn lại" đăng hai truyện ngắn của Mai Phương: “Thằng Câm” và "Tự thú" có lời bình: "Lại một nhà thơ nữa, ông Mai Phương sang tuổi 85 thì chợt muốn làm một nhà văn trẻ: viết truyện ngắn. Có vẻ như với cái tâm hồn hậu, cái nhuần nhị mọi lẽ đời được mất khiến kết cấu chuyện còn mắc tật giản đơn, nhưng mọi cảm giác về tình yêu, về bi kịch ngay dưới chân của cái mà ta cứ tưởng là tháp ngà hạnh phúc khiến thiên truyện man mác buồn, một nỗi buồn thấm thía tính triết luận". Tôi đã đọc hết 6 truyện ngắn trong tập tuyển này của Mại Phương. Cũng phải ngậm ngùi trước cái chết tức tưởi của nhân vật "thằng câm". Một chàng trai bị câm bẩm sinh, khoẻ mạnh, chịu thương chịu khó và được mọi người thương. Giữa lúc mọi người tưởng rằng tác giả cho anh ta một cuộc sống hạnh phúc với một cô mậu dịch viên, thì phát đạn nhằm bắn tên ăn trộm lại trúng ngay vào người đuổi trộm. Một cái chết oan khiên. Biết nói thế nào nhỉ?

Nhưng phải nói "ký" mới là địa hạt mà ngòi bút Mai Phương tung hoành, làm rõ bản lĩnh của người lính Cụ Hồ. Ông đã từng viết - như một lời tuyên ngôn: "Đồng chí Bí thư bảo tôi/ Cứ phải cười/ Với cả những tên hèn nhát/…Hoà vào hắn? Như nắng hoà vào cát/ Chi bộ sẽ kết nạp anh…Bốn mươi năm không làm được lời khuyên/ Không giả nụ cười/ Để đến với vinh quang…Dẫu cay đắng/ Miễn là sự thật…". Bởi vậy, trong các bài ký của mình, Mai Phương kịch liệt phê phán những thói hư tật xấu, bọn tham nhũng sâu mọt hại dân. Và đồng thời ca ngợi, biểu dương cái tốt, những kinh nghiệm quý vượt khó đi lên.

Trong ký của Mai Phương, hầu như không có lĩnh vực nào của sản xuất và đời sống ngành than, bị bỏ qua. Đặc biệt trong những lúc ngành than, các mỏ than gặp khó khăn nhất với câu hỏi lớn: làm gì để tồn tại. Mai Phương viết về mỏ Cọc Sáu, mỏ Đèo Nai, Mông Dương… những cái tên làm nên thương hiệu vùng than. Về những người thợ mỏ: thợ lò, lái máy xúc, lái xe, về những người địa chất mỏ, về những kỹ sư, cán bộ quản lý tận tụy với nghề, tận tâm với người. Sau này, khi làm phóng viên cho báo Công thương, có dịp đi rộng hơn vùng mỏ, Mai Phương vẫn thuỷ chung chọn nhân vật chính cho tác phẩm của mình là người lao động.

“Văn tức là người”. Mai Phương tính hào sảng, lúc nào cũng chỉnh chu khi xuống với người lao động. Văn xuôi của ông cũng vậy. Viết như nói. Toàn câu đơn, ngắn gọn, rút tít, vào đề, kết thúc… chắc nịch như lưỡi búa thợ lò chém vào súc gỗ, như lưỡi cuốc thợ lò bổ vào vỉa than. Hãy nghe tác giả tả chân dung một người vùng than, ông Bùi Trung Thành: "Ông Thành nhả một ngụm khói thuốc lào dày đặc đen kịt cứ như áng mây mù trước một cơn giông lớn rồi thủng thẳng: Làm mỏ mà là mỏ hầm lò anh còn lạ gì. Khó vô cùng mà khổ thì cũng thật vĩ đại. Trong lò không có trăng rằm, không mặt trời lặn mọc. Không mây trời mà cũng chẳng cánh hải âu bay, không nửa đêm mà cũng không gà gáy. Bốn bề và khi nào cũng chỉ mỗi sắc đen than…Cứ y như một nhà thơ.” ("Mông Dương chiều sâu lòng người").

Trong báo có văn. Chàng trai trẻ năm xưa bị từ chối khi muốn học viết văn, đã trở thành nhà thơ - nhà văn Mai Phương, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Trong các bài ký của ông, ngoài chất "báo chí" ra, thấm đậm cái duyên dáng, đằm thắm nhưng chắc khoẻ của một nhà văn vùng mỏ. Trong bài ký "Độc đáo ông Bình", kết thúc cả một thiên phóng sự về Đèo Nai vượt khó đi lên, phần kết Mai Phương viết: "Mấy bác nhà văn lão làng vùng mỏ khuyến khích tôi viết ký về Đèo Nai, nhưng bảo phải có cái gì đó có hơi hướng mùa xuân. Vậy mùa xuân của thiên nhiên thì khí trời ấm áp, chim én bay liệng và hoa đào, hoa mai nở, trẻ con áo mới, quần mới xúng xính. Còn mùa xuân của con người là cái đẹp tự trong lòng… Nó vang lên suốt cả bốn mùa. Con người biết thương yêu, quý trọng con người, lo cho nhau ai cũng có việc làm, ai cũng có cuộc sống tốt. Mọi người bay bổng vươn xa trong khi còn nhiều gian khổ khó khăn. Có lẽ đó là mùa xuân của thợ mỏ Đèo Nai. Thầm kín nhưng rực rỡ.”

Muốn biết về một tác giả, không gì tốt hơn đọc chính tác giả ấy. "Mai Phương - tác phẩm" đã ra mắt bạn đọc. Xin giới thiệu với bạn đọc những trang văn "ngùn ngụt lửa than - nống ấm tình người" của một người bạn thân thiết với Đài Tiếng nói Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thi Anh Đào ra mắt cuốn sách truyền cảm hứng cho giới trẻ
Thi Anh Đào ra mắt cuốn sách truyền cảm hứng cho giới trẻ

VOV.VN - Ở tuổi 30, Thi Anh Đào được biết đến như một câu chuyện đẹp về việc truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp, quyết tâm theo đuổi đam mê.

Thi Anh Đào ra mắt cuốn sách truyền cảm hứng cho giới trẻ

Thi Anh Đào ra mắt cuốn sách truyền cảm hứng cho giới trẻ

VOV.VN - Ở tuổi 30, Thi Anh Đào được biết đến như một câu chuyện đẹp về việc truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp, quyết tâm theo đuổi đam mê.

Chọn sách mà đọc, chọn bạn mà chơi
Chọn sách mà đọc, chọn bạn mà chơi

VOV.VN - Chọn sách mà đọc còn quan trọng hơn chọn bạn mà chơi. Sách hay, sách dở rốt cuộc đều do con người làm ra...

Chọn sách mà đọc, chọn bạn mà chơi

Chọn sách mà đọc, chọn bạn mà chơi

VOV.VN - Chọn sách mà đọc còn quan trọng hơn chọn bạn mà chơi. Sách hay, sách dở rốt cuộc đều do con người làm ra...

Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa vào sách Lịch sử Việt Nam
Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa vào sách Lịch sử Việt Nam

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được nói đến nhiều hơn trong bộ sử đồ sộ mới công bố với tên gọi chiến tranh xâm lược.

Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa vào sách Lịch sử Việt Nam

Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa vào sách Lịch sử Việt Nam

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được nói đến nhiều hơn trong bộ sử đồ sộ mới công bố với tên gọi chiến tranh xâm lược.