“Làm sao ta giữ được rừng trong thời gian tới”

VOV.VN - “Những sạt lở, lũ lụt gần như đều có hệ quả tác động của việc rừng đang giảm" - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu ý kiến tại phiên họp Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (14/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Lấy 1 phải trồng thay thế 3?

Điểm đáng chú ý của dự thảo luật lần này là việc bổ sung quy định cụ thể hơn về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng; làm rõ việc xử lý khi chủ dự án không tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc trường hợp địa phương nơi chuyển mục đích sử dụng rừng không bố trí được diện tích đất để trồng rừng thay thế.

Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình

Điều 28 dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân, chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác bằng diện tích bị chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng trồng, bằng 2 đến 3 lần đối với rừng tự nhiên.

Trong trường hợp không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng với giá trị diện tích rừng phải trồng thay thế theo quy định để cấp tỉnh tổ chức trồng thay thế. Nếu tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế thì phải chuyển tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế ở địa phương khác.

“Quy định này có khả thi không? Còn đất để tăng trông rừng lên gấp 2-3 lần sau khi chuyển đổi không?” – Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị rà soát để tránh mâu thuẫn giữa luật này với Luật Đất đai.

“Tôi rất băn khoăn là làm sao chúng ta giữ được rừng trong thời gian tới. Đây là vấn đề lớn và những sạt lở, lũ lụt gần như đều có hệ quả tác động của việc rừng đang giảm” – ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến và nhấn mạnh cần đặt trách nhiệm cho rõ.

Lấy diện tích lớn rừng phòng hộ phải do Quốc hội quyết định

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác mà nên giao cho Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh thực hiện tùy theo loại rừng và diện tích rừng chuyển đổi; cần quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan này trong việc quyết định chủ trương chuyển đổi.

Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Dũng, rừng là tài nguyên quan trọng của quốc gia, do vậy đối với những dự án chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ quy mô lớn cần phải có sự quyết định chủ trương của Quốc hội.

Việc giao thẩm quyền này cũng phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án quan trọng quốc gia và tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đất đai.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Do đó, Điều 26 của Dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 héc-ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 héc-ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc-ta trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng từ 01 héc-ta đến dưới 50 héc-ta; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 10 héc-ta đến dưới 50 héc-ta; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 10 héc-ta đến dưới 500 héc-ta; rừng sản xuất từ 50 héc-ta đến dưới 1.000 héc-ta.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 01 héc-ta; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới dưới 10 héc-ta; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển dưới 10 héc-ta; rừng sản xuất dưới 50 héc-ta./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng: Quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững
Thủ tướng: Quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững.

Thủ tướng: Quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững

Thủ tướng: Quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững.

“Bảo vệ rừng, trồng cây phải trở thành thói quen của người Việt Nam“
“Bảo vệ rừng, trồng cây phải trở thành thói quen của người Việt Nam“

VOV.VN -Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần phải làm cho việc bảo vệ rừng, việc trồng cây ở mọi miền đất nước trở thành thói quen, nếp sống của người Việt Nam.

“Bảo vệ rừng, trồng cây phải trở thành thói quen của người Việt Nam“

“Bảo vệ rừng, trồng cây phải trở thành thói quen của người Việt Nam“

VOV.VN -Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần phải làm cho việc bảo vệ rừng, việc trồng cây ở mọi miền đất nước trở thành thói quen, nếp sống của người Việt Nam.

“Dân sống quanh rừng rất nghèo, còn tiền rơi túi ai không biết”
“Dân sống quanh rừng rất nghèo, còn tiền rơi túi ai không biết”

VOV.VN - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh phải có chính sách đảm bảo người dân sống được từ rừng để bảo vệ rừng.

“Dân sống quanh rừng rất nghèo, còn tiền rơi túi ai không biết”

“Dân sống quanh rừng rất nghèo, còn tiền rơi túi ai không biết”

VOV.VN - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh phải có chính sách đảm bảo người dân sống được từ rừng để bảo vệ rừng.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Không nể nang, xử lý bất cứ ai chặt phá rừng
Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Không nể nang, xử lý bất cứ ai chặt phá rừng

VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Anh: "Chặt 1 cây rừng phải trả giá. Anh Ban không giữ được rừng thì anh phải chịu trách nhiệm".

Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Không nể nang, xử lý bất cứ ai chặt phá rừng

Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Không nể nang, xử lý bất cứ ai chặt phá rừng

VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Anh: "Chặt 1 cây rừng phải trả giá. Anh Ban không giữ được rừng thì anh phải chịu trách nhiệm".

Thượng tướng Võ Trọng Việt: Rừng giờ ít “đại gia” mà lắm “đại ca“
Thượng tướng Võ Trọng Việt: Rừng giờ ít “đại gia” mà lắm “đại ca“

VOV.VN - “Ngày xưa nói rừng là vàng, “rừng che bộ đội, rừng quây quân thù” nhưng giờ thì rừng làm giàu cho “lâm tặc”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt: Rừng giờ ít “đại gia” mà lắm “đại ca“

Thượng tướng Võ Trọng Việt: Rừng giờ ít “đại gia” mà lắm “đại ca“

VOV.VN - “Ngày xưa nói rừng là vàng, “rừng che bộ đội, rừng quây quân thù” nhưng giờ thì rừng làm giàu cho “lâm tặc”.